Sáng 3/6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đoàn đại biểu Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. 

Chủ tịch nước nêu rõ, nghiên cứu lịch sử không phải đi tìm quá khứ mà là để tiến về tương lai, hiểu được quy luật vận động của xã hội, của lịch sử để vận dụng những bài học lịch sử đối phó với thách thức, giải quyết những vấn đề của hiện tại, biết những gì nên làm và những điều nên tránh, tìm kiếm những giá trị chân lý của dân tộc một cách trung thực, những thứ trường tồn của thời gian. Qua đó, soi sáng cho những bước đi đúng đắn, vững chắc vào những trang giấy lịch sử mà thế hệ con cháu sẽ kế tục viết nên sau này.

Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, Chủ tịch nước nhấn mạnh, lịch sử còn thì văn hóa còn, văn hóa còn thì dân tộc còn, dân tộc còn thì đất nước còn; vũ khí để bảo vệ Tổ quốc không chỉ là súng ống, đạn được mà còn là những giá trị của lịch sử dân tộc, sự hiểu biết sâu sắc của nhân dân về gốc tích nước nhà và đó là truyền thống lịch sử, văn hóa, là niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: VPCTN

Đảng và Nhà nước rất coi trọng lịch sử dân tộc, gắn liền với bảo tồn các di sản, công trình lịch sử, văn hóa; trong đó quan tâm đến nghiên cứu lịch sử, giáo dục lịch sử.

Chủ tịch nước đề nghị Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa vào sự hình thành tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách, góp phần vào việc hoạch định cương lĩnh dựng nước và giữ nước trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đối với vấn đề nghiên cứu và giáo dục lịch sử, Chủ tịch nước nhấn mạnh, hiểu sâu sắc lịch sử dân tộc có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, những vướng mắc, tranh luận về học môn lịch sử hiện nay cần được các cơ quan chuyên môn trao đổi, thống nhất, tìm ra một cách tốt nhất, tinh thần là quan tâm đến vị thế, vị trí của môn lịch sử.

Chủ tịch nước nêu rõ, chúng ta không xã hội hóa đại trà việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập lịch sử giống như các môn khoa học tự nhiên hay kinh tế vốn có sẵn nhu cầu xã hội, cơ hội về kinh tế và cơ hội việc làm, mà Nhà nước phải có một số hình thức hỗ trợ khác nhau để đảm bảo hiệu quả, tạo cơ chế khuyến khích tốt cho việc nghiên cứu, đào tạo, học tập lịch sử.

Nhà nước cần hỗ trợ sự phát triển nền sử học Việt Nam, trong đó có các hình thức hỗ trợ tài chính thông qua các để tài khoa học, đặt hàng nghiên cứu, đào tạo, phản biện về lịch sử, hỗ trợ giáo viên và trợ cấp cạnh tranh cho sinh viên theo ngành sử học...Cần có nguồn kinh phí ổn định để triển khai các hoạt động liên quan đến lịch sử.

Với số vốn năm tỷ đồng của Quỹ phát triển sử học Việt Nam quá nhỏ so với yêu cầu nhiệm vụ, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, các địa phương quan tâm hỗ trợ, kêu gọi sự ủng hộ của tổ chức, cá nhân để có thêm nguồn quỹ dồi dào phát triển nền sử học nước nhà.

Nêu câu hỏi cả xã hội đang rất quan tâm là tại sao nhiều thanh, thiếu niên chưa yêu thích môn lịch sử ? Chủ tịch nước cho rằng, căn nguyên do chúng ta chưa có cách thức truyền đạt hấp dẫn, hiệu quả, còn thiếu những truyện lịch sử ngắn gọn mà sinh động; thiếu những bộ phim lịch sử hấp dẫn, những phương pháp sư phạm truyền cảm hứng...

Vì vậy, Chủ tịch nước đề nghị Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cần tiếp tục có những đề xuất cụ thể, thuyết phục với các cơ quan chức năng. Cần đổi mới phương pháp học tập môn lịch sử hơn nữa trong nhà trường và trong cộng đồng xã hội, để mỗi người dân đều hiểu rõ về gốc tích của mình, về truyền thống dân tộc, giá trị lịch sử, những nền tảng và tư tưởng dựng nước và giữ nước của cha ông, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ những truyền thống quý báu riêng có của dân tộc, thời đại làm kim chỉ nam cho chỉ đạo thực tiễn xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc.

Chủ tịch nước cho biết, Nhà nước đã đầu tư xây dựng Quốc sử và đây là sản phẩm rất có ý nghĩa đồng thời gợi ý ngay từ bây giờ cần nghiên cứu triển khai bộ sách về lịch sử để thanh, thiếu niên dễ hiểu, dễ nhớ.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, từ năm học 2022-2023, Lịch sử trở thành một trong những môn học tự chọn với lớp 10 cấp THPT. Điều này dẫn tới những ý kiến trái chiều trong dư luận thời gian vừa qua.

Mới đây, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội có ý kiến đề nghị lịch sử là môn học bắt buộc ở bậc trung học phổ thông trong Chương trình phổ thông mới thay vì là môn tự chọn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương tổ chức hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện để đề xuất phương án phù hợp đối với môn lịch sử.

Trần Thường

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT đề xuất phương án phù hợp về môn Lịch sử

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT đề xuất phương án phù hợp về môn Lịch sử

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương tổ chức hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện để đề xuất phương án phù hợp đối với môn Lịch sử.
'Bộ GD-ĐT cần giải thích đã, đang và sẽ làm gì với môn Lịch sử'

'Bộ GD-ĐT cần giải thích đã, đang và sẽ làm gì với môn Lịch sử'

Bộ GD-ĐT cần giải thích rõ cho nhân dân lý do tổ chức dạy học lựa chọn môn Lịch sử, và những người muốn môn Lịch sử là bắt buộc đối với học sinh THPT cũng phải có lý lẽ chặt chẽ và khảo sát thực tế.
'Đa số không đồng tình Lịch sử là môn lựa chọn'

'Đa số không đồng tình Lịch sử là môn lựa chọn'

Nếu học sinh không lựa chọn môn Lịch sử thì thời lượng học lịch sử ít hơn Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là 140 tiết.