Ông Lương Văn La, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, nhấn mạnh điều này khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo VietNamNet.

Trùng Khánh 3.jpg
Ông Lương Văn La, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trùng Khánh. Ảnh: B.M

Giúp bà con phát triển kinh tế số

Chuyển đổi số du lịch đang được đánh giá là điểm nhấn quan trọng của huyện Trùng Khánh. Ông có thể chia sẻ khái quát về hoạt động này thời gian qua?

Ông Lương Văn La: Trong cơ cấu ngành kinh tế của huyện Trùng Khánh, dịch vụ và du lịch chiếm đến 46%. Trùng Khánh có khá nhiều khu/điểm du lịch. 

Hoạt động chuyển đổi số trong du lịch đã được chúng tôi triển khai từ cuối năm 2022, đầu năm 2023. Theo đánh giá tổng quan thì tới nay, chuyển đổi số du lịch của huyện đang có những bước phát triển ban đầu đạt kết quả tốt. Chuyển đổi số đã góp phần hỗ trợ du khách trong nước và quốc tế tiếp cận đa dạng thông tin điểm đến cũng như các điểm lưu trú, dịch vụ du lịch, thêm sự hào hứng khi quyết định đến với Trùng Khánh. 

Trên cơ sở đó, huyện Trùng Khánh tiếp tục chuyển đổi số không chỉ trong những trong mô hình phát triển du lịch cộng đồng mà sẽ số hóa tất cả thông tin về các điểm di tích, di sản trên địa bàn để thu hút du khách đến với địa phương nhiều hơn. Chuyển đổi số sẽ phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế sẵn có, góp phần đưa kinh tế của địa phương phát triển ở tầm cao hơn.

Đâu là “điểm sáng” của huyện Trùng Khánh về chuyển đổi số phát triển du lịch cộng đồng?

Có thể kể tới Làng đá Khuổi Ky ở xã Đàm Thủy. Thời gian qua, cấp ủy chính quyền của huyện nói chung và xã Đàm Thủy nói riêng luôn luôn quan tâm hướng dẫn cho bà con về thực hiện chuyển đổi số trong phát triển du lịch cộng đồng. Chúng tôi đã tổ chức nhiều lớp tập huấn giúp bà con nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng công nghệ số cho hoạt động kinh doanh homestay.

Hàng năm, huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi, thành lập các đoàn để bà con nhân dân xã Đàm Thủy nói chung, làng Khuổi Ky nói riêng đi tham quan học tập các mô hình ở các địa phương khác. Đồng thời khuyến khích bà con đăng tải thông tin về sản phẩm, dịch vụ của mình lên các trang mạng để du khách trong nước và quốc tế dễ dàng tìm kiếm, qua đó sẽ thu hút khách du lịch đến với ngôi làng này ngày càng đông hơn.

Theo ông, hoạt động ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế của bà con hiện còn hạn chế, khó khăn gì?

Việc tiếp cận công nghệ bằng điện thoại thì bà con đã làm tốt rồi nhưng còn khó khăn trong việc tiếp cận máy tính.

Trùng Khánh 1.jpg
Bà con rất muốn được tập huấn và hỗ trợ tiếp cận sử dụng máy tính thay vì chỉ dùng điện thoại như hiện nay. Ảnh: B.M

Riêng với Làng đá Khuổi Ky, Ủy ban nhân dân huyện Trùng Khánh cùng với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã phối hợp với Ban Quản lý Công viên địa chất của Cao Bằng tổ chức nhiều lớp tập huấn, và dự kiến trong năm 2024 sẽ mở thêm các lớp tập huấn chuyên sâu cho bà con về việc tiếp cận máy tính và công nghệ.

Hướng tới chính quyền số, xã hội số

Hoạt động chuyển đổi số của huyện Trùng Khánh chắc hẳn không chỉ tập trung vào riêng kinh tế số?

Hiện Trùng Khánh cũng đang hướng đến chính quyền số, xã hội số. Chúng tôi đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để 100% các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập, các trường học, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đều được tiếp cận chuyển đổi số.

Khi triển khai chuyển đổi số, huyện gặp phải những khó khăn gì?

Hiện chúng tôi mới ở những bước đầu trong quá trình tổ chức thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn, nên cũng gặp một số khó khăn nhất định.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật liên quan đến chuyển đổi số vẫn đang thiếu máy móc, thiết bị, đường truyền… 

Cùng với đó, chúng tôi còn hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao có thể hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi số hiệu quả. 

Nhận thức về chuyển đổi số của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng chưa đầy đủ. Tuy nhiên, nội dung này có thể khắc phục được.

Giải pháp nào sẽ được triển khai để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số tại địa phương?

Hiện chúng tôi đang sử dụng nhiều nguồn lực đầu tư chuyển đổi số trên địa bàn huyện Trùng Khánh như nguồn ngân sách nhà nước hay các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số…

Thời gian tới, chúng tôi đang định hướng xã hội hóa hoạt động đầu tư chuyển đổi số. Rất mong các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chung tay góp sức đầu tư để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số tại Trùng Khánh.

Xin cảm ơn ông!

Bình Minh