Lạm phát chỉ là tương đối
Thưa ông, chỉ số giá tiêu dùng đang thấp đến mức gây tranh cãi khi lạm phát trên thế giới đạt đỉnh trong 40 năm nay. Là nhà kinh tế gắn với thống kê lâu năm, ông nhìn nhận như thế nào về việc này?
Lạm phát là thay đổi chỉ số hàng tiêu dùng, có thể tăng lên, có thể giảm đi. Chỉ số hàng tiêu dùng không phải đúng với toàn bộ hàng tiêu dùng. Rổ hàng hoá - trước kia là 300, 500 mặt hàng, giờ tăng lên 600, 700 mặt hàng - ngày càng phản ánh đầy đủ hơn những mặt hàng, dịch vụ mọi người tiêu dùng. Vậy rổ hàng hóa có phản ảnh chính xác không? Chỉ là tương đối.
Thống kê đi điều tra xem người này ở tỉnh này ăn 10kg gạo/tháng, người kia ở tỉnh kia lại ăn tới 30kg, rồi mới tính trung bình người Việt Nam ăn 20kg gạo/tháng, và 20kg đó chiếm trọng số bao nhiêu trong rổ hàng hoá. Nhưng họ phải điều tra với 700 mặt hàng để xem trọng số là bao nhiêu. Trọng số đó không thể đúng với cá thể hay nhóm người.
Vì thế, trọng số không phản ánh cảm nhận. Về mặt thống kê, trọng số chỉ có tính đại diện trong một thời kì nhất định vì không có tiền của nào để đi làm điều tra hàng ngày cả. Trong những giai đoạn nhất định, có thể hành vi tiêu dùng thay đổi nhưng trọng số lại chỉ được điều tra khoảng 3 năm một lần.
Phương pháp thống kê không có gì sai và từ những năm 90, thống kê đã đưa tiêu chuẩn, công nghệ quốc tế vào áp dụng. Vấn đề là trọng số chỉ cho một khoảng thời gian nhất định, trung bình. Nước nào làm thống kê tốt hơn thì 1 năm họ điều tra 1 lần, còn Việt Nam thì phải 3 năm.
Một việc quan trọng nữa là thống kê lấy mẫu từ hàng chục nghìn điểm. Nói vậy để thấy độ chính xác chỉ là tương đối, quốc gia nào cũng vậy. Trước đây, chỉ số giá tiêu dùng là bán lẻ cho người tiêu dùng, thông thường có chỉ số giá bán buôn, mặt hàng dịch vụ bán cho nhau. Nên chính xác hay không phụ thuộc vào cách điều tra mẫu lấy, trọng số, số mặt hàng dịch vụ có tính đại diện cao hay không cho tiêu dùng.
Hiện nay, có mấy chỉ số giá không nằm trong chỉ số giá tiêu dùng như bất động sản, vật liệu xây dựng, giá vàng, giá chứng khoán. Việt Nam thực hiện theo nguyên tắc và ngày càng hoàn thiện, còn đòi hỏi chính xác 100% thì vô lý.
Nhưng rõ ràng, có nhiều nhà khoa học, nhà kinh tế đã bày tỏ thái độ hoài nghi vì CPI thấp quá?
Có người nói với tôi là họ có cảm giác CPI không đúng. Tôi mới trả lời, ừ nhưng bảo là CPI sai thì lấy cơ sở nào để nói là sai? Về mặt khoa học không chứng minh được là nó sai.
Còn nói khoa học là con số lạm phát này không thể đúng 100%, những chỉ số dựa vào trọng số trong từng thời kì thì phương pháp thống kê nào cũng có những sai số.
Trên thực tế, cảm nhận và đo lường chính xác có thể có khoảng cách lớn. Ví dụ, ở góc độ cảm nhận hiện tại, tương lai thì người ta lo ngại lạm phát thế này chắc sẽ dẫn đến tỉ giá biến động, lãi suất sẽ tăng và cảm nhận sẽ biến thành hành vi. Kỳ vọng lạm phát là vấn đề rất quan trọng trong điều hành, vì thế cần vai trò của truyền thông.
Tăng trưởng 6-7% còn muốn gì hơn?
Vậy từ góc độ thống kê, những chỉ số nào ông nghĩ là không thuận cho tăng trưởng hiện nay?
Có một chỉ số gọi là chỉ số giá sản xuất, tức là thay đổi chỉ số giá xuất khẩu trên giá nhập khẩu, đã tăng 5-6%, có nghĩa giá đầu vào đã tăng, phản ánh giá của quá trình sản xuất mới. Chỉ số giá trong năm nay bớt có lợi cho Việt Nam, chỉ số giá nhập khẩu năm nay tăng mạnh hơn chỉ số giá xuất khẩu.
Trong báo cáo Chính phủ hiện nay đều nói vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, trên thực tế những thành tựu này có đúng thật không?
Khái niệm cao, thấp là tương đối so với cái gì. Thông thường cao và thấp so với chính mình, so với trang lứa trong phạm vi không gian nhất định như trong nước hay thế giới. Ẩn ý cao thấp đôi khi tốt hay không tốt, chẳng hạn tăng trưởng cao thì ẩn ý là tốt.
Thế nào là ở mức lạm phát tốt?
Lịch sử thế giới cho thấy lạm phát nói chung là dương; âm rất ít. Lạm phát tốt hay xấu liên quan đến vấn đề tăng trưởng. Đối với các nước phát triển, lạm phát trên dưới 2%/năm là ổn. Đối với các nước đang phát triển, trung bình lạm phát chấp nhận được là 4-7%. Quá ngưỡng này thì ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng.
Tại sao lạm phát cao? Lạm phát cao đánh vào những người thu nhập ổn định, thúc đẩy đầu cơ tài chính nên nguồn lực đang chạy khỏi sản xuất kinh doanh. Các nước phát triển rất run sợ lạm phát cao vì xã hội họ già, phần lớn sống bằng bảo hiểm, lương hưu, lạm phát tăng cao là chết.
Ông nhìn nhận như thế nào về các cam kết giữ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát hiện nay?
Trong bối cảnh tăng trưởng thế giới suy giảm như hiện nay, thậm chí dự báo có suy thoái thì Việt Nam tăng trưởng 6-7% là quá tốt. Ta giữ được ổn định vĩ mô tương đối so với bối cảnh nội tại hiện nay, so với các nước khu vực là tốt. Ta có giữ được như vậy không mới là thách thức.
Nhìn như vậy thì tăng trưởng tín dụng có mục tiêu 14% năm nay là tốt. Tăng trưởng tín dụng như vậy thì không phải thắt chặt. Các nước khác tăng tín dụng 14% nhưng lại có vấn đề trong giữ ổn định vĩ mô. Nếu tăng thêm tín dụng là làm khó ngân hàng vì hệ số vốn tự có phải tốt, phải phát hành trái phiếu mới đủ, vấn đề là hệ thống ngân hàng có chịu được không?
Chúng ta có tăng trưởng 6-7%, giữ được ổn định vĩ mô như vậy thì còn muốn gì nữa. Có ai muốn tăng trưởng lên 8% mà chấp nhận rủi ro vĩ mô, tăng tín dụng, tăng lạm phát? Tôi nói thế không phải là tôi ghét doanh nghiệp, ghét người lao động mà hoàn toàn ngược lại. Tôi đến nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, lương công nhân chỉ vỏn vẹn 6 triệu/tháng, họ chịu làm sao khi lạm phát cao?
Chúng ta phải giữ cân bằng tổng thể vì đã có bài học tăng trưởng nóng, tín dụng bột phát, khủng hoảng do phá vỡ vĩ mô, chủ nghĩa thành tích cách đây hơn 1 thập kỷ.
Áp lực lạm phát, áp lực lãi suất, áp lực tỉ giá vô cùng lớn
Ông lý giải vì sao lạm phát thấp mà lãi suất cho vay lại bắt đầu lên cao như vậy?
Đó là áp lực, lãi suất huy động dài hạn trên 7% và lãi suất cho vay trên thực tế có nhúc nhích so với lãi suất huy động. Mà giờ có cắt giảm lãi suất thì người dân không chịu. Trong khi đó, lợi nhuận ngân hàng 6 tháng cuối năm dự báo sẽ giảm...
Vấn đề là các ngân hàng sử dụng room tín dụng nhanh quá, chỉ 6 tháng đầu năm mà đã tăng tới 9,35% so với cuối năm ngoái. Các ngân hàng gia tăng tín dụng nhanh là có lí vì quá trình phục hồi mạnh. Đây rõ ràng là thế khó của các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước.
Trong suốt 2 năm dịch bệnh và năm nay, chính sách tài khoá quá yếu. Lẽ ra nên dựa nhiều hơn vào tài khoá để đạt 2 điều. Thứ nhất, giải ngân đầu tư công nhanh để tác động hồi phục nhanh; và dựa vào tài khoá thì chính sách tiền tệ sẽ linh hoạt hơn, không bị bó cứng như thế này.
Nghị quyết năm ghi chính sách tiền tệ là cẩn trọng, tài khoá nới lỏng hợp lí là rất chuẩn. Vấn đề là thực thi, chính sách mong muốn thế nhưng thực hiện là một chuyện, nhất là tài khóa.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) dự báo, lạm phát của Việt Nam chỉ 4% năm nay. Ông nói gì về con số này?
Vì sao có áp lực lạm phát? Tôi hi vọng lạm phát thế giới lên đỉnh tháng 8, tháng 9 rồi xuống dần. Đó là hi vọng chứ xung đột Nga - Ukraine chưa biết bao giờ mới kết thúc, các tác động vĩ mô khác còn rất khó đoán định.
Tăng trưởng tín dụng 14% năm nay không phải là thấp, nhưng vấn đề lạm phát còn phụ thuộc vào vòng quay của dòng tiền. Khi kinh tế phục hồi, tốc độ vay của dòng tiền nhanh hơn. Sắp tới là rất nhiều thách thức. Vấn đề lớn nhất của thế giới là vỡ nợ. Hiện có 70 nước trong tình trạng nợ, trong đó có 17 nước nguy cơ vỡ nợ.
Trong bối cảnh đó, chúng ta tăng trưởng 6-7% là quá tốt. Phải giữ cho được ổn định vĩ mô, mục tiêu được duy trì kiên định từ năm 2011. Tuy nhiên, phía trước còn vô cùng nhiều thách thức, áp lực lạm phát, áp lực lãi suất, áp lực tỉ giá và xuất khẩu sẽ giảm rất nhanh nếu thế giới suy thoái. Chúng ta có giữ được ổn định không là thách thức, áp lực rất lớn.