- Khu vực kinh tế tư nhân có thể đóng vai trò quan trọng hơn nếu hệ thống luật pháp hiện nay trở nên thống nhất hơn, và hỗ trợ của chính phủ cũng như cơ chế chia sẻ rủi ro được rõ ràng hơn.
Tôi vinh dự được đến Việt Nam lần đầu với tư cách là Tổng Giám đốc Điều hành và Giám đốc Tài chính Nhóm Ngân hàng Thế giới trong khuôn khổ Diễn đàn Thượng đỉnh Kinh doanh Tiểu vùng Mekong mở rộng và Hội nghị Cấp cao Campuchia–Lào–Việt Nam.
Sáng kiến tổ chức Diễn đàn thượng đỉnh Kinh doanh của Việt Nam rất đáng biểu dương, trong bối cảnh khu vực và Việt Nam đều hưởng lợi từ quá trình hội nhập sâu vào hệ thống thương mại toàn cầu. Việt Nam cũng có chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tăng trưởng thông qua xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Còn nhiều cơ hội cho khu vực này tiếp tục hưởng lợi từ hội nhập.
Tổ chức các hội nghị cấp cao như thế cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong thương mại và phát triển khu vực và toàn cầu.
Trong chuyến công tác tới Việt Nam này, có 3 điểm làm tôi ấn tượng:
Thứ nhất, Việt Nam đã thể hiện vai trò mạnh mẽ và tích cực trong khu vực. Năm ngoái Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh APEC. Tại đó 21 nền kinh tế thành viên đã thảo luận và thống nhất một chương trình nghị sự rộng lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo và bền vững trong toàn khu vực.
Việt Nam đã đóng vai trò chủ chốt trong việc tập hợp 11 nước thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định này đã được ký kết hồi tháng 3 vừa qua tại Chi-lê. Những nỗ lực của Việt Nam này không chỉ mang tầm quan trọng chiến lược cho sự phát triển lâu dài của Việt Nam mà còn có thể chia sẻ cho các nước khác cũng gặp những vấn đề tương tự trong quá trình phát triển.
Thứ hai, Việt Nam đã đạt thành tích tăng trưởng kinh tế cao, và tiến bộ trong cải cách. Tốc độ tăng trưởng ước đạt 6,8% năm 2017 là mạnh và cao hơn tốc độ bình quân khu vực. Đồng thời Việt Nam cũng duy trì ổn định kinh tế với tỉ lệ lạm phát thấp và tỉ giá ổn định.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, cải cách ngân hàng, đầu tư công, quản lý nợ và quản lý tài khóa. Thứ hạng của Việt Nam trong Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã tăng 14 bậc nhờ môi trường pháp quy về kinh doanh được cải thiện. Môi trường này là điều kiện tốt để tiếp tục các cải cách cơ cấu sâu hơn, để đảm bảo tăng trưởng bền vững và chuyển đổi thành công thành nước có thu nhập trung bình cao.
Những cải cách này bao gồm đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện năng suất thông qua chuyển dịch kinh tế theo hướng sản xuất và dịch vụ, và tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh để khuyến khích phát triển khu vực tư nhân trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp.
Thứ ba, Việt Nam tiếp tục đạt những bước tiến mới về phát triển nguồn nhân lực. Báo cáo “Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và phát triển công bằng tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương” của Ngân hàng Thế giới công bố gần đây nêu rõ Việt Nam là một trong những nước đạt thành tích cao nhất trên thế giới.
Theo Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của các nước OECD nhằm đánh giá năng lực học sinh trung học về các môn toán, khoa học, và đọc hiểu thì Việt Nam xếp thứ 8/72 quốc gia và là nước thu nhập trung bình duy nhất lọt vào nhóm 10 nước đứng đầu. Kết quả này đạt được một phần nhờ áp dụng chính sách phân bổ ngân sách cho các trường tại các địa bàn khó khăn và chính sách ưu đãi cho giáo viên tại các vùng đó.
Nguồn tài chính được dành cho giáo dục một cách liên tục và hiệu quả là một trong những yếu tố giúp nâng cao thành tích học tập và giúp duy trì tăng trưởng kinh tế. Thách thức tiếp theo mà Việt Nam cần quan tâm là phát triển hơn nữa nguồn nhân lực thông qua cải thiện giáo dục đại học và tăng cường cơ hội học tập suốt đời nhằm giúp cho người lao động có đủ kĩ năng và sẵn sàng đảm nhận các cơ hội việc làm mới trong tương lai.
Ba yếu tố trên đã tạo nên nền tảng vững chắc giúp tháo gỡ các thách thức trong vấn đề phát triển, nhất là về phát triển hạ tầng.
Nhu cầu đầu tư hạ tầng hiện nay của Việt Nam rất lớn và đòi hỏi phải có sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân và nguồn vốn thương mại. Khung đầu tư Tiểu vùng sông Mekong mở rộng bao gồm 222 dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật đòi hỏi nguồn vốn lên đến gần 64 tỉ USD. Khu vực kinh tế tư nhân có thể đóng vai trò quan trọng hơn nếu hệ thống luật pháp hiện nay trở nên thống nhất hơn, và hỗ trợ của chính phủ cũng như cơ chế chia sẻ rủi ro được rõ ràng hơn.
Việt Nam cũng cần tối đa hóa tài chính cho phát triển thông qua việc tạo ra các công cụ tài chính trong nước, nhằm hướng nguồn lực tiết kiệm vào đầu tư, và sử dụng một cách chiến lược các sản phẩm bảo hiểm của các định chế tài chính quốc tế vào việc huy động nguồn tài chính thương mại và từ tư nhân. Đồng thời với quá trình hoàn thiện khung pháp quy và thể chế nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn. Việt Nam cũng cần chú ý tới các giải pháp tài chính kết hợp nhiều nguồn khác nhau như ngân sách, ODA, vốn tư nhân, nhằm giảm bớt rủi ro cho các dự án hạ tầng và thu hút thêm vốn đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng.
Việt Nam đã là một nền kinh tế có mức thu nhập trung bình và đang tiếp tục cải thiện vị thế đó. Trong quá trình này Ngân hàng Thế giới luôn sẵn sàng và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện chương trình cải cách và phát triển kinh tế. Đặc biệt khi mà Việt Nam chuẩn bị để đối phó với những thách thức mới như các công nghệ có tính cách mạng, trong đó có ngành công nghiệp chế tạo, già hóa dân số, và biến đổi khí hậu.
Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục cộng tác chặt chẽ với chính phủ nhằm giúp Việt Nam tận dụng tối đa những kiến thức, kinh nghiệm quốc tế và các bí quyết có sẵn nhằm phát triển bền vững và hướng tới xóa bỏ hoàn toàn nghèo cùng cực và chia sẻ thịnh vượng.
Joaquim Levy
*Joaquim Levy là Tổng Giám đốc Điều hành và Giám đốc Tài chính Nhóm Ngân hàng Thế giới; Cựu Bộ trưởng Kinh tế Brazil.
Bàn cách mở rộng các “lối mòn” sinh kế
Việc kết nối với các thị trường quốc tế đã mở rộng các “lối mòn” sinh kế của các hộ nông dân nhỏ trong tiểu vùng Mekong.
"Lên tàu từ TP Hồ Chí Minh, ngủ một đêm và tỉnh dậy ở Yangon"
“Hãy tưởng tượng bạn lên tàu từ Thành phố Hồ Chí Minh, ngủ một đêm và tỉnh dậy đã ở Bangkok, hay ở Yangon”.
GMS – mô hình hợp tác và hội nhập khu vực thành công nhất ở châu Á
Sau hơn 2 thập kỷ hoạt động, chương trình hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) đã chứng tỏ là mô hình hợp tác và hội nhập khu vực thành công nhất ở châu Á.
Sông Mekong: Vấn đề cũ, nỗi lo mới
Việt Nam là thành viên tích cực và chủ động trong cả hai cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng và tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam.
Mekong cạn nước và cuộc đấu pháp lý với Bắc Kinh
Những đập thuỷ điện trên dòng sông Mekong đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu nông dân Đồng bằng sông Cửu Long.