Bảy năm trước, trong một căn biệt thự bên bờ hồ ở Thâm Quyến, một nhóm nhỏ gồm các lãnh đạo cấp cao của Huawei Technologies, đứng đầu bởi nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, đã tổ chức một cuộc họp kín kéo dài nhiều ngày trời.

Nhiệm vụ của họ là đưa ra những ý tưởng, rằng Huawei sẽ đối phó ra sao đối với hệ điều hành smartphone đang ngày càng thành công trên toàn thế giới của Google – Android – đồng thời cũng là phần mềm mà Huawei đang sử dụng trên các thiết bị của chính mình. Hãng công nghệ Trung Quốc lo ngại rằng sự lệ thuộc vào Android có thể khiến công ty gặp khó khăn trước một lệnh cấm đến từ Mỹ trong tương lai.

Nhóm này đồng ý rằng Huawei nên phát triển một hệ điều hành độc quyền nhằm thay thế Android. Cuộc gặp này về sau được những người trong nội bộ công ty gọi là "cuộc mật đàm bên hồ", và vào năm ngoái, những tài liệu liên quan đến sự kiện đã được xếp vào danh mục độ mật cao.

Tiếp sau các cuộc nói chuyện, và theo chỉ đạo từ ban lãnh đạo cấp cao, một nhóm chuyên gia về hệ điều hành dẫn đầu bởi nhiều lãnh đạo bao gồm Eric Xu Zhijun, hiện là một trong ba chủ tịch luân phiên của Huawei, đã được thiết lập và bắt đầu bí mật phát triển một hệ điều hành của riêng hãng.

Một khu vực chuyên biệt được lập nên bên trong Huawei để làm "trung tâm tác chiến" cho nhóm phát triển hệ điều hành, có bảo vệ đứng gác trước cửa. Chỉ các nhân viên trong nhóm phát triển hệ điều hành mới có quyền truy xuất đến khu vực chuyên biệt thông qua một tấm thẻ đã được đăng ký trước. Tất nhiên, điện thoại di động cá nhân không được phép mang vào khu vực, phải đặt vào một tủ đồ ở bên ngoài.

Dự án hệ điều hành đã trở thành một phần quan trọng của Huawei 2012 Laboratories – bộ phận cải tiến, nghiên cứu và phát triển công nghệ của công ty.

Phòng thí nghiệm này là nơi làm việc của các học giả và các nhà nghiên cứu của Huawei, với mục tiêu tạo ra được những cải tiến đột phá và tiêu tốn hàng tỷ Nhân dân tệ đầu tư mỗi năm dù không đóng góp trực tiếp vào lợi nhuận của công ty.

Hầu hết thành quả của phòng thí nghiệm này được giữ kín trong nội bộ công ty, bao gồm dự án phát triển hệ điều hành, khi mà sự tồn tại của nó mới chỉ được Huawei thừa nhận gần đây mà thôi.

Nhưng thời thế đã thay đổi, kể từ năm 2012 khi một nhóm nhỏ các nhãn hiệu quốc tế thống trị thị trường smartphone và Huawei chỉ nắm trong tay chưa đầy 5% thị phần của thị trường toàn cầu. Hiện họ là nhà cung ứng smartphone lớn thứ hai thế giới, bán được tổng cộng 206 triệu smartphone trong năm 2018, gần nửa trong số đó dành cho các thị trường nước ngoài.

"Như chúng tôi đã nói trước đây, Huawei có những hệ thống dự phòng nhưng chỉ được dùng trong những tình huống giảm nhẹ mà thôi. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các hệ điều hành của các đối tác – chúng tôi thích dùng chúng và các khách hàng của chúng tôi thích dùng chúng" – một người phát ngôn của Huawei nói.

"Android và Windows sẽ luôn là lựa chọn đầu tiên của chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng để bảo vệ lợi ích của khách hàng".

Những cuộc thảo luận xoay quanh hệ điều hành độc quyền của Huawei xuất hiện từ tháng 3 năm nay, khi Lãnh đạo mảng di động Huawei là Richard Yu Chengdong phát biểu rằng công ty đã phát triển hệ điều hành "chính chủ" cho cả smartphone và máy tính, dùng trong trường hợp những hệ thống hiện tại đang được cung cấp bởi các công ty công nghệ Mỹ không còn hữu dụng nữa.

Phát biểu của ông Yu xuất hiện ở thời điểm Mỹ bắt đầu tăng áp lực lên Huawei vì sự tham dự của hãng vào quá  trình triển khai mạng 5G toàn cầu, đồng thời cảnh báo các đồng minh rằng trang thiết bị của công ty Trung Quốc có thể tiềm ẩn nguy cơ an ninh quốc gia.

Nhà cung ứng trang thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới hiện đang đối mặt với một loạt những cáo buộc của Mỹ, bao gồm những cáo buộc khá nghiêm trọng như Huawei đánh cắp bí mật thương mại, vi phạm cấm vận kinh tế, và che giấu hoạt động kinh doanh với Iran thông qua một công ty con không chính thức.

Huawei đã liên tục phủ nhận những cáo buộc đó, tuyên bố phía Mỹ không có bằng chứng.

Vấn đề phát triển hệ điều hành của Huawei càng trở nên cấp thiết hơn sau khi Chính phủ Mỹ đưa công ty và các công ty con vào danh sách đen thương mại vào giữa tháng 5 vừa qua, hạn chế không cho công ty mua các dịch vụ và linh kiện từ các công ty Mỹ nếu không có giấy phép.

Google và Microsoft, hai công ty sở hữu phần mềm Android và Windows mà Huawei đang sử dụng trên các smartphone, tablet và laptop của mình, đều đã ngừng cung cấp phần mềm cho các thiết bị mới của Huawei.

Với chỉ 90 ngày còn lại để chuẩn bị trước khi hoàn toàn bị cấm cửa khỏi Android và Windows, công ty Trung Quốc cuối cùng đã phải công khai kế hoạch bí mật từ trước đến nay.

Theo nhiều nguồn tin, hệ điều hành của Huawei được phát triển dựa trên một nhân nhỏ nhẹ (microkernel) và có thể phản ứng nhanh với hàng loạt các thay đổi cùng lúc. Các kỹ sư Huawei làm việc trong dự án đều là những người từng nghiên cứu rất kỹ các hệ điều hành Android và iOS để học hỏi những điểm mạnh của chúng.

Một trong những thách thức kỹ thuật lớn nhất đối với hệ điều hành của Huawei là khả năng tương thích với Android. Nếu tương thích tốt, nó sẽ cho phép điện thoại Huawei chạy hệ điều hành Huawei có thể tải về và chạy các ứng dụng Android mượt mà. Đồng thời, có một lớp tương thích tốt với Android sẽ đồng nghĩa với việc các nhà phát triển ứng dụng trên toàn thế giới không cần phải viết thêm mã để ứng dụng chạy được trên hệ điều hành của Huawei.

Trước đây, nhiều công ty khác từng tạo ra những hệ điều hành thay thế Android nhưng không thành công. Microsoft từng phát triển một lớp trên Windows để nó có thể chạy ứng dụng Android, nhưng thất bại vì không phải ứng dụng Android nào cũng hoạt động mượt mà. Samsung cũng thử thay thế Android trên smartphone với hệ điều hành Tizen, nhưng cũng không thực hiện được.

Tương tự, nếu hệ điều hành của Huawei không thể chạy ứng dụng Android, thì việc thiếu vắng một hệ sinh thái phần mềm sẽ là một vấn đề đau đầu nhức óc đối với công ty Trung Quốc.

Năm ngoái, Huawei đã đăng ký nhãn hiệu "Huawei Hongmeng" tại Trung Quốc, dẫn đến một số hoài nghi rằng đó có thể là tên gọi của hệ điều hành đang được phát triển. "Hongmeng" dịch ra tiếng Anh có nghĩa là "Thế giới hồng hoang". Bên cạnh đó, công ty còn đăng ký tên gọi "Huawei Ark OS" tại châu Âu hồi cuối tháng 5 vừa qua.

huawei

Huawei dường như tỏ ra rất lạc quan về hệ điều hành của mình

Theo ông Yu, hệ điều hành tự phát triển của Huawei sẽ hỗ trợ một loạt các sản phẩm và hệ thống trong hệ sinh thái của hãng, bao gồm smartphone, máy tính, tablet, TV, xe hơi, và các thiết bị đeo thông minh, đồng thời tương thích với mọi ứng dụng Android và các ứng dụng web hiện có.

"Huawei OS nhiều khả năng sẽ xuất hiện trên thị trường sớm nhất vào mùa thu này, và chắc chắn là trước mùa xuân năm sau" – Yu nói. Huawei từ chối xác nhận thông tin này.

"Tôi không thể tiết lộ thêm thông tin gì ngoài những thông tin ông Yu đã nói" – Zhao Ming, Chủ tịch Honor, một trong hai nhãn hiệu smartphone của Huawei, cho biết.

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra xoay quanh những vấn đề về trải nghiệm người dùng, và liệu các khách hàng ở nước ngoài có thực sự muốn mua một chiếc điện thoại không có các ứng dụng phổ biến của Google hay không.

Android của Google và iOS của Apple hiện là hai "ông kẹ" trong thế giới hệ điều hành smartphone, chiếm đến 99,9% thị trường toàn cầu.

Huawei tự tin về triển vọng của hệ điều hành "chính chủ" tại Trung Quốc, tin rằng các nhà phát triển và người tiêu dùng trong nước sẽ ủng hộ và nhanh chóng xây dựng nên một hệ sinh thái mới. Doanh số của Huawei đã liên tục tăng tại quê nhà dù hệ điều hành Android họ sử dụng tại đây không bao giờ được trang bị sẵn các dịch vụ của Google nhằm tuân thủ quy định của chính phủ.

Nhưng Bloomberg hôm 5/6 đã đưa tin rằng nỗi lo lắng của người tiêu dùng châu Âu rằng điện thoại Huawei sẽ nhanh chóng trở nên quá đát đã khiến nhu cầu đối với các thiết bị của họ tụt dốc không phanh tại một số thị trường trong khu vực này.

"Đây không phải là thời điểm tốt nhất để giới thiệu một hệ điều hành mới, bởi Huawei chỉ nên thử điều đó khi họ nắm trong tay mức thị phần lớn hơn. Trong nước, họ có thể ổn, nhưng công ty vẫn phải lo lắng về phản ứng của quốc tế" – một nhà phân tích nhận định.

Huawei chắc chắn cần một số giải pháp đối phó với những cuộc tấn công đang ngày càng leo thang từ phía Mỹ.

Dù Huawei đã chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất từ lâu, vụ việc CFO Mạnh Vãn Chu bị bắt hồi cuối năm 2018 và những sự kiện xảy ra kể từ thời điểm đó đã buộc hãng phải đẩy nhanh kế hoạch – theo lời ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập và CEO Huawei, cha của bà Mạnh.

Khi Mỹ chĩa mũi dùi về phía Huawei, tung ra hệ điều hành của riêng mình đã trở thành một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt đối với công ty Trung Quốc.

"Huawei vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ để tung ra hệ điều hành của họ, bởi lệnh cấm của Mỹ đến một cách đột ngột" – hai người biết việc tiết lộ. Dù hệ điều hành thay thế Android đã được thử nghiệm hàng ngàn lần trong nhóm chuyên gia của Huawei, "nó vẫn chưa được thử nghiệm rộng rãi trên các sản phẩm tiêu dùng, có nghĩa là Huawei vẫn chưa xác định chính xác được ngày ra mắt thị trường của hệ điều hành này".

Minh.T.T