- Tổng bí thư Lê Duẩn là người của thực tiễn, của hành động. Trong đời sống thường nhật, ông rất bình dị và đối nhân xử thế tinh tế.

Tôi có vinh hạnh được gặp, được biết về Tổng bí thư Lê Duẩn, khi đó gọi là Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam từ lúc còn rất nhỏ. Có những việc phải mãi sau này, khi trưởng thành, lại được nghe ông nội tôi kể đi kể lại, tôi mới cảm nhận được đầy đủ.

Ông nội tôi vốn là một thầy thuốc đông y nổi tiếng. Đó là nghề gia truyền của cha ông để lại. Ông đã từng bôn ba khắp trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí sang cả Phnom Penh (Campuchia) lập nghiệp với tên gọi Chu Sỹ.

{keywords}

Từ trái qua phải: Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng bí thư Trường Chinh, Tổng bí thư Lê Duẩn. Ảnh tư liệu

Sau hòa bình lập lại (năm 1954), ông tôi vào công tư hợp doanh, rồi mở bệnh viện dân lập Hải Thượng ở Hải Phòng với vài chục giường bệnh. Cũng bắt đầu từ khi ấy, dù có chữa bệnh cho ai ở nhà ông tuyệt nhiên không lấy một xu. Với người nghèo ở tỉnh xa về, ông còn cho tá  túc trong nhà miễn phí, giúp họ khỏi phải đi lại tốn kém.

Tiếng lành đồn xa, ban đầu là chữa cho ông Trường Chinh (lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội) là chỗ anh em (ông Trường Chinh gọi cụ nội tôi bằng bác ruột). Cứ mỗi tuần hoặc thưa hơn thì mỗi tháng lại có xe ô tô xuống Hải Phòng đón ông nội tôi lên chữa bệnh cho một số vị trong Bộ Chính trị như ông Lê Duẩn và gia đình... Dần dà, mở rộng tới một số vị ở Ban bí thư Trung ương Đảng và tương đương cho đến cuối những năm 1970 thì ông mới thôi.

Tôi là cháu đích tôn của ông. Vì chiến tranh phá hoại của Mỹ đánh ra miền Bắc nên tôi được cha mẹ gửi xuống Hải Phòng nhờ ông bà trông nom. Cũng vì vậy, cứ thứ bảy hoặc chủ nhật, tôi hay được đi cùng xe từ Hà Nội xuống đón ông tôi lên đó chữa bệnh cho các ông. Còn tôi, sau khi chờ xong việc, ông sẽ đưa tôi về thăm cha mẹ. Chỉ tiếc rằng dù có vinh hạnh là nhiều lần gặp các ông nhưng không phải cái gì cũng nhớ được hết.

Với ông Trường Chinh, có thể do là chỗ anh em nên ông càng phải ý tứ và nguyên tắc hơn. Mỗi khi đón ông nội tôi lên thăm bệnh, cơ quan lo đón đưa là Ban Bảo vệ sức khoẻ cán bộ TƯ. Còn với ông Lê Duẩn thì khác, nếu chữa cho cá nhân ông, tất nhiên vẫn là Ban này lo, nhưng nếu là để chữa cho con gái, ông Lê Duẩn dành luôn chiếc xe Pobeda hoặc sau đó là Volga của mình để xuống đón thầy thuốc.

Không chỉ có vậy, trong cách ứng xử của Tổng bí thư Lê Duẩn với thầy thuốc, tôi còn có những ấn tượng rất đặc biệt về ông .

Vào khoảng năm 1965, một hôm bỗng dưng ở trước cửa nhà tôi có rất nhiều ô tô đỗ lại. Tôi cũng phát hiện ra ông Lê Duẩn bởi dáng người cao to bước ra khỏi xe.

Chiếc cốp xe của ông được mở ra. Một ai đó bưng khệ nệ một thùng carton to bự (sau này thì mới biết trong đó toàn là trái cây được mang từ nước ngoài về). Thế rồi ông nói với người tháp tùng rằng cứ để ông tự bê vào qua quãng đường tới hơn 20 mét, dù rất nặng. Điều này với tôi lúc đó chẳng có gì lạ. Chỉ khi trưởng thành, tôi mới cảm nhận được cử chỉ chu đáo, lối ứng xử lịch lãm của một vị lãnh tụ qua từng chi tiết nhỏ ấy.

Bà nội tôi vội chạy từ dưới bếp lên, ông Lê Duẩn đã tự giới thiệu về mình. Vì không hề được báo trước, ông hỏi luôn: Bác đang có chuyện gì buồn chăng? (hoá ra ông thấy mắt bà tôi đỏ hoe). Bà tôi vội giải thích là do mưa, củi bị ẩm, khó cháy nên chảy nước mắt do khói.

Bà tôi giục tôi  chạy lên Ủy ban Hành chính khu Hồng Bàng, nơi ông tôi họp, cách đó hơn cây số để báo tin cho ông tôi về. Ông vội ngăn tôi lại rồi ông nói luôn với bà tôi: "Thôi cứ để bác trai họp, không nên làm thế. Nói thật, tôi vừa gặp bác trai cách đây ít ngày thôi . Hôm nay, nhân tiện đi công tác dưới này, tôi ghé vào là để thăm bác và gia đình ta chứ không có việc gì cả...".

Một lần khác, tại tư dinh của Tổng bí thư ở phố Hoàng Diệu, ông nội tôi do sơ ý lúc lên Hà Nội lại quên mang kính theo. Thấy ông nheo nheo mắt kê đơn thuốc, tôi thấy ông Duẩn tỏ ra băn khoăn khi biết rằng ông tôi quên kính ở nhà. Bỗng ông chạy một mạch lên gác rồi xuống, tay cầm một chiếc hộp có chiếc kính 2 tròng rất sang trọng vào thời điểm đó.

Ông Lê Duẩn hỏi ông tôi đeo có hợp không và khi được biết ông tôi đeo vừa số, ông vui vẻ lộ ra từ ánh mắt mà nói rằng: "Chẳng mấy khi biết bác thích gì để tặng bác, nhân đây tôi xin tặng luôn bác chiếc kính làm kỷ niệm. Đây là chiếc kính của ông Hô-nếch-cơ, Bí thư thứ nhất Đảng Xã hội Thống nhất Đức tặng tôi cách đây ít bữa. Tôi đã có chiếc cũ, dùng vẫn tốt. Bác không phải nghĩ ngợi gì".

Khi thấy ông tôi vẫn còn do dự, ông Duẩn tâm sự: "Tôi nghe anh Năm (tên khác của ông Trường Chinh) kể nhiều về bác. Bác làm thuốc rất giỏi mà cuộc đời sống vẫn rất thanh bạch, thật đáng quý với một  lương y. Tôi biết bác hơn tuổi anh Năm, như vậy cũng là hơn tuổi tôi. Mong bác hãy coi tôi như anh Năm, em bác".

Rồi, ông Lê Duẩn còn kể rằng hồi còn trẻ, gia đình đã định hướng ông theo nghề chữa bệnh để cứu người. Nhưng thời cuộc đã khiến ông chuyển hướng, muốn đi làm cách mạng. Ông bảo là "để có khả năng cứu được nhiều người hơn...".

Đối với ông nội tôi, đó là một thời gian (hơn chục năm) vô cùng vinh hạnh vì được chữa bệnh cho nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Chất lượng chữa trị Đông y hiệu quả tuyệt vời đã chứng minh rằng kho tàng Y học dân tộc của chúng ta là vô cùng quý báu, xã hội cần phải biết trân trọng và khai thác nó, nếu không, sẽ thật có lỗi với các bậc tiền nhân.

Quốc Phong