Tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2023 của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) ngày 21/4, một nội dung quan trọng cần được cổ đông thông qua là chủ trương sáp nhập một ngân hàng khác.

Tuy nhiên, kết quả cho thấy chỉ có hơn 56% cổ phần có quyền biểu quyết tán thành phương án sáp nhập, thấp hơn mức 65% theo quy định. Do đó, tờ trình này không được ĐHCĐ qua.

Trước đó, theo tài liệu họp ĐHCĐ thường niên năm 2023, MSB do ông Trần Anh Tuấn làm Chủ tịch, có tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập một tổ chức tín dụng khác nhằm tăng quy mô.

Theo đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn liền với xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, lành mạnh hoạt động ngân hàng, MSB sẽ nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng.

MSB của ông Trần Anh Tuấn cho biết, ngân hàng có kinh nghiệm sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB) hồi năm 2015 và việc mua lại Công ty tài chính Dệt may, cũng như việc hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của NHNN.

Cổ đông Ngân hàng MSB không thông qua kế hoạch sáp nhập ngân hàng khác. (Ảnh: MSB)

Theo đó, MSB sẽ trình ĐHCĐ thông qua việc nhận sáp nhập một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam với các tiêu chí về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.

Mục đích của việc nhận sáp nhập nhằm tận dụng được hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng nhận sáp nhập nhằm hướng tới việc tăng quy mô hoạt động của MSB, triển khai thành công chiến lược số hóa ngân hàng.

Chia sẻ với báo chí sau đó, lãnh đạo MSB tiết lộ khả năng sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank).

Việc Ngân hàng MSB sáp nhập PGBank đã được nói đến nhiều năm nay trong bối cảnh dàn lãnh đạo của MSB sang PGB.

Hoạt động sáp nhập ngân hàng nóng trở lại vài năm gần đây khi NHNN tiếp tục chủ trương cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn liền với xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, lành mạnh hoạt động ngân hàng.

Câu chuyện sáp nhập PGBank được đề cập trong bối cảnh PGBank là một ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ nhất trong hệ thống và cổ đông lớn Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex thoái 40% cổ phần PGB.

Trong khi đó, Ngân hàng MSB trong khi đó cho vay bất động sản rất nhiều, các dự án trải khắp từ trong Nam ra ngoài Bắc và có nhu cầu mở rộng phát triển hơn nữa. Có những thời điểm, MSB phải phanh gấp cho vay bất động sản.

Trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng của MSB là gần 18,8%, một con số cao so với trung bình toàn thị trường. Trước đó, tín dụng của MSB còn tăng mạnh hơn. Điều này có nghĩa là tín dụng tại MSB đã tăng nóng.

Ngược lại, PGBank còn rất nhiều dư địa cho tín dụng tăng trưởng. Trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng của PGBank chỉ tăng 5,6%. Các năm trước cũng tăng khá thấp.

Tuy nhiên, sau đó, trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch PGBank Nguyễn Quang Định phủ nhận sáp nhập với Ngân hàng MSB khi khẳng định "phía PGBank chưa có kế hoạch sáp nhập".

Ngân hàng MSB của ông Trần Anh Tuấn đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022. Tổng tài sản dự kiến tăng 8% lên 230.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 15%, đạt 141.700 tỷ đồng; huy động vốn tăng 10% đạt 142.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%. MSN dự kiến không chia cổ tức, cổ phiếu thưởng.

4 nhà đầu tư chi 2.500 tỷ ôm trọn 40% cổ phần PGBank

Trong phiên đấu giá ngày 7/4, Petrolimex đã bán bộ 120 triệu cổ phiếu PGB của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex. Kết quả đấu giá, có 4 nhà đầu tư trúng giá bao gồm 3 nhà đầu tư tổ chức và 1 nhà đầu tư cá nhân với giá trúng thấp nhất là 21.400 đồng/cp và giá trúng cao nhất là 21.500 đồng/cp, giá trúng bình quân là 21.400 đồng/p. Petrolimex thu về 2.568 tỷ đồng.

Giá trúng thầu thấp hơn khá nhiều so với mức giá cao nhất 25.600 đồng/cp được giao dịch trong sáng 7/4 trên sàn Upcom.

Theo báo cáo tài chính, khoản đầu tư của Petrolimex (PLX) vào PGBank có giá gốc 1.078 tỷ đồng.