"Chỉ ngồi phán, không làm gì thì làm sao phát huy được kinh tế biển từbiển đảo mà ông cha để lại cho chúng ta?”- ông Trương Đình Hiển tiếp tục cuộc trò chuyện cùng Tuần Việt Nam.
Kỳ 1: Đại nghiệp của dân tộc bắt đầu từ biển
Thưa ông, con số có thể định lượng được như GDP của Quãng Ngãi tăng lên gấp bội lần cho thấy giá trị to lớn của kinh tế biển nước ta. Vậy sự phát triển xấp xỉ ¼ thế kỷ qua đã tiệm cận với tiềm năng biển của nước ta chưa?
TS. Trương Đình Hiển: Tiềm năng biển của chúng ta còn lớn lắm, cần phải dồn sức nghiên cứu và đầu tư để khai thác hơn nữa. Tôi đã nói ở phần trên rồi, xin nhắc lại lần nữa: Và nếu đi đúng con đường này thì chỉ cần một thời gian nữa Việt Nam chúng ta sẽ tiến vượt xa nhiều nước khác mà hiện nay họ đang hơn ta!
Có trứng thì cho ấp ra gà vàng, có gà thì cho đẻ trứng vàng!
Vậy ông có rút ra bài học và kinh nghiệm gì từ bước khởi đầu Dung Quất để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, đầu tư, khai thác từ biển giai đoạn tiếp theo?
TS. Trương Đình Hiển: Hồi bắt đầu nghiên cứu cho ra mô hình Dung Quất, nhiều người phản đối. Họ bảo: Miền Trung làm gì có hàng hóa đâu mà xây cảng! Phải có hàng hóa mới có cảng chứ! Tôi trả lời: “ Đúng vậy! Có hàng hóa mới có cảng. Nhưng ngược lại, phải có cảng thì mới có hàng hóa!”.
Thế là như chuyện quả trứng và con gà, cái nào có trước, cái nào có sau, cãi nhau mãi đến bất tận cũng không thể có kết quả. Tôi đưa ra lập luận : Chỗ nào có gà thì lo chỗ cho nó đẻ trứng! Chỗ nào có trứng thì cho ấp ra gà! TP.HCM và Hà Nội có con gà thì cho đẻ trứng vàng.
Ảnh minh họa: Mở biển ở Sa Huỳnh (laodong) |
Còn miền Trung có bờ biển là mặt tiền của thời đại chẳng khác chi mặt tiền đường Nguyễn Huệ ở quận 1, TP.HCM, là quả trứng vàng, cứ ấp cho nở ra gà vàng! Cãi nhau cái nào có trước cái nào có sau mất thời gian lắm. Có cái nào thì “chơi” cái đó. Đó là con đường đúng đắn đánh thức miền Trung. Và Bộ chính trị và Chính phủ đã quyết định ngay thời điểm lúc đó là rất sáng suốt và đúng đắn!
Trong quá trình thực hiện có nhiều ý kiến phản đối không?
TS. Trương Đình Hiển: Có chứ! Một số người không làm mà cứ phản đối rất kịch liệt, nói Chính phủ thế này thế kia và dự đoán rất thảm hại rằng sẽ thất bại! Tôi rút ra bài học rằng, ở Việt Nam có căn bệnh rất trầm kha là ăn rồi mà cứ ngồi nói, hội họp, hội thảo triền miên nhưng chẳng xong gì cả nếu không thoát ra khỏi những thứ hội thảo, hội họp, bàn tới bàn lui như vậy!
Phải xác định mạnh mẽ rằng, Việt Nam là đất nước của hành động. Chúng ta muốn độc lập thì phải cầm súng đánh quân xâm lược. Muốn phát triển giàu mạnh thì phải mở mang công nghiệp hóa - hiện đạo hóa. Nếu chỉ ngồi phán mà không làm gì thì làm sao có dải miền Trung công nghiệp hóa như bây giờ? Làm sao chúng ta phát huy được kinh tế biển từ biển đảo mà ông cha để lại cho chúng ta?
Tiếc rằng ở đất nước chúng ta những người thích phán xét, thích bàn lui hơi nhiều. Tôi có cảm giác như càng ngày càng nhiều. Vấn đề gì cũng muốn thảo luận, hội thảo triền miên nhưng cái đích đi tới thì không đạt được! Ví dụ như ngành cơ khí, chế tạo ô tô, biết bao cuộc hội thảo kéo dài tới 20 năm mà chẳng đi tới đâu mặc cho cơ hội trôi qua! Theo tôi, kiểu làm ăn như vậy là có tội với đất nước, với dân tộc!
Chúng ta phải biết hành động, biết thừa nhận thực tiễn và tìm cách tận dụng và khắc phục. Giờ đã rõ ràng con đường phát triển của miền Trung đi lên từ kinh tế biển theo hướng đại công nghiệp mà trong đó cảng biển nước sâu và khu công nghiệp là hòn đá tảng. Khi đã có cái này làm tiền đề thì hàng loạt cái phát triển theo như chúng ta đã và đang chứng kiến sự đổi thay dọc duyên hải miền Trung.
Để cho đại nghiệp lớn của dân tộc thức giấc và vùng lên, chúng ta cần ra sức phát triển, đầu tư và khai thác mạnh hơn nữa.
Có lần nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói chuyện với tôi đã khẳng định: “Miền Trung bây giờ không còn là chiếc đòn gánh tre mà đã thành đòn gánh thép! Miền Trung đang gánh sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa của đất nước”… Điều này đã được chứng minh bằng thực tiễn hành động.
Khi đi tìm vị trí đặt nhà máy lọc dầu, các chuyên gia dầu khí trong và ngoài nước mất 10 năm và tiêu mất 10 triệu USD nhưng không ra. Phải đến khi chúng tôi đưa ra địa điểm tại Dung Quất, rất nhiều người phản đối. Thủ tướng Võ Văn Kiệt vô cùng sáng suốt ủng hộ. Tổng Bí thư lúc ông là ông Đỗ Mười cũng ủng hộ. Nhà máy lọc dầu ra đời đứng ở Dung Quất.
Bảo vệ biển đảo là cuộc đấu tranh sinh tồn
Chúng ta đang đứng trước khó khăn và thách thức lớn là sự bá quyền của Trung Quốc trên biển Đông, uy hiếp nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của dân tộc ta. Theo ông, phát triển kinh tế biển và bảo vệ biển đảo của Tổ quốc đặt ra như thế nào trong giai đoạn tiếp theo?
TS. Trương Đình Hiển: Phải nói thẳng ra rằng đây là cuộc đấu tranh sinh tồn. Cuộc đấu tranh này không phải tới giờ mới xảy ra mà đã xuất hiện và xảy ra từ mấy ngàn năm nay. Tới thời Lý Thường Kiệt ông cha chúng ta đã khẳng: “Nam quốc sơn hà nam đế cư…”. Trên biên giới đất liền thì cũng như trên biển. Vấn đề là chúng ta phải có đường lối thích hợp.
Để giành được độc lập tự do như ngày hôm nay, chúng ta đã phải đấu tranh, chiến đấu với bao nhiêu kẻ thù. Chúng ta đã hiểu rằng nếu không vùng lên thì không thể thấy ánh mặt trời. Có lần tiếp xúc với một người bạn là nhà khoa học Hàn Quốc, tôi ngợi khen Hàn Quốc đi từ nghèo đói nay đã giàu sang phát triển.
Người bạn Hàn làm tôi rất ngạc nhiên, không cười mà tỏ ra trầm ngâm, buồn bã. Anh ta nói: “Chúng tôi phát triển, giàu thật nhưng chưa thống nhất được như Việt Nam. Ngày nào cũng để súng đạn trên đầu, chuẩn bị chiến tranh! Nếu xảy ra chiến tranh thì sự giàu sang phú quý sẽ tan thành khói bụi. Còn Việt Nam hạnh phúc hơn, giang sơn về một mối, dân tộc thống nhất, bờ biển dài dằng dặc. Nhắc tới Việt Nam ai cũng nể. Nghèo thì nghèo nhưng không ai dám khinh thường. Chỉ cần cố gắng lên thì sẽ vượt qua khó khăn ”.
Chúng ta đã có được cái mà nước bạn Hàn Quốc giàu có đang thèm khát là độc lập và hòa bình. Ta phải biết trân trọng và gìn giữ. Để bảo vệ và phát triển đại nghiệp của dân tộc, chúng ta cần huy động tổng lực của toàn dân. Muốn huy động được thì phải làm sao cho dân được cơm no áo ấm, được tham gia vào mọi công việc của đất nước. Chứ không thì nói tới cái gì người ta cũng nghĩ rằng việc này đã có Đảng, Nhà nước lo rồi thì nguy hiểm vô cùng! Đảng, Nhà nước chỉ lãnh đạo và điều hành thôi, còn mọi người phải xắn tay lên chứ. Vì vậy phải làm sao cho nhân dân thấy cần phải lao vào hành động, lao vào công việc, chia sẻ gánh nặng.
Đối với kẻ thù gian ngoan to lớn hùng mạnh thì bao giờ chúng ta đã có cách “lấy ít đánh nhiều”, “lấy yếu đánh mạnh”. Đây cũng là “vũ khí” độc đáo của dân tộc ta mà ông cha truyền lại cho chúng ta. Hiện nay đối với Trung Quốc mình phải tập hợp lực lượng trong và ngoài nước. Muốn vậy phải có hòa bình, có thời cơ, có đường lối đúng. Kể cả tập hợp vũ khí.
Và phải xác định rõ thêm, phát triển kinh tế biển đảo chính là biện pháp bảo vệ chủ quyền của chúng ta chứ không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế.
Biển của ta ngư dân đang bám trụ. Dù lực lượng ta bé nhỏ nhưng đó là công lao bảo vệ Tổ quốc rất lớn ta phải biết ơn.
Miền Trung cứ để hoang sơ thì rất dễ bị kẻ thù tấn công, xâm lược.
Một điều nữa trong công cuộc phát triển kinh tế biển và bảo vệ thành quả này của chúng ta thì lực lượng quốc tế rất quan trọng. Trong các cuộc chiến tranh của ta thì lực lượng quốc tế góp sức giúp chúng ta rất lớn.
Vùng duyên hải ta mời nước ngoài vào hợp tác khai thác, xây dựng công nghiệp, xây dựng và khai thác cảng …
Tôi xin trích lời đánh giá của đại sứ Nhật Bản Katsunari Suxuki tại Việt Nam trong cuộc gặp mặt trí thức ở Đà Nẵng ngày 26/8/1996 như sau: “Hướng tới thế kỷ 21, tôi dám khẳng định miền Trung là khu vực có vai trò then chốt trong quá trình đưa đất nước Việt Nam vào thế ổn định và phát triển. Trong chiến lược của Đông Dương thì miền Trung ở vị trí cực kỳ quan trọng vì tại đây có thể dễ dàng thiết lập một khu vực có tiềm năng phát triển to lớn lâu dài . Tôi hy vọng miền Trung sẽ là đòn bẫy cho Việt Namvà toàn bộ khu vực Đông Nam Á”…
Giờ thì đã rõ, những tiên liệu của ông đại sứ Nhật lúc đó đang càng ngày càng hiện diện dọc theo duyên hải miền Trung và đóng góp vào đại nghiệp của dân tộc ta!
Cám ơn ông đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.
Duy Chiến thực hiện
Vài nét về TS. Trương Đình Hiển: - Sinh ngày 24/8/1941 tại Phú Yên - Năm 1974, theo gia đình tập kết ra bắc - Năm 1963,tốt nghiệp khoa vật lý trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. - Năm 1970, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện hải dương học thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên Xô. Sau đó công tác tại Viện nghiên cứu biển Hải Phòng và Viện nghiên cứu biển Nha Trang. - Năm 1985 công tác tại Viện nghiên cứu thiết kế công trình dầu khí biển tại Bacu, Liên Xô - Trở về nước, công tác tại Viện nghiên cứu thiết kế biển liên doanh dầu khí Việt–Xô, Viện nghiên cứu kinh tế TP.HCM, Viện vật lý và khoa học Việt Nam. - Là người Việt Nam đầu tiên có công trình được đưa vào quyển “Những thành tựu hải dương học Xô Viết” xuất bản năm 1979. Điều nổi bật nhất là TS. Trương Đình Hiển và một số cộng sự đã được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tin tưởng, giao nhiệm vụ nghiên cứu tìm mô hình xây dựng kinh tế biển ở miền Trung, bắt đầu từ Dung Quất, sau đó mở rộng khắp vùng duyên hải của đất nước. |