Sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kết quả giám sát về chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.

Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Trình bày báo cáo của đoàn giám sát, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho hay, trong kỳ giám sát, tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp.

Đáng chú ý là số vụ việc khiếu nại, tố cáo về hành chính có xu hướng giảm trong một số năm gần đây, nhưng số vụ việc thuộc lĩnh vực tư pháp có xu hướng tiếp tục tăng, nhất là án hành chính, dân sự - kinh tế.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình. Ảnh: Thắng Phạm

Trong các nguyên nhân được đoàn giám sát chỉ ra, có tình trạng chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp của một số cơ quan có thẩm quyền, có biểu hiện hình thức.

Một số công chức chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ hoặc thiên lệch trong thực thi công vụ, thậm chí có trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, vụ lợi cá nhân, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

Bên cạnh đó còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tổ chức tiếp công dân, đối thoại với dân, thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong giải quyết, dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, trở thành vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Đoàn giám sát dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến đất đai tiếp tục là “điểm nóng”, nhất là ở các địa phương đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công lớn, có nhiều dự án phải thu hồi, bồi thường đất.

Khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản với các dự án bất động sản du lịch, nhà ở thương mại sẽ “hết sức phức tạp”. Nguyên nhân do các quy định của pháp luật liên quan đến các lĩnh vực này chưa thực sự đồng bộ, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Người đứng đầu chủ yếu ủy quyền cho cấp phó tiếp dân định kỳ

Đoàn giám sát ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực về trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, tiếp công dân đột xuất của người đứng đầu (bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các cấp….).

Tại các buổi tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu thường gắn liền với giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc đông người, phức tạp có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Qua đó, nhiều vụ việc đã được chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không để phát sinh “điểm nóng”; nhiều vụ việc được phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời những sai phạm

Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng lưu ý, việc tiếp dân của người đứng đầu vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ theo quy định của luật. Số liệu thống kê cho thấy, tiếp công dân của người đứng đầu cấp xã ít, cấp huyện có nhiều hơn, cấp tỉnh không cao, cấp bộ thì thấp.

Người đứng đầu chủ yếu ủy quyền cho cấp phó tiếp dân định kỳ. Đáng lưu ý, vẫn còn tình trạng bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân chưa đúng quy định, có nơi bố trí cán bộ nghỉ hưu làm theo hợp đồng để tiếp công dân.

Báo cáo cho thấy, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 38% so với quy định. Cụ thể có 21 bộ, ngành có số liệu, bộ trưởng, thủ trưởng đã tiếp dân định kỳ 381/960 ngày theo quy định.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 56% so với quy định; trong đó, có Chủ tịch một số tỉnh tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ cao hơn quy định như: Đồng Tháp (hơn quy định 59 ngày), Bà Rịa - Vũng Tàu (hơn quy định 22 ngày), Sóc Trăng (hơn quy định 13 ngày), Tiền Giang (hơn quy định 12 ngày).

Chủ tịch UBND cấp huyện tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 94% so với quy định; trong đó có một số tỉnh có tỷ lệ cao hơn quy định như: Cần Thơ (270%), Quảng Ninh (269%), An Giang (232%), Hải Phòng (192%), Ninh Bình (188%), Sơn La (130%)... Nhưng cũng còn một số tỉnh có tỷ lệ Chủ tịch huyện ủy quyền cho cấp phó thực hiện nhiều, như: Gia Lai, Hà Nam, Hà Nội, TP HCM, Khánh Hòa, Thanh Hóa...

Chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 49% so với quy định; trong đó có một số địa phương tỷ lệ đủ và cao hơn quy định như: Bến Tre (102%), Điện Biên (107%) và Đắk Nông, Kon Tum, Ninh Thuận (đạt 100%). Tuy nhiên, cũng còn một số tỉnh có tỷ lệ Chủ tịch cấp xã tiếp công dân định kỳ ít, chủ yếu là ủy quyền cho cấp phó thực hiện, như: Hà Nội, Nam Định, Sóc Trăng, Thanh Hóa...

Đã kỷ luật 2.696 cá nhân từ giải quyết khiếu nại, tố cáo

Liên quan đến giải quyết khiếu nại tố cáo, đoàn giám sát cho biết, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 169.713 vụ việc thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 96,8%. Qua đó đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 337,3 tỷ đồng, 19,3 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 2.007 tỷ đồng, 74,9 ha đất; kỷ luật 328 tập thể, 2.696 cá nhân.

Theo ông Bình, nhiều vụ việc gây bức xúc trong nhân dân, dư luận quan tâm đã được giải quyết kịp thời, nghiêm minh, khách quan, thấu tình, đạt lý, đúng quy định của pháp luật và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.

Bên cạnh đó, đoàn giám sát cũng lưu ý, việc tiếp nhận, xử lý đơn thư còn hạn chế, vẫn còn có sự nhầm lẫn trong việc phân loại đơn, giữa đơn khiếu nại, tố cáo với đơn kiến nghị, phản ánh.

Chất lượng công tác thẩm tra, xác minh trong quá trình giải quyết, nhất là lần đầu của cấp huyện có nơi còn làm chưa kỹ, có sai sót dẫn đến nhiều vụ việc phải xem xét, giải quyết nhiều lần.

Kết quả giải quyết số vụ việc khiếu nại đúng và đúng một phần chiếm 23,1%. Số vụ việc tố cáo đúng và đúng một phần chiếm 31% trong tổng số vụ việc tố cáo cho thấy chất lượng của công tác quản lý hành chính nhà nước các cấp còn nhiều bất cập, hạn chế có sai sót.

Chủ tịch tỉnh, huyện còn ngại tiếp dân

Chủ tịch tỉnh, huyện còn ngại tiếp dân

"Thực tế có tình trạng lãnh đạo ngại tiếp xúc, ngại tiếp công dân. Tôi có thời gian làm Chủ tịch UBND tỉnh nên hiểu tâm lý này", Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam nói.