Nhận kết quả con trai đạt 7.0 trong kỳ thi IELTS vừa qua, cả nhà chị Thu Hà (Hà Nội) không chút vui mừng.
Chị Hà đầu tư cho con học tiếng Anh để thi IELTS từ năm lớp 9, với học phí trọn gói hơn 40 triệu đồng. Trung tâm tiếng Anh này cam kết đầu ra của con chị sẽ từ 6.5-7.0 IELTS.
Khi cho con học, một người thuộc thế hệ 7X như chị Hà nghĩ đạt 7.0 IELTS là 'quá ổn', và chị cũng không ngờ là sau vài năm các trường lại 'ồ ạt' xét tuyển đại học bằng chứng chỉ này như thế.
"Với mức 7.0 IELTS, cơ hội vào những trường hot như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân trở nên mong manh quá, vì nghe nói học sinh vào đây toàn có điểm IELTS cao vút. Tôi vừa đọc thấy Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến sẽ dành 25 – 35% chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển có sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, trong khi chỉ dành 10 – 15% trong tổng số chỉ tiêu để xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Thế nên, nếu tính đường vào đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, khả năng con mình được 29, 30 điểm để mà trúng tuyển cũng xa vời quá. Bên trường Ngoại thương cũng xét chứng chỉ ngoại ngữ cùng với học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp. Mà kết quả học của con hai năm rồi cũng không quá nổi trội ” – chị Hà chia sẻ sự lo lắng.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Thanh Tùng |
Chị Hà cho biết, cả nhà chị đang cân nhắc các phương án khác nhau.
“Chúng tôi tính hoặc là tìm lớp luyện thi cấp tốc để thi IELTS thêm lần nữa, xem có nâng lên được nửa điểm không. Phương án này chắc tốn khoảng chục triệu, chưa kể gần 5 triệu lệ phí thi. Bên cạnh đó, bố cháu và cháu đang tìm hiểu về kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội vì thấy khá nhiều trường công bố tuyển sinh bằng phương thức này” – càng tính chị Hà càng lo lắng.
Gia đình chị Thanh Phương (Quận 3, TP.HCM) cũng lo lắng không kém dù đã cho cô con gái luyện thi IELTS.
Chị Phương nói gia đình mình không có điều kiện để cho con du học, con cũng biết vậy và xác định nếu có cơ hội học bổng thì sau khi học xong đại học ở trong nước mới đi. Vì vậy trước đây cả nhà chưa hề tính tới việc thi IELTS.
Nhưng từ đợt tuyển sinh đại học năm ngoái, thấy một số trường thuộc top đầu có xu hướng tuyển sinh bằng cả chứng chỉ Tiếng Anh, cộng với điểm chuẩn bằng điểm thi tốt nghiệp THPT quá cao, nên hồi tháng 8 năm ngoái, con chị đã xin cho theo học một lớp luyện thi IELTS online để tăng cơ hội vào đại học.
“Con biết kinh tế gia đình không dư dả nên cũng rụt rè, mình thấy vậy cũng thương, thôi thì hai vợ chồng gắng mà làm thêm để đóng học phí cho con. Bây giờ thấy cũng may mà cho con học vì con muốn vào Trường ĐH Luật TP.HCM hoặc ĐH Kinh tế - Luật, cả hai trường này đều có xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ”.
Chị Phương cho biết cô con gái đặt mục tiêu đạt 6.0, đã đăng ký thi đợt cuối tháng hai.
“Thấy con học suốt ngày, sau giờ đến trường là bài vở trên lớp, bài ở lớp học thêm với tiếng Anh mà mình cũng nóng ruột” – chị Phương than thở.
Trong khi đó, không ít học sinh lớp 12 cũng chia sẻ áp lực khi phải đạt điểm IELTS càng cao càng tốt.
Nguyễn Lâm An (Ba Đình, Hà Nội) bắt đầu học luyện thi IELTS theo yêu cầu của mẹ. Cô bé tự nhận định rằng mình không có năng khiếu ngoại ngữ, nên việc học tiếng Anh với em ngay từ cấp 1, cấp 2 khá chật vật, chỉ đạt kết quả khá dù mẹ đã rất đầu tư, từ học gia sư đến trung tâm.
Đến năm lớp 10, mẹ cô bé cho học luyện IELTS với mục đích có thể cho đi du học.
“Em từng thi được 5.5 thôi. Mẹ nói bây giờ đang dịch nên không cho đi du học nữa nhưng vẫn yêu cầu em phải đạt tối thiểu là 6.5 để được xét tuyển vào mấy trường nhóm đầu vì nếu xét điểm thi tốt nghiệp THPT sợ em không đủ. Bây giờ em đang học luyện một thầy một trò, em thấy học vừa nặng vừa tốn tiền của mẹ, lại lo việc phải đỗ đại học nên rất áp lực”.
Năm 2021, cả nước có khoảng hơn 60 cơ sở đào tạo sử dụng các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT… là tiêu chí để ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng. Thậm chí, những trường đại học nhóm đầu thường có điểm chuẩn cao ‘chót vót’ như Trường ĐH Y Hà Nội, Học viện An ninh Nhân dân… cũng lần đầu tiên “săn lùng” thí sinh giỏi ngoại ngữ. Nhiều người nhìn nhận, kết quả bài thi tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa đủ để đánh giá năng lực, trình độ của thí sinh về các kỹ năng ngôn ngữ lẫn tư duy học thuật. Thậm chí, kể cả nếu thí sinh đạt điểm tuyệt đối bài thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh, điều này cũng không có nhiều giá trị nếu đề thi không mang tính phân loại cao. Nhưng với các chứng chỉ quốc tế lại khác. Hệ thống thi và cấp chứng chỉ IELTS nói riêng và nhiều chứng chỉ tiếng Anh nói chung đã được hình thành trên toàn cầu trong một khoảng thời gian đủ dài và có uy tín. “Ngôn ngữ IELTS chạm tới những chủ đề chuyên sâu nhất như kỹ thuật, kinh tế, khoa học, xã hội. Khi học sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên đồng nghĩa với việc các em đã có khả năng nghe, nói, đọc, viết ngôn ngữ tiếng Anh học thuật ở mức độ tương đối. Do đó, đây sẽ là một công cụ tốt như một tiêu chí đầu vào, thậm chí là cả đầu ra cho các trường. Việc này cũng sẽ làm đa dạng hóa sự lựa chọn cho học sinh, tạo nền tảng tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế cho học sinh phổ thông và sinh viên đại học”, một giảng viên nhận định. Năm 2022 này, thay vì dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT như những năm trước, các trường đã công bố phương án tuyển sinh với điểm chung là giảm chỉ còn từ 50% chỉ tiêu trở xuống cho phương thức này. Thậm chí, ở một số trường top, số lượng chỉ tiêu dựa trên kết quả kỳ thi do Bộ GD-ĐT tổ chức đã giảm xuống còn 10 – 20%, thấp nhất từ trước đến nay. Số lượng chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển đại học có sử dụng chứng chỉ quốc tế gia tăng, một số trường thậm chí dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp có chứng chỉ quốc tế. Ví dụ như Trường ĐH Thương mại dành khoảng 40% cho phương thức xét tuyển này trong tổng số 4.150 chỉ tiêu tuyển sinh của trường; hay Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến sẽ dành 25 – 35% chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển có sử dụng chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế như IELTS... |
Phương Mai
Tuyển sinh đại học: IELTS sẽ được 'chuộng' hơn điểm 10?
‘Cơn sốt’ luyện thi IELTS đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố, khi rất nhiều gia đình cho con luyện thi loại chứng chỉ này. Nhiều phụ huynh nhận thức ILETS là giấy thông hành để vào những trường ĐH top đầu ở Việt Nam.
Thí sinh bỏ bê nhiều môn học, 'đổ' đi luyện IELTS
Với xu hướng tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS, ở một số nơi đã có hiện tượng thí sinh 'ngó lơ' nhiều môn học khác để tập trung luyện chứng chỉ này.
Thí sinh lo 'thiệt thòi' vì xét tuyển IELTS, các đại học nói gì?
Các trường ĐH ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khiến các thí sinh dự định dùng điểm thi tốt nghiệp để xét đại học cảm thấy thiệt thòi, điều này có đúng không?