Trọng Hóa là một xã miền núi biên giới, địa bàn rộng, phức tạp và có đông đồng bào DTTS sinh sống nhất huyện Minh Hóa. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh và nhiều chương trình lồng ghép khác của huyện Minh Hóa trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, đến nay, hệ thống giao thông từ trung tâm xã đến các bản làng đều đã được cứng hóa.

Từ chỗ luôn có tư tưởng “trông chờ ỷ lại” vào sự trợ cấp của Nhà nước, những năm gần đây, đồng bào DTTS ở xã Trọng Hóa đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm, đã biết tự thân vận động, hăng hái lao động, sản xuất. Với sự hỗ trợ vốn, kỹ thuật của Nhà nước, hầu hết đồng bào DTTS ở xã Trọng Hóa đã biết trồng rừng kinh tế, chăn nuôi bò, dê để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cuộc sống dần ổn định, góp phần đảm bảo an ninh biên giới...

Bản K-Oóc, xã Trọng Hoá có 59 hộ dân với 247 nhân khẩu đều là người Khùa, hầu hết người dân trong bản đều thuộc hộ nghèo. Cả bản có gần 70 học sinh, 1 điểm trường mầm non ở khu vực trung tâm bản và 1 điểm trường tiểu học ở xóm Dừa (xóm Dừa thuộc bản K-Oóc, cách khu vực trung tâm khoảng 2,5km).

anh 1 (1).jpg
Đường đến bản K-Oóc, xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá. Ảnh: Xuân Vương

Đường sá đi lại rất khó khăn nên những gia đình ở xóm Dừa muốn con được học mầm non thì hằng ngày bố mẹ phải cõng các con lên khu vực trung tâm để học. Trong khi đó, các cháu học sinh tiểu học xuống xóm Dừa hoặc qua bản Ra Mai học tập

“Đường đi học xa, dốc cao, lầy lội nên các cháu đi học rất vất vả, mưa thì trượt ngã lấm lem, nắng thì mồ hôi nhễ nhại. Bà con chủ yếu sống dựa vào nương rẫy, mọi sinh hoạt giao lưu văn hóa với bên ngoài hạn chế, đói nghèo cứ bám riết từ đời này qua đời khác”, ông Hồ Tha, trưởng bản K-Oóc cho biết.

 Năm 2014, tuyến đường chính lên bản K-Oóc được một nhóm thiện nguyện phối hợp với Đoàn xã Trọng Hóa mở dài gần 3km, rộng 2m xuyên qua cánh rừng nối từ xóm Dừa lên tới trung tâm bản, giúp cho học sinh và người dân đi lại đỡ vất vả hơn. Cùng với con đường, một cây cầu treo mới cũng được xây dựng từ bản Hà Nôông qua xóm Dừa của bản K-Oóc đã được đưa vào sử dụng.

Vì đây là con đường đất nên mùa mưa lũ đường hay bị sạt lở và rất trơn trượt, nhiều học sinh đến lớp phải quay về giữa chừng vì bị ngã khiến quần áo bẩn và ướt.

Mong ước lớn nhất của bà con nơi đây là có một con đường bê tông kiên cố để đi lại cho đỡ vất vả. Nhận thấy đây là nhu cầu chính đáng, UBND huyện Minh Hóa triển khai dự án “Cải tạo, nâng cấp đường giao thông bản K-Oóc” và giao cho UBND xã Trọng Hóa làm chủ đầu tư.

“Mục tiêu của dự án là cải tạo, nâng cấp tuyến đường, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, phục vụ sản xuất, học tập, khám chữa bệnh, trao đổi thông thương hàng hóa, bảo đảm an ninh biên giới. Qua đó, góp phần thúc đầy phát triển kinh tế-xã hội xã Trọng Hóa nói riêng, huyện Minh Hóa nói chung”, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Minh Hương nói.

Công trình được khởi công vào tháng 11/2023 gồm 3 tuyến, tổng chiều dài trên 2,5km, nền đường rộng 3m, lòng đường rộng 2,5m được đổ bê tông, hai bên có hệ thống thoát nước, taluy được gia cố chắc chắn, nối từ cầu treo lên đến trung tâm bản.

Ngoài ra, dự án còn sửa chữa, cải tạo đoạn đường để vận chuyển hàng hóa, vật liệu phục vụ nhân dân, thi công xây dựng công trình dài trên 300m. Tuyến đường được đầu tư xây dựng mới chủ yếu trên nền đường đất cũ. Tổng mức đầu tư của dự án trên 6,5 tỷ đồng từ nguồn vốn “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, thời gian thực hiện từ năm 2023-2025.

Sau một thời gian thi công, đến nay con đường cơ bản đã hoàn thành, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho bà con.

Anh Hồ Vi, một người dân bản K-Oóc phấn khởi: “Trước đây, tôi thường xuyên cõng con đi học trên con đường lầy lội. Khi các cháu lên lớp 2 thì tự đi bộ, có khi bị ngã khiến quần áo bẩn hết phải quay về nhà. Giờ có đường rồi, tôi cũng mua được cái xe máy để chở con đi học, đi làm ăn nên cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá”.

Từ khi có đường mới, bà con bản K-Oóc mua xe máy nhiều hơn, đi lại thuận tiện hơn, nông sản của bà con cũng bán được giá cao hơn trước. Điểm trường mầm non của bản cũng đã được vận chuyển vật liệu lên và xây dựng khang trang.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa Hồ Mi: “Nay có đường rồi, xã sẽ tuyên truyền, vận động, hỗ trợ để bà con trồng rừng, chăn nuôi. Hiện đàn lợn và trâu, bò của bà con trong bản khá nhiều. Nếu tiếp tục chăm sóc tốt, chắc chắn bản K-Oóc sẽ có nhiều hộ làm giàu từ trồng rừng và chăn nuôi trong tương lai không xa”.