Theo Công an Hà Nội, trên địa bàn, hiện có khoảng 200 nghìn xe máy, xe đạp điện cùng hàng nghìn ô tô điện đang hoạt động và xu hướng sử dụng phương tiện này đang gia tăng. 

Bên cạnh những tiện ích của loại phương tiện này mang lại, có nhiều vấn đề được quan tâm như: Nguy cơ cháy, nổ từ chính hệ thống điện, pin của xe.

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra cháy tại cơ sở kinh doanh xe máy, xe đạp điện.

Điển hình như sáng 19/7, tại căn nhà ở kết hợp kinh doanh xe máy, xe đạp điện tại thôn Ngãi Cầu (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) xảy ra vụ hỏa hoạn khiến 3 người trong gia đình tử vong, gồm anh T.D.Q. (SN 1985, chủ hộ), chị N.T.H. (SN 1990, vợ của anh Q.) và cháu T.N.L. (SN 2016, con của anh Q.). 

W-z4528435660147-ea2f417c2048c265e6c417a04db6ce71-1.jpg
Nhiều xe máy, xe đạp điện bị thiêu rụi được lực lượng chức năng đưa ra ngoài

Nhận tin báo, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP đã điều động 8 xe chữa cháy của các đội PCCC & CNCH (Khu vực 4, huyện Hoài Đức, quận Hà Đông, huyện Quốc Oai) cùng trên 50 cán bộ, chiến sĩ khẩn trương đến hiện trường tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Diện tích xây dựng của căn nhà bị cháy khoảng 120m2 (chiều rộng mặt tiền khoảng 6m, chiều dài khoảng 20m), chiều cao khoảng 5m.

Theo lực lượng chữa cháy, việc tiếp cận, dập tắt đám cháy gặp nhiều khó khăn do bên trong chứa hàng trăm xe máy, xe đạp điện.

Để phòng tránh các vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng tại cơ sở kinh doanh xe máy, xe đạp điện, Công an Hà Nội đưa khuyến cáo như sau:

Thực hiện nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ kinh doanh; quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt; thực hiện đầy đủ nghiêm túc biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) khi tiến hành hàn, cắt kim loại (nếu có).

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC, nội quy, quy định về an toàn PCCC đối với khách hàng và nhân viên tại cơ sở, hướng dẫn kỹ năng thoát nạn, kỹ năng sử dụng phương tiện chữa cháy; bố trí lối thoát nạn thứ 2; xây dựng phương án xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra tại các khu vực.

Không để hàng hóa tràn lan, lấn chiếm lối đi; sắp xếp hàng hóa trong khu vực kho ngăn nắp, đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC, chống cháy lan và điều kiện thoát nạn trong trường hợp xảy ra sự cố về cháy, nổ. Đảm bảo điều kiện an toàn PCCC trong việc xuất, nhập hàng hóa; chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát, không để các vật dụng che chắn lối thoát nạn trên hành lang, cầu thang của tòa nhà, không chèn, khóa cửa buồng thang, cửa ra thoát nạn.

Khu vực để trưng bày xe điện các loại phải sắp xếp thành các hàng, dãy đảm bảo an toàn về đường, lối thoát nạn, khoảng cách PCCC. Không sắp xếp xe gần các tủ điện, thiết bị điện, không sắp xếp xe ở các vị trí che khuất các phương tiện, dụng cụ phòng cháy và chữa cháy để tránh gây cản trở trong việc sử dụng, triển khai chữa cháy khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Lưu ý trong quá trình xuất, nhập, trưng bày xe điện phục vụ mục đích kinh doanh, cần tháo rời các bộ phận ắc quy, pin và bố trí tại khu vực kho riêng và có giải pháp đảm bảo khả năng ngăn cháy lan với khu vực xung quanh, phương án xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

z4528435460034-677c591d96bef43a18e47138cef6f76d-1.jpg
Không sử dụng vật liệu dễ cháy để làm vách ngăn, ốp trần, tường, trang trí nội thất…

Tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng. Kiểm tra, gia cố hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, lắp đặt bổ sung các thiết bị bảo vệ để kịp thời đóng ngắt khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; kiểm tra, bảo dưỡng các hệ thống âm thanh, ánh sáng đảm bảo an toàn PCCC; niêm yết bảng cấm lửa, cấm hút thuốc, trang bị phương tiện PCCC tại chỗ theo quy định; biển cấm lửa, tiêu lệnh chữa cháy tại những nơi có nguy hiểm cháy, nổ (hay kho chứa xe điện các loại, chứa các bình ắc quy, hộp sạc…); niêm yết sơ đồ, biển chỉ dẫn thoát nạn.

Không sử dụng vật liệu dễ cháy để làm vách ngăn, ốp trần, tường, trang trí nội thất…; phông màn, rèm cửa phải được xử lý bằng chất chống cháy; Xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ với nhiều tình huống giả định để chủ động xử lý khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra.

Nâng cao và duy trì thường xuyên công tác tự kiểm tra an toàn PCCC tại cơ sở. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện PCCC của cơ sở, đảm bảo sự hoạt động của hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy tự động (nếu có), bình chữa cháy xách tay, công cụ phá dỡ, thoát nạn… để kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra và hướng dẫn thoát nạn.

Đầu tư kinh phí cần thiết cho hoạt động PCCC. Kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống PCCC, hệ thống điện và các hệ thống kỹ thuật liên quan khác được trang bị tại cơ sở theo quy định, kịp thời thay thế các thiết bị cũ, hỏng, đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động kinh doanh.