- Truyền thống và công nghệ có thể song hành khi GMS chuyển hướng sang tăng trưởng sạch hơn, xanh hơn.
Trong 20 năm qua, tăng trưởng kinh tế tại GMS đã giúp giảm đói nghèo và tạo ra sự thịnh vượng cho đa phần trong số 420 triệu dân khu vực này. Hầu hết tăng trưởng dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo ra một nửa tài sản ở một số nước thành viên GMS. Tuy nhiên, cách tiếp cận “tăng trưởng trước làm sạch sau” đã hủy hoại môi trường do ô nhiễm nước, không khí và đất, gây tình trạng sa mạc hóa, sử dụng thái quá nguồn tài nguyên và sản xuất dư thừa. Đâu là giải pháp?
Gần đây, toàn bộ 6 nước GMS đã bắt đầu cải thiện sự quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và các dịch vụ sinh thái. Ví dụ, tất cả các nước đang dần quay lưng lại với nhiên liệu hóa thạch. Trung Quốc đã đóng cửa nhiều nhà máy điện sử dụng than đá, và phát điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời và nước. Thái Lan có khả năng sản xuất năng lượng Mặt trời lớn nhất Đông Nam Á.
Năm 2006, Chương trình Môi trường nòng cốt (CEP) đã được khởi động trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Kinh tế GMS, do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) quản lý. CEP đến nay đã đầu tư 50 triệu USD giúp các nước GMS cải thiện các chính sách về môi trường và hoạch định các quá trình, xây dựng biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các phương tiện giao thông. CEP cũng quyên góp 98 triệu USD cho nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học và giúp tạo ra 2,6 triệu hecta hành lang đa dạng sinh học.
Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. GMS vẫn chưa đảo ngược được tình trạng xuống cấp và ô nhiễm môi trường. Biến đổi khí hậu đang làm cho thách thức này càng lớn hơn.
Theo ông Pavit Ramachandran, chuyên gia về môi trường của ADB, công nghệ chính là chìa khóa giải quyết vấn đề trên. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra. Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, máy móc, rô bốt, công nghệ nano và nhiều tiến bộ khác đang nhanh chóng tái định hình các nền kinh tế và các cộng đồng.
Các công nghệ mới đã đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết, khiến các nước GMS phải đảm bảo chính sách của mình không chỉ duy trì sự phát triển công nghệ mà còn phải khuyến khích phát triển hơn nữa.
Thực vậy, các công nghệ mới có thể giúp đảm bảo tăng trưởng “xanh” trong tương lai – một giải pháp đôi bên cùng thắng đối với cả môi trường và nền kinh tế. Các công nghệ này đang ngày càng hợp túi tiền hơn và nhiều chính sách “xanh” của các chính phủ GMS sẽ chi trả cho chúng.
Các công nghệ này sạch hơn và giúp các nước sử dụng tài nguyên đất, nước, năng lượng một cách hiệu quả hơn. Kết quả sẽ là cơ sở hạ tầng bền vững hơn, giảm ô nhiễm và quản lý rác tốt hơn.
Các phương tiện thông tin hiện đại giờ đây có thể đến các vùng xa xôi hẻo lánh với chi phí thấp, kết nối các cộng đồng với các dịch vụ, và kết nối nhà sản xuất với người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong GMS trước đây khó tiếp cận với nguồn tài chính và các thị trường giờ đã có thể buôn bán trên các thị trường khu vực và nhận tiền thanh toán bằng điện tử.
Nhiều công nghệ mới đã cải thiện cách quản lý môi trường. Các máy bay không người lái, các hệ thống cảm ứng từ xa và WebGIS đang được sử dụng để đảm bảo các hoạt động đánh bắt cá và lâm nghiệp tuân thủ nguyên tắc bền vững.
Phần mềm quản lý nông trại đang được áp dụng ở các nước như Trung Quốc và Myanmar để cải thiện sản lượng thông qua sử dụng hiệu quả đất và nước. Cảnh báo sớm và phân tích dữ liệu giả định, dựa trên thông tin từ vệ tinh và máy bay không người lái, cho phép các cộng đồng chuẩn bị ứng phó tốt hơn với thiên tai.
Công nghệ kỹ thuật sinh học mới đang giúp bảo vệ các cộng đồng dân cư ở Việt Nam và nhiều nơi khác.
Rác thải và ô nhiễm – sản phẩm của quá trình các thành phố GMS mở rộng nhanh chóng – có thể được giải quyết bằng các phương tiện điện tử, các công nghệ nhiên liệu hiệu quả và các hệ thống quản lý giao thông tự động, đồng thời giúp các nước đạt các mục tiêu giảm khí nhà kính.
Các công nghệ nhằm biến rác thải rắn thành các nguồn năng lượng sử dụng được đang phát triển nhanh chóng và sẽ giúp làm sạch các trung tâm đô thị ở Tiểu vùng, qua đó giảm ô nhiễm và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Thách thức mà các nước GMS đang đối mặt hiện nay là làm thế nào thúc đẩy các công nghệ mới để đáp ứng các ưu tiên phát triển của mình. Về điểm này, chuyên gia Ramachandran nhấn mạnh sự tham gia của lĩnh vực tư nhân đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, các chính phủ có thể mở đường bằng việc đảm bảo rằng các chính sách và các quy định của mình khuyến khích đổi mới và hoan nghênh những thay đổi về công nghệ.
Công nghệ không phải là “gia vị” duy nhất cho tăng trưởng “xanh”. Nhiều cách tiếp cận truyền thống khác như bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý môi trường cũng cần được thúc đẩy. Truyền thống và công nghệ có thể song hành khi GMS chuyển hướng sang tăng trưởng sạch hơn, xanh hơn. Chương trình CEP của GMS sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược 5 năm mới, chuẩn bị cho một loạt dự án môi trường và ưu tiên 2 dự án đầu tư tăng trưởng xanh tổng trị giá 540 triệu USD. Việc này cũng sẽ tạo ra một sân chơi mới để trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm về các thói quen “xanh” và công nghệ “xanh”. Cùng nhau, Tiểu vùng và các đối tác phát triển có thể tạo ra sự thịnh vượng hơn nữa trong khi giảm cái giá phải trả về môi trường./.
Diệu An
Bàn cách mở rộng các “lối mòn” sinh kế
Việc kết nối với các thị trường quốc tế đã mở rộng các “lối mòn” sinh kế của các hộ nông dân nhỏ trong tiểu vùng Mekong.
"Lên tàu từ TP Hồ Chí Minh, ngủ một đêm và tỉnh dậy ở Yangon"
“Hãy tưởng tượng bạn lên tàu từ Thành phố Hồ Chí Minh, ngủ một đêm và tỉnh dậy đã ở Bangkok, hay ở Yangon”.
GMS – mô hình hợp tác và hội nhập khu vực thành công nhất ở châu Á
Sau hơn 2 thập kỷ hoạt động, chương trình hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) đã chứng tỏ là mô hình hợp tác và hội nhập khu vực thành công nhất ở châu Á.
Sông Mekong: Vấn đề cũ, nỗi lo mới
Việt Nam là thành viên tích cực và chủ động trong cả hai cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng và tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam.
Mekong cạn nước và cuộc đấu pháp lý với Bắc Kinh
Những đập thuỷ điện trên dòng sông Mekong đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu nông dân Đồng bằng sông Cửu Long.