Trên thực tế có nhiều doanh nghiệp công nghệ nhảy vào nông nghiệp thông minh nhưng chưa có mô hình nào được phát huy rộng rãi tại Việt Nam. Có rất nhiều hướng phát triển nông nghiệp thông minh được đưa ra, nhưng có vẻ như chúng ta chưa thực sự chạm tới "long mạch" của nông nghiệp Việt Nam. Hiện tỷ lệ người dân sống ở vùng nông thôn chiếm hơn 60% và nếu chúng ta có thể đưa công nghệ để thay đổi đời sống người dân vùng nông thôn sẽ có tác động rất mạnh mẽ đến sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội của đất nước.
Với tiến bộ của khoa học công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp có thể đẩy nhanh ứng dụng cho các hộ nông dân, nhưng trước tiên phải giải quyết được bài toán thị trường, đầu ra cho sản phẩm. Nếu tạo ra thị trường tốt, việc ứng dụng công nghệ sẽ được thuận lợi hơn rất nhiều vì họ thấy được lợi ích chứ không phải nỗi đau "được mùa mất giá".
Khi cách mạng 4.0 đang ảnh hưởng mạnh mẽ và tác động đến mọi hoạt động của đời sống thì người nông dân cũng có thể ứng dụng công nghệ để giải quyết bài toán thị trường của mình.
Chia sẻ tại Đại hội lần thứ nhất của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh, chưa bao giờ có trào lưu doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao và ứng dụng số hoá vào lĩnh vực này như hiện nay với nhiều cái tên như Hoàng Anh Gia Lai, May Hồ Gươm, Tập đoàn Hoà Phát..
Trào lưu doanh nghiệp lớn ở lĩnh vực bất động sản, tài chính, thép... chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp bắt đầu từ năm 2013. Mở đầu là Hoàng Anh Gia Lai, khi bầu Đức tuyên bố sẽ rút lui khỏi thị trường bất động sản, tái cấu trúc lại doanh nghiệp vào 2 lĩnh vực chính là nông nghiệp và bất động sản tại Myamar.
Sau doanh nghiệp của bầu Đức, loạt tập đoàn khác như Vingroup, Hoà Phát và gần nhất là Thaco... cũng lấn sân vào lĩnh vực này thông qua việc trở thành cổ đông chiến lược của các công ty sản xuất nông nghiệp hoặc lập doanh nghiệp mới.
Phần lớn doanh nghiệp này đã thoát khỏi cách sản xuất truyền thống, chuyển sang làm nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ tự động hoá và quản trị trên nền tảng số hoá 4.0 theo chuỗi giá trị khép kín, chuyên biệt.
Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, quy tụ những tên tuổi doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp. Đây là hướng đi rất đúng đắn.
Chủ tịch VIDA Trương Gia Bình cho rằng, nông nghiệp số trong thời đại 4.0 là ngành tinh vi nhất trong tất cả các ngành. Ông Trương Gia Bình nói. Nhờ ứng dụng công nghệ số hóa, nền nông nghiệp sẽ kết nối với nông dân thông qua smartphone. Qua đó, từng hộ sản xuất có mọi thông tin cần thiết, có thể hỏi và robot sẽ trả lời những kiến thức cần biết.
Người đứng đầu VIDA lấy ví dụ, trước nay nông dân Việt Nam thường đi bắt sâu, lúc chúng ta nhìn thấy thì bắt được, nhưng không bao giờ nhìn thấy hết. Để chọn cách an toàn, bà con phải phun rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật, làm cho nông sản của chúng ta bẩn hơn, giá thấp. Vậy thay đổi nó như thế nào?
Ông Trương Gia Bình chia sẻ: “Chúng ta phải nghiên cứu khoa học công nghệ, để có thể thả một máy bay không người lái bay trên những thửa ruộng. Các thiết bị chuyên dụng sẽ tự chụp ảnh cánh đồng và trí tuệ nhân tạo tự đọc bức ảnh đó, phát hiện những vị trí có sâu. Loại sâu đó trị bằng thuốc gì, liều lượng bao nhiêu, thì máy tính sẽ báo cho người nông dân biết, nên lượng thuốc bảo vệ thực vật có thể giảm đi hàng trăm lần”.
Nhờ ứng dụng công nghệ số hóa, nền nông nghiệp kết nối với nông dân thông qua smartphone. Qua đó từng hộ sản xuất có mọi thông tin cần thiết, có thể hỏi và robot sẽ trả lời cho họ tất cả những kiến thức cần biết.
Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho hay, Hiệp hội dự kiến sẽ hỗ trợ phát triển những dự án quy mô lớn nhằm hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam, giới thiệu các trung tâm giới thiệu nông sản chất lượng cao trên thế giới, sàn giao dịch nông sản online kết nối toàn cầu, triển khai hệ thống đào tạo nghề nông nghiệp số cho Việt Nam và khu vực, các trung tâm chế biến và bảo quản nông sản tại các vùng.
Một ví dụ khá thú vị tại Nhật Bản, trước đây, nông sản được tập trung tại các hợp tác xã, sau đó bán cho thương lái, đến các nhà bán lẻ, rồi mới đến tay người tiêu dùng. Nhưng trang thương mại điện tử Tabe Choku cho phép nông dân bán hàng trực tiếp đến người mua không qua trung gian, đã phát triển mạnh mẽ tại thời điểm Covid-19. Tabe Choku trở thành một trong những nền tảng trung gian được sử dụng ở lĩnh vực nông sản. Người mua lựa chọn nông sản từ các trang trại, giao tiếp với nông dân trước khi quyết định mua. Nhờ đó khách hàng biết rõ nguồn gốc thực phẩm và mức độ an toàn của hàng hoá. Trên trang Tabe Choku, hiện có khoảng 10 ngàn loại nông sản bày bán, gồm rau củ, trái cây, hải sản,... Trang thương mại điện tử này được Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản hỗ trợ để phát triển nhanh hơn.
Tại Việt Nam, Bộ TT&TT đang hỗ trợ các hộ nông dân để đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử là Postmart và Voso để giúp họ bán sản phẩm ra toàn quốc. Bộ TT&TT kỳ vọng với cách này sẽ giúp người nông dân có được thị trường lớn và bán được sản phẩm của họ với giá cao, đồng thời người tiêu dùng cũng mua được sản phẩm có nguồn gốc và chất lượng rõ ràng. Bộ TT&TT đã xác định năm 2021 là năm hành động mạnh hơn để chuyển đổi số quốc gia. Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng chọn nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số.