Nổi sợ bao trùm, chứng khoán lao dốc
Mở cửa phiên giao dịch sáng 24/2, áp lực bán tăng vọt đã kéo chỉ số VN-Index hơn 20 điểm. Tất cả 30 mã cổ phiếu lớn nhất trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) đều giảm điểm mạnh.
Tới 11h20 phút, VN-Index có lúc giảm hơn 27 điểm (tương đương giảm gần 3%) xuống dưới ngưỡng 910 điểm.
Cổ phiếu Vingroup (VIC) giảm tới 2.600 đồng/cp, Coteccons (CTD) giảm 3.500 đồng/cp, Bia Sài Gòn - Sabeco (SAB) giảm 3.500 đồng/cp, Thế Giới Di Động (MWG) giảm 4.000 đồng/cp... Nhóm cổ phiếu hàng không, du lịch, dịch vụ và kể cả ngân hàng.... cũng đều giảm điểm.
Các cổ phiếu Việt giảm điểm trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bất ngờ lan rộng và nhanh bên ngoài Trung Quốc đại lục, với một sổ ổ dịch mới xuất hiện ở Hàn Quốc, Nhật, Ý, Iran... khiến thêm nhiều người chết.
Thông tin số lượng ca nhiễm mới tại Hàn Quốc tăng vọt thêm 161 người lên 763 trường hợp và biến nước này thành ổ dịch lớn thứ 2 trên thế giới, vượt qua cả Nhật Bản... đã khiến thị trường thực sự lo ngại trong bối cảnh quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Việt Nam đang ở mức cao trong nhiều năm qua.
Chứng khoán Việt Nam giảm điểm còn do các TTCK châu Á giảm mạnh trong phiên đầu tuần. Chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc giảm hơn 3% ngay đầu phiên giao dịch.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới CTCK Mirae Asset, TTCK sụt giảm mạnh trong phiên đầu tuần sau nhiều phiên có dấu hiệu hồi phục là do sự lan tỏa của dịch bệnh ở Hàn Quốc cho thấy Covid-19 đã bước sang giai đoạn 2 là bùng phát bên ngoài Trung Quốc.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, tác động của dịch bệnh tại Trung Quốc lên nền kinh tế nước này cũng như toàn cầu đã được thấy phần nào và giờ đây nếu tiếp tục lan rộng ra thế giới thì ảnh hưởng tới vĩ mô toàn cầu là rất lớn.
VN-Index giảm mạnh. |
Như vậy, sau khi hồ hởi tăng đầu năm mới nhờ dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài đổ vào TTCK với VN-Index tăng mạnh lên ngưỡng 990 điểm, thị trường chứng kiến áp lực lớn từ Covid-19, làm đảo lộn mọi tính toán của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Theo ông Minh Tuấn, khối ngoại trở lại bán ròng sau tết là do lo ngại về sự bùng phát của virus corona, trong đó bán ròng tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, MSN, VNM, NVL... và chủ yếu đến từ các quỹ chỉ số.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý khối ngoại bán ròng nhưng không có nghĩa là dòng vốn đang tháo chạy khỏi Việt Nam. Thay vào đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang tiến hành tái cơ cấu danh mục theo hướng phòng thủ và tăng lượng tiền mặt trong lúc khó khăn. Ngoài lý do tái cơ cấu danh mục, các quỹ còn đang tiến hành tái định giá lại và điều chỉnh lại danh mục. Chẳng hạn như các quỹ đánh giá lại sau thương vụ sáp nhập Vincommerce và Vineco vào Masan và bản thân VIC cũng trải qua các đợt tái cơ cấu lớn.
Cơ hội lớn về dài hạn
Về tác động của virus corona, ông Tuấn cho rằng sự bùng phát của virus mới đang tác động xấu đến nhiều ngành nghề như ngành hàng không, bất động sản, du lịch và khách sạn, F&B (Food&Beverage).
Trong lĩnh vực hàng không, theo ước tính của tổ chức Hiệp hội Hàng không Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), ngành hàng không thế giới có thể tổn thất 29 tỷ USD. Trong khi đó, tại Việt Nam, Vietnam Airlines cho biết mỗi tuần hãng hàng không này thiệt hại khoảng 250 tỷ đồng doanh thu.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, hàng không không phải là ngành bị tác động nhất mà là ngành F&B, điển hình là Sabeco. Vừa “choáng váng” trước nghị định 100 về quy định uống rượu bia, nay Sabeco lại hứng chịu thêm cú sốc từ dịch Covid-19. Việc bị ép chặt giữa hai gọng kìm này khiến doanh thu và cổ phiếu Sabeco lao dốc mạnh trong thời gian vừa qua.
Dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng trên thế giới, gây lo lắng cho giới đầu tư. |
Dù vậy, ở chiều ngược lại, theo ông Tuấn, nhìn xa hơn Việt Nam có nhiều cơ hội hơn là thiệt hại từ coronavirus, nhất là cơ hội đầu tư xuất hiện tại những ngành, những doanh nghiệp có triển vọng phục hồi.
Theo đó, trong những giai đoạn khó khăn như thế này, Chính phủ thường sử dụng tới công cụ chính sách tài khóa để đầu tư vào những ngành cần vốn lớn, cần năng lực điều tiết của Chính phủ và thường những ngành được đầu tư nhiều nhất là cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, nếu kiểm soát dịch bệnh tốt như hiện tại, Việt Nam có thể nhân cơ hội này để trở thành trung tâm du lịch ở Đông Nam Á.
Không những thế, trong bối cảnh tình trạng sản xuất tại Trung Quốc ngưng trệ vì dịch virus corona, Việt Nam sẽ là địa điểm đến tin cậy của các dòng vốn tìm kiếm nơi sản xuất thay thế. Ngành được hưởng lợi sẽ là bất động sản khu công nghiệp và bất động văn phòng cho thuê.
Theo CTCK Bảo Việt (BVS), trong tuần mới dự báo thị trường sẽ điều chỉnh vào đầu tuần trước khi hồi phục trở lại về cuối tuần. Về tổng thể, VN-Index vẫn sẽ dao động trong kênh giá đi ngang được giới hạn bởi cận dưới 920-925 điểm và cận trên 940-943 điểm trong ngắn hạn.
BVS cho rằng chỉ số có thể cần thêm thời gian tích lũy trước khi bứt phá qua cận trên của kênh giá này và bước vào nhịp tăng điểm mới trong ngắn hạn. Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là áp lực bán ròng của khối ngoại chưa có dấu hiệu dừng lại. Thêm vào đó, trong tuần 24-28/2, thị trường chung và nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ bị biến động mạnh về cuối tuần do hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số của MSCI Frontier Market.
Còn theo TVSI, rủi ro giảm sâu của thị trường chứng khoán vẫn chưa quá lớn. Dao động giằng co dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong những phiên tới kể từ 24/02.
M. Hà