Sự đầu tư cho tuyến đầu đúng đắn hoàn toàn giảm áp lực cho các tuyến sau, đồng thời giúp cho người bệnh sử dụng tốt nhất quyền lợi bảo hiểm y tế. Đó là giải pháp giảm tải bền vững.  

LTS: Sau những bất cập của ngành y luôn khiến người dân không hài lòng, dư luận giờ đây lại nóng rẫy sau vụ việc em Lê Thị Hà Vi (16 tuổi, ở xã Ea B'hốk, huyện Cư Kuin, học sinh lớp 10 Trường THPT Y Jút) phải cưa chân do hoại tử bởi sự yếu kém, tắc trách của một số y bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk).

Trước đó dư luận được phen hồ hởi khi một lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh “xin dự họp” với ngành y tế- một ngành có tác động xã hội cực lớn và luôn bị dư luận càm ràm về chất lượng dịch vụ. Các hội nghị mà lãnh đạo thành phố tham dự có liên quan đến mô hình bác sĩ gia đình, các cơ sở y tế từ bệnh viện Chấn thương chỉnh hình hay trạm y tế phường trong một buổi sáng. Tiêu điểm của các hoạt động này là tìm phương án giảm tải cho bệnh viện.

“Đưa nước về chỗ trũng”

Chỉ trước đó 03 ngày, tại một hội nghị của Bộ Y tế cũng đưa ra 08 nhóm giải pháp giảm tải bệnh viện. Nhưng nếu đọc kỹ, sẽ không thấy gì mới, và cũng chẳng có điểm nhấn, với vô số những chỉ đạo chung và quen thuộc như “tăng cường”, “củng cố và hoàn thiên”, “đẩy mạnh và nâng cao toàn diện”.

Trước tiên, là việc đầu tư nâng cấp, mở rộng các bệnh viện tuyến cao nhất, nhất là một số chuyên khoa ung bướu, chấn thương, sản nhi, tim mạch. Nhưng đây là một sai lầm cơ bản theo kiểu vá lỗ thủng và “đưa nước về chỗ trũng”. Việc tập trung đầu tư cho các bệnh viện tuyến cuối chỉ có thể giải quyết rất ngắn hạn theo kiểu 06 tháng, 01 năm, và hiệu quả cũng chỉ tương tự như kê thêm giường.

{keywords}
Dư luận giờ đây lại nóng rẫy sau vụ việc em Lê Thị Hà Vi (16 tuổi, ở xã Ea B'hốk, huyện Cư Kuin, học sinh lớp 10 Trường THPT Y Jút) phải cưa chân do hoại tử bởi sự yếu kém, tắc trách của một số y bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk). Ảnh minh họa: baogiaothong

Việc tập trung đầu tư này, thực chất sẽ tạo thêm thương hiệu cho cơ sở, tăng số lượng bác sĩ và nhân viên y tế, tăng kỹ thuật và trang thiết bị và sẽ tiếp tục kéo bệnh nhân về tuyến này, khiến cho quá tải còn trầm trọng thêm.

Trong một nghiên cứu về làm mẹ an toàn của Quỹ dân số liên hợp quốc UNFPA và Quỹ nhi đồng liên hợp quốc UNICEF phối hợp với Bộ Y tế năm 2014, những tác giả của nghiên cứu đã khuyến nghị rằng, mọi đầu tư y tế hiện tại phải tập trung cho tuyến xã và tuyến huyện, nhất là tuyến xã, nơi gánh những khó khăn nhất cho y tế và cũng là nơi tiếp cận bệnh nhân đầu tiên, nhất là những bệnh nhân nghèo.

Chính tuyến xã mới là nơi thiếu thốn về nhân lực (chỉ 60% trạm y tế xã có bác sĩ), trang thiết bị và thuốc thiết yếu, và cơ sở hạ tầng yếu kém. Cách tốt nhất để giữ chân các nhân lực tại tuyến xã, và cả tuyến huyện là chế độ đãi ngộ ngang bằng hoặc hơn tuyến trên, và thông qua đào tạo để bảo đảm trình độ cho bệnh nhân có thể tin tưởng không vượt tuyến. Sự đầu tư cho tuyến đầu đúng đắn hoàn toàn giảm áp lực cho các tuyến sau, đồng thời giúp cho người bệnh sử dụng tốt nhất quyền lợi bảo hiểm y tế. Đó là giải pháp giảm tải bền vững.

Còn lại, tất cả các bệnh viện công lập đã được xếp hạng 01 trở lên thuộc tuyến tỉnh và tuyến trung ương của Việt Nam cần phải tự vận động và tự chịu trách nhiệm toàn diện về tài chính và vận hành. Hãy để chúng tự sống. Các cơ sở y tế này thừa khả năng tìm nguồn đầu tư phát triển hợp lý về cả trang thiết bị và nhân lực, quyết định nâng cấp hay mở rộng.

Việc tiếp theo là cổ phần hóa các cơ sở y tế này.

Song song với cổ phần hóa là tạo điều kiện bình đẳng cạnh tranh cho y tế tư nhân phát triển trong một hành lang pháp lý chặt chẽ, với sự kiểm soát chất lượng và hoạt động thu chi chứ không phải hoàn toàn thả nổi như hiện nay. Sự phát triển lành mạnh của y tế tư nhân, một phần quan trọng được kiểm soát bởi bảo hiểm y tế, là góp phần giảm tải cho hệ thống y tế công.

Giảm tải thế nào?

Một giải pháp được Bộ Y tế cũng như ông Thăng kỳ vọng, đó là sự phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Mô hình này phát triển rất tốt tại các quốc gia Âu Mỹ, bởi các đặc thù riêng về văn hóa và đào tạo nghề y. Tuy nhiên, với Việt Nam, đây là một giải pháp rất lâu dài, hãy tính đến những gì chúng ta đang có.

Điểm sáng lớn nhất của y tế Việt Nam hiện tại lại là một di sản được để lại từ rất nhiều năm. Đó là cấu trúc mạng lưới chăm sóc sức khỏe. Đặc thù của cấu trúc này là hệ thống y tế công được phân cấp theo quản lý‎ hành chính từ trung ương đến địa phương. Tuyến xã có trạm y tế xã, tuyến huyện có các trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện, và trung tâm y tế dự phòng.

Tuyến tỉnh có bệnh viện đa khoa một số bệnh viện chuyên khoa và nhiều trung tâm, tuyến trung ương có các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa. Ngoài ra còn có các bệnh viện vùng và khu vực. Ngay cả những nước đang phát triển như Malaysia, hay đã phát triển như Mỹ, Canada cũng không có được cấu trúc này, đặc biệt là tuyến xã. Đó chính là điều duy nhất mà các chuyên gia y tế nước ngoài học được từ Việt Nam.

Một khi hoạt động tốt, cấu trúc này còn vượt xa mô hình bác sĩ gia đình. Hơn thế nữa, cấu trúc này tại Việt Nam lại được tăng cường mạnh hơn rõ rệt bởi mạng lưới cộng tác viên y tế, dân số, và y tế thôn bản phủ khắp mọi khu vực, kể cả vùng sâu vùng xa.

Một số nghiên cứu gần đây tại hệ thống y tế cơ sở, được tài trợ bởi Atlantic Philanthropies, Quỹ dân số Liên hiệp quốc… cho thấy những điểm tốt nhất của y tế cơ sở là chất lượng khám phát hiện bệnh ban đầu với các bệnh thông thường, thái độ phục vụ tại tuyến y tế cơ sở, và việc triển khai các chương trình y tế mang tính dự phòng như tiêm chủng mở rộng, chăm sóc ban đầu sức khỏe BMTE/KHHGD, và phát hiện dịch.

Bài viết này chỉ muốn tập trung vào một giải pháp, đã có sẵn nền tảng, đó là dồn các nỗ lực cho tuyến thấp nhất là xã và huyện. Điều quan trọng là nó sát thực tế, rõ ràng và kết quả có thể đo lường chính xác, hơn là việc “thấy gì làm nấy”.

Nguyễn Công Nghĩa, TS, BS, đại học Waterloo, Ontario, Canada

--------

BÀI LIÊN QUAN:

* Mẹ nữ sinh bị cưa chân: “Con tôi mơ ước làm công an”
* Tạm đình chỉ bác sĩ tắc trách khiến thiếu nữ bị cưa chân