Ảnh hưởng từ các đập thủy điện thuộc lưu vực sông Lan Thương đến nguồn nước đổ về ĐBSCL của Việt Nam là có, nhưng không đủ để có thể cứu hạn cho khu vực này.

Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại ĐBSCL và khu vực lân cận đang trở nên thực sự nghiêm trọng.  Chính phủ Việt Nam đã chính thức coi hiện tượng này là “thiên tai”, đồng thời kêu gọi hỗ trợ nhân đạo từ cộng đồng quốc tế.

Có thể thấy, bên cạnh các tác động do mực nước biển dâng (triều cường, biến đổi khí hậu) cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan trong khu vực (EL NINO) thì lưu lượng dòng chảy thấp một cách bất thường của sông Mekong trong thời gian vừa qua là một trong những nguyên nhân then chốt khiến cho tình trạng xâm nhập mặn đang trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo số liệu quan trắc của Ủy hội sông Mekong (MRC) trong vài tháng qua, dòng chảy từ thượng lưu về phía hạ nguồn (quan trắc tại Kratie, Campuchia) bị giảm 43%. Trong khi đó nguồn nước từ biển hồ Tonle Sap (vốn đóng góp 23 đến 30% lượng nước cho khu vực hạ lưu vào mùa khô) trong thời gian qua gần như không đáng kể.Sự bất thường này dường như chưa có lời giải thấu đáo

Bên cạnh các nguyên n.hân khách quan do thời tiết như lượng mưa thấp và quá trình bốc hơi nước tăng cao, việc thiếu hụt gần ½ lượng nước từ khu vực thượng lưu, nơi có hàng chục con đập đã được xây dựng trên dòng nhánh sông Mekong trong lãnh thổ Lào và Việt Nam (khu vực Tây Nguyên – 3S) cùng các công trình “chuyển nước” của Thái Lan cần được nghiên cứu chi tiết và rõ ràng hơn.

{keywords}

Lúa chết trên cánh đồng ngập mặn. Ảnh: Đinh Tuấn

Như vậy, nếu như việc mất đi gần 50% lượng nước từ thượng lưu không chỉ là do thời tiết thì câu chuyện hạn hán sẽ không chỉ là của năm nay hay là của riêng ĐBSCL mà đó là vấn đề mang tính khu vực.

Hiện tại trên khu vực thượng lưu của Mekong,Trung Quốc đang có ké hoạch xây 20 đập. Họ đã hoàn thành 5 và đang triển khai xây 3 công trình trong kế hoạch khai thác nguồn thủy năng trên các bậc thang trên sông Lan Thương. Ngoài nhiều đập thủy điện đã được xây lắp và vận hành trên các dòng nhánh, một số nước khác trong khu vực cũng đang cấp tập đưa vào sử dụng, và xây dựng thêm một số hệ thống đập lớn trên dòng chính của dòng sông quan trọng này.

Với 13% tổng lượng nước đóng góp cho dòng chảy Mekong trong mùa mưa và 16% trong mùa khô, có thể nói sự ảnh hưởng của các đập thủy điện thuộc lưu vực sông Lan Thương đến nguồn nước đổ về ĐBSCL của Việt Nam là có nhưng không thực sự mang tính ý nghĩa để có thể cứu hạn cho khu vực này.

Nếu chúng ta chưa thực sự có thể tính toán được một cách tương đối rõ ràng nhu cầu nước ngọt để cứu hạn cho ĐBSCL là bao nhiêu triệu m3, khả năng thất thoát nước do bốc hơi và thẩm thấu trên đường đi khoảng 4000 km cùng các nguy cơ thất thoát khác do nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của các cộng đồng ven sông thì rất khó đánh giá một cách đầy đủ hiệu quả và sự phù hợp từ chương trình xả nước các hồ đập của TQ để chống hạn cho hạ lưu tại Việt Nam.

Thất bại của MRC trong việc trì hoãn xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính Mekong đang minh chứng rõ ràng rằng cam kết bảo vệ và quản lý bền vững tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của sông Mẹ vĩ đại đã và đang chỉ dừng lại trên văn bản. Không tính TQ và Myanmar – hai đối tác đối thoại của Ủy hội Sông Mekong, thì các thành viên chính thức của Hiệp ước Mekong 1995, có quốc gia vẫn đang âm thầm khai thác dòng sông này theo cách mà họ muốn – vốn dựa trên lợi ích quốc gia của mỗi thành viên.

Điều này cho thấy, trong tương lại gần, Việt Nam sẽ vẫn khó đạt được mục tiêu của mình liên quan đến quản lý và chia sẻ nguồn nước từ sông Mekong một cách công bằng và hài hòa. Trước mắt chúng ta vẫn phải trông chờ vào tự nhiên và tham vọng của các nước trên thượng nguồn.

Trong quá trình dự thảo Chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai hơn mười năm về trước, một lãnh đạo cấp Cục, Bộ NN & PTNT đã chia sẻ với chúng tôi: “giải pháp sống chung với lũ, nghe thì có vẻ hay và độc đáo, nhưng đây không thực sự là lời giải mang tính dài hạn cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong tương lai không xa, cái mà chúng ta quan ngại không phải là lũ – thừa nước, mà chính là thiếu nước và xâm nhập mặn tại khu vực này”.

Một trong các giải pháp cho vấn đề này đó chính là tìm kiếm và lựa chọn các biện pháp thích nghi thay cho cách làm hiện nay. Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước hiện tại đang cổ súy thay đổi mô hình canh tác cho phù hợp với bối cảnh mới; trong số đó có ý kiến cho rằng ĐBSC không nhất thiết cứ phải trồng lúa nước mà có thể chuyển dịch sang nuôi trồng thủy sản và,v.v.. Tuy không phản đối những gợi ý rất đáng xem xét này, tôi cho rằng với cơ cấu kinh tế như hiện nay, Việt Nam vẫn cần duy trì vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 90 triệu người dân và thu về một nguồn ngoại tệ ổn định từ xuất khẩu gạo.

Phương châm sống chung với hiểm họa chỉ thực sự có ý nghĩa một khi chúng ta tăng cường và thúc đẩy năng lực quản lý ở các cấp, ngành khác nhau, từ công tác quy hoạch sử dụng đất, đầu tư cơ sở hạ tầng thoát lũ, chống hạn, ngăn mặn... đến công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và giám sát sông ngoài một cách đồng bộ cùng sự tham gia chủ động và trách nhiệm của các ban ngành liên quan.

Con số 700 tỷ đồng của Chính phủ và sự vào cuộc của cộng đồng quốc tế lần này có lẽ sẽ giúp ích phần nào để người dân vùng ĐBSCL vượt qua được những khó khăn mà họ đang gặp phải. Những giọt nước từ các đập thủy điện của TQ có thể sẽ giúp những đàn gia súc được hồi sinh vì khỏi khát, nhưng như vậy là chưa đủ để chúng ta có được một tương lại phát triển ổn định cho khu vực này.

Là một nước cũng chia sẻ dòng Mekong, lại là nước ở cuối nguồn, có lẽ chúng ta cần những tiếng nói mạnh mẽ và nhất quán hơn để trong tương lai nguồn nước chảy vào ĐBSCL thuận theo tự nhiên và tuân theo các thủ tục quản lý bền vững tài nguyên nước trong khu vực chứ không phải do kết quả từ công hàm của trung ương.

Trần Văn Tuấn