Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục chương trình đầu tư tại Quyết định số 956/QĐ-TTg, ngày 30/5/2016.
Chương trình nhằm phát triển các trường đại học sư phạm được lựa chọn và cơ quan quản lý giáo dục để tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, thông qua phát triển nghề nghiệp theo nhu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, khi triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, một trong các yếu tố quyết định sự thành công đó là đội ngũ thầy cô.
“Đây là lực lượng thực thi trực tiếp và quyết định sự thành công, chứ không phải là những nhà quản lý”.
Theo ông Minh, trên bình diện chung, ETEP đã tạo được 3 điểm nhấn cần lưu ý.
Thứ nhất, việc vận hành của ETEP đã có tác động quan trọng đến các trường sư phạm theo hướng tích cực, nhất là tính kế hoạch, tính hệ thống trên các mặt từ quản trị hệ thống, đảm bảo chất lượng, chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, hợp tác vùng, địa phương, chiến lược nguồn nhân lực cho đến hỗ trợ đội ngũ giảng viên, người học và cựu người học.
“Tôi cho rằng đây là một điểm rất tích cực. Chúng ta đã tạo nên một sự kết nối giữa các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục với các Sở GD-ĐT. Ở đây không phải kết nối một cách hành chính mà kết nối qua chính module, tác động đến từng thầy cô.
Đối với các trường, trên cơ sở làm việc có kế hoạch, tạo ra được những cách thức quản trị chứ không còn là quản lý thuần túy”.
Thứ hai, tham gia chương trình ETEP, các giảng viên của các trường đã có những thay đổi đáng khích lệ.
“Chúng ta biết rằng, ngay giảng viên của các trường sư phạm cũng ít quan tâm đến giáo dục phổ thông. Chúng ta thấy điều này rất rõ. Qua ETEP, mọi giảng viên trong các trường sư phạm phải tìm hiểu chương trình phổ thông, phải kết nối giữa chương trình đào tạo đại học và chương trình phổ thông và tạo ra sự cộng hưởng trong quá trình áp dụng. Đây là tác dụng tích cực mà tôi cho là cần thiết. Bởi khi nhận thức của đội ngũ giảng viên chưa “chín” thì chúng ta rất khó để làm công tác bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên”, ông Minh nói và cho rằng, ETEP đã phần nào giúp thực hiện việc này.
Thứ ba, đối với các thầy cô ở các cơ sở giáo dục, nhất là các trường phổ thông, chương trình này đã tạo nên những nhận thức cơ bản trong cách dạy, học, kiểm tra đánh giá; dù phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, chưa đạt đến những điều mà chúng ta kỳ vọng.
Từ đó, cũng giúp cho đội ngũ quản lý biết cách để vận hành theo cách thức mới.
Theo ông Minh, những tác động này có thể giúp việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới tốt hơn.
Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng, với thời gian rất ngắn theo kế hoạch của Ngân hàng Thế giới thì “độ thấm” của chương trình vẫn ở mức độ “ban đầu”.
Do đó, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bảy tỏ mong muốn Bộ GD-ĐT phải thường xuyên liên hệ các địa phương, cùng các trường sư phạm để triển khai thường xuyên.
Thanh Hùng