Khi đã yếu thì cũng chẳng thể “máu lửa”, cơ hội đến cũng thấy không cần thiết. Tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu cũng chỉ làm được những khâu đơn giản như bao bì, dây điện...
Đã yếu lại không “máu lửa”
Số liệu của Bộ Công Thương, công bố tại Hội thảo “Tăng trưởng bền vững xuất khẩu sản phẩm công nghiệp” ngày 5/11, cho thấy, Việt Nam có 9 ngành công nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu lớn gồm dệt may, da giầy, gỗ, điện thoại, thiết bị điện tử, máy tính, máy móc, thiết bị, dây và cáp điện, phương tiện vận tải và linh kiện,...
Tuy nhiên, đóng góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu của các ngành này lại thuộc về các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trong số này, dệt may là ngành có lợi thế nhất thì 25% doanh nghiệp FDI đã chiếm tới 60% kim ngạch xuất khẩu. Với các ngành khác như điện tử, máy tính, điện thoại, linh kiện,... hầu như không có DN Việt Nam nào xuất khẩu được.
Cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích các DN tự sản xuất nguyên liệu đầu vào (ảnh minh họa) |
Điều này chứng tỏ năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của các DN Việt rất yếu. Chúng ta đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, sản phẩm công nghiệp sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các nước có lợi thế cạnh tranh vượt trội.
Ông Bùi Việt Quang, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May Sông Hồng (Nam Định) cho hay, khó nhất là chi phí đầu vào hiện tăng quá cao. Đặc biệt, lương tối thiểu dự kiến sẽ tăng 16% vào đầu năm 2016 càng làm DN thêm khó.
“Để tuyển dụng và giữ chân công nhân, chúng tôi thường phải trả lương trung bình cao gấp đôi mức lương tối thiểu. Song, với đề xuất tăng lương tối thiểu, các khoản đóng kèm như bảo hiểm xã hội cũng tăng khiến chi phí đầu vào đội lên. DN khó cạnh tranh dẫn đến mất đơn hàng, giảm sút lợi nhuận, qua đó không có khả năng tập trung tái đầu tư để phát triển mở rộng sản xuất và kinh doanh, bỏ lỡ những cơ hội lớn mà TPP sẽ mang lại”.
Cũng nói về chi phí đầu vào cao, ông Nguyễn Đức Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Thống Nhất, lại đưa ra những bằng chứng khác. Đó là nguyên liệu cơ bản đầu vào phải nhập khẩu, có giá thành cao, dẫn đến giảm tính cạnh tranh. Cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích các DN tự sản xuất nguyên liệu đầu vào, ông Hồng nói.
Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, muốn đẩy mạnh xuất khẩu các DN phải tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng với hơn 90% DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, đầu tư nước ngoài vào nhiều vì vậy đã không tạo ra chuỗi sản xuất tại Việt Nam.
Các DN nhỏ của Việt Nam yếu đủ thứ. Yếu về vốn, về con người và về công nghệ. Vì vậy, có tham gia vào chuỗi sản xuất thì cũng chỉ làm được những khâu đơn giản như bao bì, dây điện,... với giá trị gia tăng thấp. Khi DN đã yếu thì cũng chẳng thể “máu lửa” nên cơ hội đến cũng thấy không cần thiết, TS. Trần Đình Thiên nhận định.
Thiếu môi trường lành mạnh
DN xuất khẩu là đội ngũ tiên phong của sản xuất nội địa, nhưng các phân tích cho thấy, trong 4 động lực tăng trưởng của Việt Nam gồm DNNN, tư nhân, NN-PTNT và FDI, chỉ có doanh nghiệp FDI tăng trưởng còn 3 động lực kia nằm im.
Vấn đề đặt ra cần phải đẩy mạnh cải cách thể chế qua đó tạo môi trường lành mạnh giúp DN tăng năng lực cạnh tranh. |
Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng khả năng tự thân vận động của DN Việt rất tốt. Nếu có không gian cạnh tranh lành mạnh và điều kiện vĩ mô thuận lợi hỗ trợ, các DN Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng quyền biến để làm nên những điều thần kỳ, chứ không chỉ kiếm ăn ngắn hạn như hiện nay.
Vấn đề chính ở đây là cơ cấu kinh tế méo mó đã không khuyến khích sản xuất trong nước, nên cũng không thể khuyến khích xuất khẩu. Nền kinh tế hiện nay của ta được thiết kế theo hướng khuyến khích nhập khẩu đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu, chứ không khuyến khích sản xuất đầu vào, TS. Thiên phân tích.
Ông Thiên ví dụ, do khuyến khích nhập khẩu đầu vào nên chúng ta rất khó khăn khi nới tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu. Bởi, nới tỷ giá ngay lập tức lại hứng đòn “mã hồi” với đầu vào nhập khẩu, cũng như vay nợ nước ngoài.
Muốn đẩy mạnh sản xuất đầu vào để xuất khẩu thì cần khuyến công nghiệp hỗ trợ. Song, đến nay công nghiệp hỗ trợ rất yếu kém và Bộ Công Thương làm mãi vẫn chưa xong.
Gần 30 năm đổi mới kinh tế nhưng Việt Nam vẫn không tạo ra được môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch. Yếu tố độc quyền, đặc quyền đã kéo các nguồn lực đi sai lệch. Giá cả nhiều sản phẩm thiết yếu, đầu vào không theo quy luật thị trường, mà mang tính hành chính.
Chính vì vậy, thu nhập bình quân đầu người chỉ tăng 1.800 USD (từ 200 lên 2.000 USD). So với các quốc gia khác, khoảng cách về năng lực không đạt được là rất lớn. Trong khi đó, ngân sách đang cạn kiệt, đổi mới cơ chế chưa cải thiện nhiều, điều kiện nền tảng hỗ trợ các DN giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh không có nhiều, tiếng nói của DN chưa được chú ý đúng mức .
Vì vậy, vấn đề đặt ra cần phải đẩy mạnh cải cách qua đó tạo môi trường lành mạnh giúp DN tăng năng lực cạnh tranh.
Trần Thủy