Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với ĐBQH Lê Thanh Vân về tình hình kinh tế và tinh thần “không dám làm” của một số cán bộ, công chức hiện nay.

Khoan thư sức dân

Hiện nay có nhiều chuyên gia đánh giá khu vực sản xuất thực trong nước đang gặp khó khăn, mỗi tháng có 20 nghìn doanh nghiệp rút lui, họ thiếu đơn hàng, thiếu thanh khoản trong khi tiếp cận vốn cực kỳ khó khăn, lãi suất lại rất cao và sức mua của dân đang eo hẹp lại. Quan điểm của ông như thế nào?

Nhận định trên mới chỉ là một phần của doanh nghiệp, tôi biết nhiều câu chuyện rất cụ thể, đa dạng. Quan điểm của tôi là phải thực sự vun đắp, bảo vệ lực lượng doanh nghiệp dân tộc vì họ là lực lượng chủ đạo xây dựng, phát triển kinh tế. Họ đóng thuế cho Nhà nước, họ tạo công ăn việc làm cho dân.

Vấn đề số một là phải bảo vệ, phát triển được nền sản xuất trong nước, thúc đẩy nền sản xuất thực. Muốn vậy, cần khoan thư sức dân, sức doanh nghiệp càng sớm càng tốt và phải giải phóng nguồn lực của dân.

Vậy để khoan sức dân thì Nhà nước nên làm gì và có thể làm gì?

Đầu tiên là chính sách tài khoá. Cần sớm có chính sách miễn, hoãn, giãn, giảm thuế cho các doanh nghiệp để họ có nguồn lực để duy trì sản xuất, kinh doanh, cũng như kích thích tiêu dùng trong dân.

Thứ hai là chính sách tiền tệ. Cần hạ lãi suất cho vay càng sớm càng tốt và quan trọng hơn, cần đảm bảo tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, hay nói cách khác, đảm bảo thanh khoản cho họ. Không có thanh khoản thì doanh nghiệp sao sống được!

ĐBQH Lê Thanh Vân: Cần khoan thư sức dân, sức doanh nghiệp càng sớm càng tốt và phải giải phóng nguồn lực của dân.

Hiện nay có quá nhiều thủ tục, hồ sơ, quy trình… mà họ phải vượt qua để vay vốn ngân hàng. Cần rút gọn lại để doanh nghiệp tiếp cận được vốn, còn nếu không, có hạ lãi suất cũng không mấy tác dụng, rồi tất cả lâm vào tình trạng “mỡ treo mèo nhịn đói”.

Thứ ba, giảm việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cũng như việc xử lí các vụ vi phạm của doanh nghiệp cần hạn chế lại. Doanh nghiệp đang hoạt động bình thường thì không nên thanh kiểm tra dày đặc.

Việc này cần phải giám sát. Quốc hội phải giám sát các đoàn thanh tra, kiểm tra một cách mạnh mẽ và sâu sát hơn, xem việc đó có cần thiết hay không, mục đích có trong sáng không.

Rồi có chuyện phiền nhiễu từ các bộ phận cơ sở nữa. Dịp lễ, tết họ đến “hỏi thăm” doanh nghiệp rất nhiều.

Đặc biệt, tôi cũng muốn nêu việc xử lý các vi phạm của doanh nhân. Quan điểm của tôi ngay từ đầu là nếu doanh nghiệp sai nhưng biết ăn năn, biết khắc phục hậu quả thì cần tạo cơ hội cho họ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói, nếu người vi phạm biết ăn năn, hối cải, khắc phục hậu quả thì cần khoan hồng cho họ. Vấn đề là đến nay chưa được thể chế bằng quy định cụ thể. Trừ những loại tội phạm kinh tế liên quan đến an ninh quốc gia, phá huỷ nền tảng kinh tế xã hội, còn lại những vi phạm thông thường, hay vi phạm do lỗi của chính sách cần khoan dung cho doanh nghiệp.

Hiện nay chúng ta đang trong ngưỡng cửa của suy giảm kinh tế nên càng cần những chính sách kịp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp để cùng vượt qua tình thế này.

Quy trách nhiệm việc cài cắm chính sách để trục lợi

Tại phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 10/5 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo kiểm tra làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, người đứng đầu trong xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật có nhiều sơ hở, bất cập để tổ chức, cá nhân lợi dụng trục lợi; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không để cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong ban hành chính sách, pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội. Ông nhận xét thế nào về chỉ đạo của Tổng Bí thư?

Trong bài phát biểu chống tham nhũng vừa rồi, Tổng Bí thư nhấn mạnh ý không được cài cắm chính sách là rất chính xác, được nhiều người ủng hộ. Tổng Bí thư rất nắm rõ tình hình tham nhũng trong chính sách. Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, thậm chí quy trách nhiệm cá nhân ai là người cài cắm chính sách, tạo căn cứ pháp luật để họ làm những điều sai trái, có hại cho dân, doanh nghiệp.

Về vấn đề này tôi cũng nói nhiều rồi. Cho nên phải triển khai công tác giám sát toàn bộ quá trình làm chính sách, làm luật.

Có những hành vi luật quy định nhưng trên thực tế cán bộ không tuân thủ. Ví dụ, họ vi phạm chế độ làm việc tập thể; có những quyết định đưa ra nhân danh cơ quan nhưng không đáp ứng nguyên tắc tập trung dân chủ; có những lúc thiểu số chi phối đa số để ra chính sách, quyết định tập thể. Chính sách đúng hay sai đều do quy trình làm.

Cần những chính sách kịp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp để cùng vượt qua tình thế khó khăn. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tôi xin lấy một ví dụ khác. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa rồi cho biết, có hàng nghìn giấy phép con được ban hành thời gian qua, cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Hàng ngàn giấy phép con đó ở đâu ra? Nó trong những quy định không rõ của luật, của nghị định, thậm chí của thông tư. Họ cài cắm những điều kiện kinh doanh, quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành để tạo thêm thủ tục hành chính, tạo giấy phép để hành dân và doanh nghiệp từ đó trục lợi.

Đừng đổ lỗi cho quy trình, thủ tục

Thưa ông, một trong những vấn đề lớn đáng quan tâm hiện nay là tinh thần làm việc của cán bộ, công chức mà nhiều nơi đã đề cập?

Lãnh đạo như đầu máy, còn cán bộ, công chức như thanh truyền trục khuỷu trong động cơ; chỗ nào trục trặc là cỗ máy kinh tế trục trặc theo ngay.

Luật pháp đã quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho cán bộ mà họ không làm thì đó là lỗi của họ. Công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của họ mà họ không làm, không giải quyết là sợ trách nhiệm, thậm chí là vô trách nhiệm.

Ví dụ, một người cảnh sát giao thông làm ngơ, không can thiệp vào trật tự giao thông trong ca trực của mình, dẫn đến tai nạn giao thông, thì hành vi đó là vi phạm, là vô trách nhiệm. Hay, một bác sĩ lại không cứu bệnh nhân trong ca trực, dân đến hệ lụy xấu cho bệnh nhân, thì đó là hành vi vi phạm. Logic đó áp dụng trong vận hành bộ máy.

Người làm lãnh đạo, quản lí mà không làm gì cũng tương tự như những trường hợp nêu trên. Nhưng hậu quả của hành vi của họ là nặng hơn rất nhiều, làm cho cả bộ máy trì trệ, thậm chí tê liệt, gây thiệt hại lớn cho xã hội.

Ví dụ, có những ngành, hay địa phương mới chỉ giải ngân được 6% - 7% vốn đầu tư công vì họ thủ thế, không làm gì. Đừng đổ lỗi cho thủ tục, quy trình nọ kia vì khi lập dự toán, dự án đã tính toán hết rồi. Lẽ ra, vốn đầu tư công được giải ngân sớm sẽ giúp tạo ra giá trị sớm cho phát triển, cho cộng đồng, tạo công ăn việc làm, tạo hợp đồng cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế đất nước đang khó khăn lúc này.

Ở nhiều địa phương có tình trạng các dự án bất động sản đang mong giải phóng thủ tục hành chính, kể cả thanh tra kiểm tra cho nhanh, nhưng cán bộ không làm gì, ngồi im và đổ lỗi. Hành vi, thái độ đó cũng tác động xấu đến thị trường bất động sản.

Vì thế, trách nhiệm cá nhân rất quan trọng. Nếu họ không thực hiện vai trò, trách nhiệm để lại hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lí, thậm chí là thay thế.

Tính thích ứng của hệ thống chưa cao

Trước tình hình đó, Thủ tướng đã chỉ đạo rất sát sao để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực như lập các tổ công tác đến các địa phương; hay ban hành nhiều công điện; đi thực tế khắp các địa phương... Là một đại biểu Quốc hội, ông nhìn nhận ra sao về điều này?

Thủ tướng rất xông xáo, ông đi đến nhiều tỉnh, thành để xử lý, đôn đốc nhiều việc; giải quyết nhiều vấn đề trong những lĩnh vực nổi cộm như y tế, giao thông; xử lý vướng mắc cho nhiều lĩnh vực gặp khó như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... Vì sao Thủ tướng xông pha nhưng chuyển biến của các bộ ngành, địa phương lại chậm? Rõ ràng, sự cộng hưởng của bộ, ngành, địa phương còn hạn chế; tính thích ứng hệ thống chưa cao. Rõ ràng, điều này liên quan đến cán bộ và công tác cán bộ.

Ảnh minh hoạ

Bên cạnh nhiều cán bộ có hiểu biết, muốn cống hiến và họ vẫn làm, vẫn giải quyết công việc cho dân và doanh nghiệp thì vẫn có nhiều cán bộ không chịu làm.

Có những cán bộ không biết gì mà làm. Có những cán bộ lên chức lại chỉ nhăm nhăm xem những cái nào có lợi cho mình mới làm, bây giờ siết chặt, cái lợi đó không còn nhiều nữa nên không làm. Cũng có những cán bộ có kiến thức nhưng sợ không dám làm.

 Bảo vệ người dám làm vì lợi ích chung

Trong bối cảnh như vậy, theo ông, đâu là giải pháp?

Kết luận 14 năm 2021 của Bộ Chính trị bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là bước đột phá trong đổi mới tư duy về công tác cán bộ. Chính phủ đang thể chế bằng pháp luật.

Tuy nhiên, quy trình hơi chậm nên chưa ban hành được quy định thưởng phạt công minh trong thực hiện chủ trương đó. Ai dám làm vì lợi ích chung, họ phải được bảo vệ.

Tôi cho là cần xem xét ba yếu tố quan trọng. Thứ nhất, mục đích của họ là vì cái chung, hành động trong sáng, không vụ lợi; Thứ hai, hành động của họ không đi ngược lại chủ trương của Đảng, không hại đến lợi ích của nhân dân là được; Thứ ba, lấy kết quả là thực chứng.

Để bảo vệ người dám, nghĩ dám làm, theo tôi, nên hồi tố một số trường hợp. Có những người trong quá khứ đã làm đúng tinh thần Kết luận 14 là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và không có mục đích tư lợi, được việc chung nhưng do quy trình pháp luật không có nên bị kết tội. Thực hiện hồi tố để bảo vệ những người như vậy cũng là phương án rất tốt để mang lại niềm tin, sự cổ vũ trong cán bộ, công chức.

Tư Giang – Lan Anh

Những nỗ lực cải cách từ dưới lênKhi nền kinh tế Việt Nam bắt đầu chậm lại đáng kể từ Quý 3 năm ngoái do nhiều yếu tố, không ít cán bộ điều hành đã rất trăn trở và cố gắng tìm lại những động lực của nó.