Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt dậy sóng với hàng loạt giao dịch bí ẩn và dòng tiền ngàn tỷ. Cơ chế mới với triển vọng sáng sủa đang kéo các đại gia trở lại với cổ phiếu vua một thời.

Dậy sóng

Trong khoảng vài tháng gần đây, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng bất ngờ tăng mạnh sau cả thập kỷ mất bóng ngôi vị “cổ phiếu vua”. Nhiều cổ phiếu tăng giá gấp đôi sau một thời gian ngắn và vượt đỉnh 1 năm, mang lại kỳ vọng rất lớn cho các nhà đầu tư.

Cổ phiếu BID của Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BIDV) lần đầu tiên trong vòng hơn một năm qua vượt lên ngưỡng 20.000 đồng, ghi nhận mức tăng hơn 40% kể từ đầu năm. Cổ phiếu STB của Sacombank tăng nhanh và đang hướng tới ngưỡng 15.000 đồng.

ACB của Ngân hàng Á Châu ghi nhận mức giá cao nhất kể từ 2010, còn CTG của Vietinbank và MBB của Ngân hàng Quân đội cũng lần vượt mốc 20.000 đồng sau nhiều năm. Cổ phiếu có giá duy trì ở mức cao VCB của Vietcombank cũng tăng khá mạnh, mức gần 10%. EIB cũng tăng ở mức tương tự.

{keywords}
Dòng tiền ồ ạt đổ vào cổ phiếu ngân hàng.

Ở nhóm tầm trung, SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội tăng 50%, còn NVB Ngân hàng TMCP Quốc Dân tăng gấp hơn 2 lần lên trên mệnh giá.

Trên thị trường phi tập trung (OTC), nhiều cổ phiếu có mức tăng giá rất ấn tượng. VPBank quay lại thời hoàng kim cách đây 10 năm với giá lên tới 40.000 đồng/cp. Techcombank lên trên 30.000 đồng. LienVietPostBank, HDBank,... cũng đều tăng ấn tượng và đều có giá cao hơn mệnh giá.

Một điểm đáng ghi nhận là hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều đang hấp dẫn thị trường và hút một dòng tiền đổ vào rất mạnh, thanh khoản tăng vọt. Cổ phiếu EIB chứng kiến những phiên giao dịch thỏa thuận quy mô lớn như trong phiên 6-8/6 với 53 triệu cổ phiếu.

Gần đây, nhiều giao dịch kín tiếng và có báo cáo không rõ ràng. Riêng giá trị giao dịch của lô cổ phiếu EIB đã lên tới 700 tỷ đồng. Đến thời điểm này, ai là người đã bỏ ra mua số cổ phiếu này vẫn là điều bí ẩn.

Cũng trong tháng này, ông Phạm Doãn Sơn - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, đã mua thành công 5,18 triệu cổ phiếu theo phương thức mua bán trực tiếp; qua đó, nâng sở hữu lên hơn 5,32 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 0,8% vốn điều lệ LienVietPostBank.

STB gần đây có phiên thỏa thuận lên tới 13,2 triệu đơn vị. Trước đó, ngày 5/6, hơn 25 triệu cổ phiếu STB được thỏa thuận sang tay, với giá trị hơn 300 tỷ đồng. Thông tin ai đứng sau các giao dịch thỏa thuận cũng là ẩn số.

Cuối tuần qua, Techcombank có kế hoạch mua lại lượng lớn cổ phiếu quỹ, hơn 221 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 5 ngàn tỷ đồng, đi cùng với đó là kế hoạch thoái vốn của HSBC.

Dòng tiền bí ẩn, đại gia dồn dập đồn tiền

Hiện tượng dòng tiền ngàn tỷ dồn dập đổ vào các cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là không bất thường. Những chuyển biến trong nội tại các ngân hàng cũng như diễn biến thuận lợi cả về môi trường và chính sách đang mang lại triển vọng tích cực cho "cổ phiếu vua" một thời này.

{keywords}
Đại gia lớn vào cuộc.

Dòng tiền đổ vào cổ phiếu ngân hàng chủ yếu do kỳ vọng về triển vọng tích cực của nhóm cổ phiếu này và những cơ chế chính sách xử lý nợ xấu hợp lý hơn.

Gần đây, một loạt ngân hàng báo lãi lớn. BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế 3,2 ngàn tỷ trong 5 tháng, hoàn thành hơn 40% kế hoạch. Lienvietpostbank lợi nhuận trước thuế đến hết tháng 5 đạt 730 tỷ đồng, sau khi đạt 470 tỷ trong quý 1. Trước đó trong năm 2016 ngân hàng đã có lợi nhuận hơn 1.000 tỷ. Sacombank đạt hơn 400 tỷ đồng, đạt gần 90% kế hoạch. TPBank có lợi nhuận trước thuế đạt 500 tỷ đồng trong 6 tháng, đạt 64% năm. Lienvietpostbank

Ngoài kết quả kinh doanh khá tốt, các NĐT còn kỳ vọng vào cơ chế mới có thể sắp được thông qua. Hiện Quốc hội đang xem xét dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu và Nghị định 61/2017/NĐ-CP về định giá nợ xấu dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7 tới.

Với những cơ chế mới, quá trình tái cơ cấu ngân hàng sẽ được đẩy nhanh, giúp cổ phiếu nhóm này không bị tụt lại đằng sau trong bối cảnh TTCK sôi động trở lại với nhiều nhóm ngành bứt phá mạnh mẽ, như: Bất động sản, vật liệu xây dựng, dược phẩm, hàng tiêu dùng,...

Hướng đi tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II cũng giúp các ngân hàng có quy mô lớn hơn và hấp dẫn hơn. Vietcombank dự kiến tăng vốn lên gần 40 ngàn tỷ đồng, BIDV lên gần 39 ngàn tỷ, CTG hơn 37 ngàn tỷ, Sacombank gần 19 ngàn tỷ, MB hơn 18 ngàn tỷ, Techcombank hơn 14 ngàn tỷ,...

Tốc độ tăng trưởng tín dung cao cùng với kế hoạch thúc tăng trưởng kinh tế và triển vọng của ngành thời gian tới cũng giúp cổ phiếu ngân hàng đang lấy lại vị thế “cổ phiếu vua” một thời.

Trong 5 tháng, tăng trưởng tín dụng đạt mức cao nhất nhiều năm qua: 6,8% và cả năm, theo dự báo của một số CTCK, có thể cao hơn mục tiêu 18% đặt ra từ đầu năm. Một số ngân hàng đặt mức tăng trưởng rất cao lên tới vài chục phần trăm, hứa hẹn thu nhập từ cho vay sẽ cao.

Bên cạnh hàng loạt giao dịch lớn, một số NH cũng có chủ trương tăng vốn và niêm yết trên TTCK, tạo sự hấp dẫn đối với nhóm cổ phiếu này. KienLongBank dự kiến giao dịch 300 triệu cổ phiếu trên UPCoM vào 29/6 tới. LienVietPostBank sắp tăng vốn khủng, trong đó một phần lớn sẽ dành cho cán bộ nhân viên và dự kiến lên UPCOM trong quý 3.

Các ngân hàng VPBank, HDBank, Techcombank và OCB cũng dự kiến sẽ niêm yết trong 6-12 tháng tới. Tính thanh khoản tăng cao và quy mô thị trường mở rộng cùng với tính minh bạch được cải thiện sẽ giúp cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn.

M. Hà