Thứ nhất, nhu cầu nhân lực về CNTT, CNS của chúng ta là 150.000 kỹ sư/năm. Hiện nay, mới đáp ứng được 40-50%. Nhu cầu về nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là 5-10.000 kỹ sư/năm. Hiện nay, mới đáp ứng được dưới 20% nhu cầu. Hai Đại học quốc gia nên coi đây vừa là thị trường vừa là trách nhiệm quốc gia về đào tạo nhận lực số.
Thứ hai là về phát triển công nghiệp bán dẫn. Bộ TT&TT đang chuẩn bị trình Chính phủ Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Một số định hướng là: Việt Nam sẽ đi trong một hệ sinh thái, không đi một mình; kết hợp FDI (nhưng thu hút các công đoạn có giá trị gia tăng cao) và tự lực Việt Nam ở một số công đoạn trong chuỗi công nghiệp bán dẫn (thiết kế, kiểm thử, đóng gói); kết hợp phát triển bán dẫn, vi mạch và phát triển thiết bị điện tử, nhất là IoT; thế mạnh người Việt Nam là người Việt Nam, người Việt Nam học giỏi và chăm học, rất phù hợp thiết kế chip, và sẽ coi đây là thế mạnh trọng tâm; hạ tầng quan trọng mà nhà nước cần đầu tư cho phát triển công nghiệp bán dẫn là hệ thống các phòng thí nghiệm hàng đầu và giao cho đại học vận hành, khai thác. Hai Đại học quốc gia sẽ nhận lấy trách nhiệm quốc gia về đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn, vi mạch.
Thứ ba, CNS, nhất là AI, đã qua giai đoạn nghiên cứu, khám phá, đã bước vào giai đoạn ứng dụng, thực hành. Giai đoạn khám phá thì cần tinh hoa. Giai đoạn ứng dụng thì cần nhiều kỹ sư ứng dụng. Giai đoạn ứng dụng cũng chính là giai đoạn mang lại nhiều giá trị nhất cho một quốc gia, nhất là một quốc gia đang phát triển như chúng ta. Chúng ta đang cần rất nhiều kỹ sư CNS mức ứng dụng để thúc đẩy nhanh quá trình CĐS quốc gia, CNH, HĐH đất nước. Có lẽ đại học số và đào tạo lại là lời giải cho nhu cầu rất lớn về nhân lực số hiện nay. Chính phủ nên có quyết sách thật mạnh mẽ về đại học số.
Thứ tư, một đại học bền vững thì cần có một cơ cấu nguồn thu phù hợp. Thu từ học phí nếu có nhiều thì cũng chỉ nên 60-70%. Phần còn lại là đến từ nghiên cứu, từ tài sản và từ các nguồn hỗ trợ. Kiến nghị Chính phủ cân nhắc, xem xét cơ chế để nguồn thu từ nghiên cứu, từ tài sản của đại học tăng lên. Thí dụ, Chính phủ đặt hàng đại học nhiều hơn các nghiên cứu quốc gia, cho phép kinh doanh trên một số tài sản của đại học.
Thứ năm, Bộ TT&TT có thể hỗ trợ đại học như sau:
1)- Ra báo cáo hàng năm về nhu cầu nhân lực, về sử dụng nhân lực CNTT, CNS. Và gửi báo cáo này cho đại học.
2)- Tạo ra nhu cầu về nhân lực số thông qua thúc đẩy CĐS, phát triển công nghiệp bán dẫn, rồi hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp CNS đi ra nước ngoài chinh phục thị trường toàn cầu, biến Việt Nam thành trung tâm CĐS toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp CNS Việt Nam đã có doanh thu từ thị trường nước ngoài: Viettel đã có doanh thu từ nước ngoài trên 3 tỷ USD, FPT trên 1 tỷ USD, doanh nghiệp có doanh thu từ nước ngoài hàng trăm triệu USD là khá nhiều. Cái này sẽ tạo ra nhu cầu về nhân lực CNS được trả lương cao cho đại học.
3)- Tạo ra gắn kết của hàng chục ngàn doanh nghiệp CNS với đại học. Kêu gọi một số doanh nghiệp CNS lớn đầu tư vào các trung tâm R&D của Đại học quốc gia.
4)- Đề xuất Chính phủ một số chính sách thí điểm về phát triển CNS tại đại học. Thí dụ, Nhà nước đầu tư các phòng thí nghiệm quốc gia, hiện đại về CNS rồi giao đại học vận hành. Phòng thí nghiệm hiện đại sẽ là thỏi nam châm quan trọng để thu hút nghiên cứu về các trường đại học.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng