Nỗi sợ mang tên cấp phép xây dựng

Phát biểu tại Hội thảo công bố báo cáo “Thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng dưới góc nhìn của doanh nghiệp”, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết, để được cấp phép xây dựng, có rất nhiều những thủ tục liên ngành cần được phê duyệt. Mặc dù đã có quy trình cụ thể, được quy định trong pháp luật, song thực tế mỗi địa phương lại có cách hiểu và thực thi khác nhau, gây khó cho doanh nghiệp.

Chẳng hạn, tại Hà Nội, một doanh nghiệp muốn thực hiện dự án phải tuần tự được Sở Quy hoạch Kiến trúc giới thiệu địa điểm, duyệt quy hoạch 1/500, rồi sang sở Kế hoạch và Đầu tư lập dự án, sau đó đưa sang Sở Tài nguyên và Môi trường để được giao đất và cuối cùng mới đến Sở Xây dựng để cấp phép xây dựng.

Không những vậy, tại mỗi Sở, doanh nghiệp cũng phải thực hiện rất nhiều những thủ tục hành chính từ cấp nước, cấp điện, thoát nước,... Việc "ách tắc" của các dự án không chỉ đến từ thủ tục cấp phép mà thực tế đến từ các thủ tục liên thông.

{keywords}
Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép xây dựng đã có nhiều tiến bộ

Báo cáo đánh giá nhanh về các thủ tục hành chính liên ngành trong cấp phép xây dựng và các thủ tục hành chính liên quan, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khảo sát trên khoảng 10.000 doanh nghiệp dân doanh và FDI (có hoạt động xây dựng mới hoặc cải tạo công trình, nhà xưởng trong vòng 2 năm gần đây) cho thấy, trong 13 thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng, các doanh nghiệp gặp khó khăn nhất là các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. 

Cụ thể, có 58,4% số doanh nghiệp gặp khó về thủ tục đất đai và giải phóng mặt bằng; có 52,2% số doanh nghiệp gặp khó khăn về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Ngoài hai thủ tục đứng đầu về độ gây khó khăn trên, còn nhiều “nỗi sợ” khác mang tên thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng như phòng cháy chữa cháy; thanh tra, kiểm tra về xây dựng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cho hay còn bị gây phiền hà trong quá trình xin cấp phép. Khó do cán bộ giải quyết hồ sơ gây khó khăn, có thể ngâm hồ sơ, hành, hạch sách chiếm tới 53%, còn liên quan đến quy định của pháp luật chiếm trên 50% trong số doanh nghiệp tham gia khảo sát.

Cũng theo báo cáo, có 30% số doanh nghiệp thừa nhận đã phải trả loại chi phí không chính thức ở một số thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

Về thời gian, để có một giấy phép xây dựng, trung bình doanh nghiệp phải đi lại 3 lần và phải chờ đợi trung bình là 25 ngày. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp cho biết phải đi lại tới 10 lần và chờ đợi tới 60 ngày, thậm chí tới 90 ngày mới hoàn tất việc xin giấy phép.

Trải nghiệm của các doanh nghiệp dân doanh kém tích cực hơn đáng kể so với các doanh nghiệp FDI. Những doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ là nhóm cảm thấy các trở ngại là rõ ràng nhất, báo cáo viết.

Trần ai 1 cái giấy phép

Theo  ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cải cách hành chính nếu xét riêng trên từng lĩnh vực thì cơ bản đã có những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, những phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy các vướng mắc khi triển khai dự án, liên quan tới nhiều lĩnh vực thủ tục hành chính là rất lớn, mà điển hình là những dự án có công trình xây dựng.

{keywords}
Tuy nhiên, khảo sát của VCCI mới đây cho thấy thực tế còn rất nhiều “trần ai” mới xin được giấy phép.

Với những dự án này, các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải tiến hành các thủ tục hành chính ở nhiều cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau, ở nhiều cấp khác nhau, liên quan tới nhiều công đoạn, từ phê duyệt chủ trương đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, khởi công... cho tới khi đưa công trình vào sử dụng. Những chồng lấn, xung đột trong pháp luật về quy trình thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền,... gây tốn kém về thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Bản thân các cơ quan chính quyền cũng rất lúng túng trong áp dụng pháp luật.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ, cho rằng, dù được được WB đánh giá chỉ số cấp phép xây dựng của Việt Nam tốt nhất, nhưng đó mới là “tốt nhất trên giấy”.

"Thực tế, cứ thủ tục nào về cấp phép xây dựng mà liên quan đến cơ quan quản lý Nhà nước đều vướng. Doanh nghiệp có hệ thống pháp lý phía sau mà vẫn vướng, thì người dân còn bị vướng hơn nữa. Bản thân tôi đã từng đi xin cấp phép xây dựng, thấy “trần ai” lắm, bà Thảo nói.

TS Andreas Stoffers, Giám đốc Quỹ Friedrich Naumann Foundation cho hay, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ vào những nỗ lực cải cách của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cả nước.

Rào cản gia nhập thị trường, gánh nặng thủ tục hành chính đã giảm bớt; mức độ minh bạch của môi trường kinh doanh cũng gia tăng; chi phí không chính thức đã dần được đẩy lủi. Những thay đổi này đang tạo thuận lợi hơn cho các hoạt động của doanh nghiệp trong nhiều ngành, nghề và khu vực kinh tế. Cải cách thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực đã có kết quả tích cực.

Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu và đánh giá về cấp phép xây dựng mà VCCI tiến hành cho thấy, còn nhiều dư địa để thúc đẩy cải cách các thủ tục về cấp phép xây dựng; nhất là những công trình, dự án liên quan tới nhiều bên tham gia. Các cơ quan chức năng và cả Bộ Xây dựng cần tiếp tục rà soát, tìm hiểu nguyên nhân để cải thiện tình hình này. Đồng thời, tiến hành đánh giá công khai các cán bộ giải quyết hồ sơ để nâng cao trách nhiệm.

Trần Thủy