Hôm qua con hăng quá, cùng anh Hai nhảy nhót theo bài The cup of life của Ricky Martin rồi chẳng may trượt chân nên mặt đập xuống nền nhà.

Răng con cắn vào môi làm thủng một lỗ sâu. Bố mẹ đã sơ cứu, cầm máu cho con và chở con đến bệnh viện. Tình trạng cũng không nguy kịch lắm, nhưng con phải khâu ba mũi ở môi vì vết rách khá sâu. Nếu người mẹ nào từng trải qua cảnh con bị khâu thì sẽ hiểu được nỗi lòng của mẹ. Bố mẹ phải là những người cùng phối hợp với y bác sĩ giữ tay chân con. Nhìn con đầm đìa nước mắt, miệng van xin bố mẹ bỏ con ra, mẹ đã rơi lệ. Nhưng mẹ biết rằng, chỉ cần một chút yếu lòng của mẹ, sẽ khiến cả ê kíp y bác sĩ và con phải cực khổ hơn. Nên mẹ phải dùng đến tuyệt chiêu “trái tim sắt đá”. Cuộc tiểu phẫu diễn ra suôn sẻ, rồi con ôm chầm lấy mẹ, khóc nấc.

Con trai ạ, ở tuổi lên ba, quá nhiều điều mới mẻ đang hiện ra trước mắt con. Một thế giới đầy thú vị, mê hoặc đang chờ con khám phá. Mặc dù bố mẹ thường xuyên căn dặn con cẩn thận, nhưng với độ tuổi hiếu động và nghịch phá thì những lời đó như “muối bỏ biển”.

{keywords}
Ảnh minh họa

Mẹ đã tìm cách để hình tượng hóa những mối nguy hiểm cho con hiểu. Như việc mẹ lấy chiếc que nhỏ đưa vào khe cửa, sau đó mẹ sập cửa lại và giải thích que gỗ sẽ bị gãy như thế nào. Tay con trai mẹ cũng thế, nếu bỏ vào khe cửa thì sẽ như cây que phải không nào? Hay việc mẹ đổ nước nóng vào chiếc ly nhựa rồi cho con chạm vào chiếc ly. Con rụt tay lại vì nóng. Đó là đã sờ qua lớp nhựa, huống chi là đụng vào ấm nước đun sôi, phải không con? Mẹ đã thí nghiệm hàng loạt tình huống mà mẹ con chúng ta có thể gặp hằng ngày.

Dù cẩn thận đến thế nào, những đứa trẻ ở lứa tuổi như con ắt hẳn cũng trải qua một vài lần đau đớn vì tai nạn. Chạy nhanh quá té trầy chân (cái này chắc như cơm bữa), va đập vào đâu đó u tím người, xước tay chân… Hãy biết tránh xa những mối nguy hiểm con nhé, và biết tự đối phó trong các tình huống cơ bản, dù con mới ba tuổi thôi.

Khi con giẫm phải một ổ kiến lửa và kiến bò lên chân con thì sao nhỉ? Hãy nhảy ra khỏi chỗ đó lập tức và phủi ngay những con kiến đang bò lổm ngổm trên người, đồng thời gọi mẹ hoặc người lớn giúp. Kinh nghiệm này mẹ rút ra từ việc giúp một em bé bị kiến cắn mà chỉ biết khóc la thôi.

Thế đấy, trong quá trình hoàn thiện bản thân và khám phá cuộc sống, con sẽ gặp một số nguy hiểm, nhỏ có, to có, và việc biết tự bảo vệ bản thân tránh xa những tai nạn mẹ sẽ cố gắng dạy con. Hy vọng mưa dầm thấm lâu và chàng trai ba tuổi của mẹ sẽ từng bước trưởng thành với cơ thể “càng ít sẹo càng tốt”, con nhé.

Chia sẻ

1. NHẮC NHỞ: Luôn luôn nhắc nhở trẻ tránh xa những mối nguy hiểm có thể gây tai nạn như ổ điện, chậu nước đầy, dao, kéo, vật sắc nhọn, hành lang, ban công…

2. GIẢI THÍCH: Nhắc nhở phải luôn đi đôi với giải thích. Bởi khi bạn nhắc trẻ mà không giải thích, chúng sẽ quên ngay. Nếu trẻ và bạn vô tình gặp những tai nạn trên ti vi, báo, đài…, hãy tận dụng cơ hội đó để nhắc nhở trẻ.

3. SƠ CỨU: Trẻ em thường gặp những tai nạn nho nhỏ và bố mẹ phải biết sơ cứu đơn giản. Những sơ cứu đúng cách sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ. Ví dụ như trẻ bị phỏng thì phải làm mát chỗ bị phỏng bằng nước lạnh trong ít nhất 10 phút để giảm sưng phồng. Nếu trẻ bị chảy máu thì nhanh chóng cầm máu...


(Theo PNO)