Hiện nay, giáo viên đang chịu rất nhiều áp lực. Áp lực đầu tiên chính là bài toán về cơm áo, gạo tiền. Chế độ về tiền lương hiện nay thực sự chưa đủ đáp ứng nhu cầu của các thầy cô. Tuy nhiên, khi đã xác định chọn con đường giáo dục, chọn nghề giáo, thì giáo viên chấp nhận lương ở mức độ cơ bản, thay vì nghĩ chuyện làm giầu. 

Thực tế hiện nay, nhiều giáo viên không mong muốn nói rằng nghề giáo là nghề cao quý, mà chỉ muốn là một nghề bình thường như bao nghề khác và đảm bảo cuộc sống, tức là họ có thể nuôi sống được bản thân, gia đình và các con như các ngành nghề khác. 

Vì vậy, khi chưa cải thiện ngay được đồng lương cho giáo viên, tôi nghĩ hoàn toàn có thể cải thiện chế độ, môi trường làm việc. Việc này cần sự chung tay của toàn xã hội để người thầy cảm thấy được trân trọng, đúng là “nghề cao quý trong tất cả những nghề cao quý”. Thay đổi đầu tiên cần là nhận thức và thái độ, sự trân trọng của xã hội đối với nhà giáo. 

Bên cạnh đó, trong môi trường làm việc hiện nay, giáo viên chịu nhiều áp lực về hành chính, sổ sách và rất nhiều các công việc hữu hình lẫn vô hình khiến thời gian dành cho bản thân, gia đình, con cái không nhiều. Áp lực gánh nặng như vậy nên tôi mong có môi trường hạnh phúc trong giáo dục, cho chính các thầy cô.

Thầy Nguyễn Duy Khánh (giáo viên Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ) cùng các học sinh của mình.

Để có một môi trường trường học hạnh phúc, cần hội tụ nhiều yếu tố.

Đầu tiên đó là học sinh phải được hạnh phúc, nghĩa là khi các em được làm điều mình thích, cảm thấy thích thú, háo hức khi đến trường mỗi ngày mà không cảm thấy áp lực.

Muốn làm được việc đó thì học sinh cần được yêu thương, chia sẻ nhiều hơn, được giảm bớt áp lực về học tập, giảm bớt kiến thức hàn lâm, thay vào đó được học nhiều hơn về lòng biết ơn, bao dung, sự chia sẻ, quan tâm đến cộng đồng, được tăng giáo dục trải nghiệm giúp có nhiều kỹ năng sống, kỹ năng mềm. 

Thứ hai, giáo viên phải cảm thấy hạnh phúc. Ngoài việc đáp ứng được nhu cầu cơ bản thì họ cần có môi trường làm việc hạnh phúc.

Hạnh phúc của giáo viên là làm sao giảm bớt các thủ tục hành chính, để có thêm thời gian phát triển bản thân, trau đồi và nâng cao chuyên môn, có thời gian quan tâm tới từng học sinh. 

Khi giáo viên được giảm bớt các áp lực vô hình thì có thể tăng thêm thời gian thực hiện sứ mệnh dẫn dắt, định hướng, truyền cảm hứng tới học sinh.

Quan trọng hơn nữa là người lãnh đạo cũng phải thấy hạnh phúc. Đây là điều cực kỳ khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Khi rất nhiều áp lực từ cấp trên, các lãnh đạo thường quan tâm rất nhiều đến các chỉ số, các thành tích thi đua khiến bản thân họ cảm thấy áp lực, gồng gánh các báo cáo, thi đua hằng năm.

Tôi mong làm sao có cơ chế, để bản thân những người lãnh đạo hạnh phúc, nở nụ cười nhiều hơn mỗi ngày. Khi lãnh đạo hạnh phúc chắc chắn môi trường ở trường đó sẽ hạnh phúc, kéo theo giáo viên và học sinh cũng cảm thấy hạnh phúc.

Sự kết hợp giữa học sinh, thầy cô, nhà trường, gia đình hạnh phúc sẽ kiến tạo nên xã hội hạnh phúc. Khi mọi người biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ với nhau nhiều hơn sẽ giúp hạn chế tối đa những sự việc lệch chuẩn.

Tôi cũng mong thời gian tới, cộng đồng, xã hội quan tâm, thấu cảm, chia sẻ với thầy cô nhiều hơn và hình ảnh người thầy được cải thiện, được trân trọng hơn. Bởi đôi lúc một vài sự việc, tình huống xảy ra không đại diện cho toàn hệ thống.

Nguyễn Duy Khánh (giáo viên Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ)