Quốc hội chiều 26/5 thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nêu việc cử tri của TP Gia Nghĩa đã kiến nghị nhiều lần về việc di dời đường dây điện 500kV hiện đi cắt ngang chính giữa TP.

Cử tri đề nghị đưa đường dây ra khỏi TP để có thêm không gian phát triển KT-XH, đảm bảo mỹ quan và đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng, sinh hoạt cho người dân.

ĐB Dương Khắc Mai

Ông Mai cho biết, đã có nhiều cử tri phản ánh khi trời mưa đi qua nơi trũng, thấp có đường điện, gần mặt đường thì nhiều người bị giật ở cấp độ khác nhau, nhất là việc đi xe máy, "ở đây có ĐBQH Phạm Thị Kiều cũng đã bị điện giật". 

ĐB cho biết, kiến nghị này đã được Ban Dân nguyện báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 3. Do đó, ông tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng sớm di chuyển đường dây điện 500kV ra khỏi TP Gia Nghĩa.

ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu về một số nội dung chưa được giải quyết triệt để dẫn đến cử tri còn bức xúc, còn kiến nghị. ĐB nhắc đến quốc lộ 27 - con đường kết nối khu vực Tây Nguyên hết sức quan trọng về kinh tế, an ninh quốc phòng với chiều dài hơn 280km và đã được Chính phủ, các bộ, ngành cấp vốn, nâng cấp.

ĐB Nguyễn Tạo 

Hiện còn hơn 30km không được bố trí vốn nhiều năm, đây là đoạn đường cấp 4 đường núi, nhỏ hẹp, dốc, dễ bị sạt lở, ách tắc trong mùa mưa lũ, sau cơn mưa đầu mùa lại hư hỏng nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn giao thông.

Từ Quốc hội khóa XIII đến nay, hơn 10 năm, cử tri và đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng liên tục kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT, nhiều đoàn lãnh đạo cao cấp của Trung ương đã trực tiếp kiểm tra, giám sát.

"Xem đường quốc lộ giống như đường làng, đường thôn. Không có trong danh mục được bố trí vốn đầu tư công trung hạn, chỉ được bố trí vốn duy tu, sửa chữa, giải quyết mang tính tạm thời. Khi mùa mưa đi qua lại xuống cấp trầm trọng, gây lãng phí nguồn lực. Cứ mỗi năm bình quân duy tu 50 tỷ đồng, 10 năm là hơn 500 tỷ đồng nhưng kết quả cũ vẫn hoàn cũ, hết sức lãng phí", ông Tạo thông tin.

Quốc lộ 27 qua Lâm Đồng xuống cấp. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Ngoài ra, ĐB Tạo cũng nêu về tuyến đường tránh - quốc lộ 20 Bảo Lộc khởi công từ 2017, là tuyến huyết mạch vì hàng triệu tấn alumin về các cảng ở Đông Nam Bộ chạy qua đây, hàng triệu du khách từ Đông Nam Bộ về cao nguyên Lâm Đồng cũng phải đi qua tuyến này.

Mang lại nhiều lợi ích như vậy, ông Tạo cho biết, tuyến đường chỉ dài hơn 15km được xây theo tiêu chuẩn đường cấp 3 miền núi, với tổng vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Thời điểm mới khởi công người dân vui mừng và đặt nhiều kỳ vọng sẽ đúng tiến độ năm 2019. Tuy nhiên từ khi khởi công đến nay, vẫn chưa được hoàn thiện, một số điểm BQL dự án cắm cọc tiêu, hàng rào, cấm phương tiện qua lại nhưng xe cộ vẫn qua lại khá nhiều và xảy ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc.

"10 năm qua, vẫn 1 câu hỏi các bộ ngành Trung ương với hơn 10 văn bản với câu trả lời: 'Không bố trí được nguồn vốn và không có điểm kết thúc cuối cùng", ĐB nêu lại về quốc lộ 27.

Từ thực tế trên, ĐB tỉnh Lâm Đồng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần có cơ chế, chính sách tài chính để có nguồn vốn đầu tư dứt điểm, giải quyết điểm nghẽn của quốc lộ 27. 

Ông đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cho địa phương xin tạm ứng nguồn dự phòng ngân sách trung ương để triển khai thi công, đảm bảo đường giao thông vận hành thông suốt trong năm 2024. Địa phương cam kết với Trung ương sẽ hoàn trả nguồn vốn này trong thời gian 5 năm.

ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) quan tâm đến chất lượng của việc trả lời kiến nghị của cử tri. Theo ông cần phải có kênh thông tin để thấy được cử tri và nhân dân có đồng tình với việc giải trình, cung cấp thông tin của các cơ quan trả lời hay không.

Ngoài ra, hiện nay còn một khối lượng lớn kiến nghị đang được tiếp thu, trong đó có 55 kiến nghị chưa có lộ trình giải quyết, cần làm rõ nội dung này. Ông cũng đánh giá việc trả lời kiến nghị của cử tri đã tốt nhưng việc trả lời như thế nào cần được đánh giá kỹ hơn.

ĐB Trịnh Xuân An

Bởi có tình trạng các kiến nghị của cử tri, địa phương gửi về các bộ, ngành gửi Chính phủ nhưng trả lời theo hướng theo quy trình hoặc theo quy định của pháp luật. Như vậy rất khó cho việc thỏa mãn ý kiến của cử tri, cũng như đáp ứng cho vai trò quản lý nhà nước. Do vậy, cần có tiêu chí để đánh giá việc trả lời kiến nghị cử tri, của các địa phương.