Hiện nay, Việt Nam có 6 bệnh viện hạng đặc biệt, gồm: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong đó, trừ Bệnh viện 108, các cơ sở còn lại trực thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế

Giảm số lượng người Việt ra nước ngoài chữa bệnh, thu hút người nước ngoài đến Việt Nam

Theo quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tế đề xuất đầu tư, nâng cấp các bệnh viện tuyến trung ương để đảm nhận vai trò bệnh viện tuyến cuối cấp quốc gia trên cơ sở rà soát lại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế hiện nay.

Bên cạnh đó, nâng cấp một số bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt (đa khoa, chuyên khoa) ở TP.HCM, Hà Nội, Huế, để đảm nhận vai trò của bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt như Singapore, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản; giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài điều trị, đồng thời thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam. 

Thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai, một bệnh viện đa khoa hạng Đặc biệt, đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân cấp cứu. Ảnh: Thạch Thảo

5 bệnh viện hạng đặc biệt được đề xuất sẽ nâng cấp thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế gồm 3 bệnh viện ở Hà Nội: Trung ương Quân đội 108, Việt Đức, Bạch Mai, 1 bệnh viện ở Huế là Trung ương Huế và 1 bệnh viện ở TP.HCM là Chợ Rẫy.

Thực tế, nhiều kỹ thuật y tế cao, sâu được bác sĩ Việt Nam làm chủ được, như thụ tinh trong ống nghiệm, tim mạch, ghép tạng..., thu hút người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh, giữ chân người Việt ở lại trong nước chữa bệnh. 

GS Nguyễn Lân Việt, Phó chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam, cho hay trước đây bệnh nhân tim mạch ở Việt Nam sang nước ngoài điều trị nhiều, hiện nay số lượng này còn rất ít do ngành Tim mạch có những bước tiến lớn, nhiều kỹ thuật hiện đại được làm chủ.

“Các nước tiên tiến làm được kỹ thuật cao nào trong chẩn đoán, điều trị tim mạch thì Việt Nam cũng tiếp cận được” - GS Lân Việt khẳng định.

Không chỉ làm chủ kỹ thuật, chi phí bệnh nhân phải trang trải để thực hiện các kỹ thuật cao cũng được tiết kiệm rất nhiều nếu thực hiện trong nước.

Trả lời VietNamNet về vấn đề chi phí trong can thiệp tim mạch, PGS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, cho hay trong kỹ thuật thay van động mạch chủ qua đường ống thông, Việt Nam và các nước có mức phí tương đương nhau (khoảng 20.000 USD, gần 480 triệu đồng) cho trọn bộ trang thiết bị.

"Vấn đề là tiền công cho toàn bộ ca can thiệp có khoảng cách lớn. Ở Nhật Bản, tổng mức chi phí cao gấp 5 lần Việt Nam, Singapore gấp 4 lần", PGS Hùng lấy ví dụ. 

Dự kiến xây dựng mới 3 bệnh viện cấp quốc gia

Ngoài nâng cấp 5 bệnh viện hạng đặc biệt, quy hoạch cũng dự kiến xây dựng mới 3 bệnh viện cấp quốc gia. Trong đó đầu tư 1 bệnh viện đa khoa tuyến cuối của vùng Tây Nguyên, xây mới Bệnh viện Đa khoa Trung ương Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Lắk, Bệnh viện Nội tiết Trung ương TP.HCM và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Trung ương Cần Thơ.

Quy hoạch đề xuất nâng cấp, đầu tư một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng gồm 20 bệnh viện đa khoa; bổ sung 7 bệnh viện đa khoa mới ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (có địa bàn rộng, khó khăn trong tiếp cận bệnh viện tuyến Trung ương) và vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ (có mật độ dân số cao); 20 bệnh viện chuyên khoa.

Đầu tư 4,42 tỉ đồng/giường bệnh chuyên khoa tuyến Trung ương

Bộ Y tế dự báo giường bệnh cho thấy nhu cầu giường bệnh sẽ tiếp tục tăng dần qua các năm. Trong giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung thêm 92.500 giường bệnh, trong đó số giường bệnh của bệnh viện cấp quốc gia cần bổ sung thêm khoảng 8.700 giường bệnh.

Đối với bệnh viện chuyên khoa tuyến Trung ương trên 1.000 giường bệnh, suất vốn đầu tư sẽ là hơn 4,42 tỷ đồng cho một giường bệnh, trong đó chi phí xây dựng là gần 2,2 tỷ đồng, còn chi phí thiết bị là hơn 2 tỷ đồng.

Loại hình bệnh viện 

Suất vốn đầu tư

(tỷ đồng)

Chi phí xây dựng

(triệu đồng)

Chi phí thiết bị

(triệu đồng)

Từ 50 đến < 250 giường 1,53 589.346 763.744
Từ 250 đến 350 giường 1,48 572.972 738.270
Từ 400 đến < 500 giường 1,42 550.051 712.825
Từ 500 đến 1.000 giường 1,32 510.766 661.916

                                    Suất vốn đầu tư trên một giường bệnh đa khoa.

Mỗi suất vốn đầu tư bao gồm chi phí xây dựng các công trình khám, điều trị bệnh nhân (ngoại trú, nội trú, phòng mổ, xét nghiệm, khoa dược…) và các công trình phục vụ (bếp, kho, nhà để xe, khu hậu cần…), chi phí trang thiết bị y tế hiện đại và đồng bộ phục vụ khám, chữa bệnh, phục vụ sinh hoạt, nghỉ ngơi của nhân viên, bệnh nhân.

Mục tiêu tới năm 2025 Mục tiêu tới năm 2030 Mục tiêu tới năm 2050
Bác sĩ trên 1 vạn dân 15 19 35
Giường bệnh trên 1 vạn dân 35 35 45
Điều dưỡng trên 1 vạn dân 25 33 90
Dược sĩ đại học trên 1 vạn dân 3,4 4 4,5

Trước đó, như VietNamNet đã đưa tin, đánh giá thực hiện kế hoạch năm 2023, trong năm nay, Việt Nam ước đạt 12,5 bác sĩ; 32 giường bệnh; 3,1 dược sĩ đại học và 15 điều dưỡng trên 10.000 dân. So với kế hoạch đề ra đến năm 2025, đây là con số chênh lệch rất lớn.