Ngày 26/10, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học "Tổ chức cơ quan thực thi kinh nghiệm thế giới và thực tiễn Việt Nam".

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết hiện nay, ở nước ta, cơ quan thực thi vẫn còn khái niệm tương đối mới. Vì vậy, nghiên cứu, tìm hiểu và đề xuất xây dựng mô hình tổ chức các cơ quan độc lập có chức năng thực thi pháp luật trên một số lĩnh vực là một nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng của Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030.

Thứ trưởng Nội vụ Triệu Văn Cường. Ảnh: Thu Hằng

Điều này cũng xuất phát từ quan điểm của Đảng và Nhà nước về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính ở Trung ương hướng tới mục tiêu tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thứ trưởng Nội vụ mong các ý kiến tại hội thảo sẽ cung cấp những luận cứ, thông tin khoa học và thực tiễn góp phần thực hiện thành công Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ đã đề ra.

'Bộ của chúng ta làm nhiều việc quá'

TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ cho rằng, hiện tại, bộ máy hành chính nhà nước ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Cơ cấu tổ chức ngày càng được hoàn thiện, chức năng nhiệm vụ được phân định rõ ràng hơn. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh, phức tạp. Đây chính là một trong những "nút thắt” cần sớm được tháo gỡ trong thời gian tới...

Theo ông Tuấn, mô hình tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay chủ yếu được thiết lập theo mô hình truyền thống, nhiều tầng nấc. Vì vậy, cần phải nhanh chóng và mạnh dạn chuyển sang các mô hình khác phù hợp với điều kiện thực tế trong tình hình mới, đặc biệt với cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, ngành.

Ông gợi ý có thể áp dụng việc tách bạch tổ chức cơ quan tham mưu chính sách và cơ quan thực thi chính sách.

“Việc tổ chức/thành lập các cơ quan thực thi là một hướng đi đúng đắn và nên được áp dụng tại Việt Nam trong bối cảnh đất nước ta đang ngày càng phát triển. Cơ quan thực thi ra đời nhằm giúp Chính phủ tránh được việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, giúp minh bạch hóa quá trình thực hiện nhiệm vụ”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đồng thời, việc tổ chức thực hiện các cơ quan thực thi còn giúp Chính phủ và nhà nước tinh gọn bộ máy, giảm thiểu nguồn nhân lực trong các đơn vị này nhưng vẫn đạt được hiệu quả cao nhất.

PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cũng cho rằng, cơ quan thực thi trong phạm vi hội thảo không đơn thuần là cơ quan hành pháp mà chúng ta thường nhắc tới trong mối quan hệ Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Cơ quan thực thi có thể thuộc hoặc không thuộc bộ và thuần tuý chỉ thực thi pháp luật mà không làm chính sách.

Ở Việt Nam hiện nay, cơ quan này thuộc Bộ quản lý. Ví dụ như Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương. Ông Sửu đề nghị, cần có cơ chế pháp lý để các cơ quan này hoạt động độc lập và tránh “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tức là vừa xây dựng chính sách vừa thực thi chính sách.

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, câu chuyện tách bạch quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh với dịch vụ công trong các bộ ngành đã được đặt ra từ lâu. Từ đó mới giảm được bộ máy chứ không phải thay “mấy cái tên”.

Ông kể trước đây, khi đi khảo sát mới thấy rằng “bộ của chúng ta làm nhiều việc quá”. “Bộ của Chính phủ vừa hoạch định chính sách pháp luật, đi kiểm tra, quản trị… rồi còn thêm cả bộ của các doanh nghiệp, bộ của các trường đại học, các đơn vị sự nghiệp. Cuối cùng bộ lo mấy trăm doanh nghiệp thì còn chăm lo gì đến chính sách cho quốc gia”, ông nêu thực tế được đưa ra từ đầu những năm 2000.

Tuy nhiên, do làm không nhất quán nên 20 năm qua không thực hiện được. Vì vậy, nguyên Thứ trưởng Nội vụ lưu ý, làm sao tách cơ quan hoạch định chính sách ra khỏi cơ quan thực thi.

Đã đến lúc cần tư duy lại bộ máy

PGS.TS. Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cơ quan thực thi ở đây phải là “cơ quan thực thi pháp luật đặc thù” để phân biệt với các cơ quan hành pháp.

“Ở Việt Nam rõ ràng đã có “bóng dáng” của yếu tố thực thi nhưng không hoàn toàn như vậy. Chúng ta đang nhập nhằng giữa cơ quan thực thi pháp luật với bộ, ngành”, PGS.TS. Lê Minh Thông lưu ý.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tổ chức tổng cục, cục trong một khía cạnh nào đấy có chức năng thực thi pháp luật rất mạnh nhưng lại để họ tham gia hoạch định chính sách cho nên vẫn “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. 

PGS.TS. Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Thu Hằng

“Hiện nay chúng ta dồn tất cả việc vào bộ ngành, vừa hoạch định chính sách, vừa tổ chức quản lý ngành. Cho nên bộ ngành quá tải, có những việc làm không đến nơi đến chốn, kéo chỗ này lòi chỗ kia”, PGS.TS. Lê Minh Thông phân tích 

Do đó, ông đề nghị tư duy lại bộ máy. Trong đó Bộ gồm 2 chức năng quan trọng là hoạch định chính sách và quản lý nhà nước và phải phân cấp, phân quyền rõ giữa Trung ương, địa phương.

“Đã đến lúc phải tách ra, chuyển một số chức năng của bộ giao cho một cơ quan khác, tư duy lại cơ quan của Chính phủ gồm: Tổ chức sự nghiệp, chỉ cung cấp dịch vụ công cho xã hội, các cơ quan nghiên cứu và cơ quan thực thi trực tiếp pháp luật trong một số lĩnh vực mà xuất hiện các mối quan hệ liên ngành”, ông Thông nhấn mạnh.

PGS.TS. Lê Minh Thông dẫn câu chuyện 1 mâm cơm 3 bộ quản lý qua mấy nhiệm kì Quốc hội vẫn chưa giải quyết được; hay câu chuyện liên quan quản lý phân bón của Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT; hay 3 bộ ngành liên quan đến đồng tiền gồm KH - ĐT, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Vì vậy, theo ông cơ quan thực thi pháp luật phải là cơ quan độc lập khi thực hành công vụ chỉ tuân theo pháp luật, không liên quan chính sách, nếu không bị méo mó ngay. Cơ quan này phải xử lý được mối quan hệ nhiều bên tham gia bởi “bộ ngang hàng không nói nhau được”.

Trước mắt, PGS.TS. Lê Minh Thông đề nghị khẩn trương nghiên cứu một số cơ quan. Đó là tổ chức Thuế, Hải quan Việt Nam. Kế đến là an toàn thực phẩm và dược phẩm phải tách khỏi Bộ Y tế để xử lý toàn bộ các vấn đề liên quan đến sức khỏe của con người.

“Cấp phép lưu hành thuốc hay không, cho phép kinh doanh nhà hàng hay không phải là cơ quan này chứ không phải Bộ Y tế”, ông Thông lưu ý.

Cơ quan đảm bảo cạnh tranh và chống độc quyền cũng phải là cơ quan thực thi pháp luật đặc thù trong tất cả lĩnh vực, không thuộc bộ nào mà thuộc Chính phủ. Cơ quan nữa là quản lý thị trường; bảo vệ người tiêu dùng; các cơ quan này phải tách khỏi bộ ngành và trực thuộc Chính phủ.

“Trước mắt nên tập trung nghiên cứu ra đời sớm các cơ quan này để xử lý ngay các vấn đề bức xúc, chuyển nền hành chính từ quan liêu sang nền hành chính phục vụ”, ông Thông nói.