Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có tờ trình về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), trong đó chức danh tư pháp là Thẩm phán bổ sung một số điều kiện, tiêu chuẩn.

Thẩm phán là người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật này được Chủ tịch nước bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ xét xử và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp; thực hiện nhiệm vụ được giao một cách trung thực, tận tâm; thực hành công lý chỉ tuân theo pháp luật, khách quan và công bằng; tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.

202208181522565479 dscf0308.jpg
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Quốc hội

Lời tuyên thệ có giá trị cho suốt thời gian làm nhiệm vụ Thẩm phán. Chánh án TAND Tối cao quy định nội dung, cách thức tuyên thệ.

Thẩm phán TAND gồm: Thẩm phán TAND Tối cao (2 bậc) và Thẩm phán (9 bậc). Trong khi luật hiện hành quy định các ngạch Thẩm phán TAND Tối cao, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp. 

Việc quy định 2 ngạch Thẩm phán nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành trong việc điều động, bố trí, thực hiện chính sách cho Thẩm phán, nâng cao niềm tin của người dân đối với cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; khuyến khích Thẩm phán chuyên tâm phấn đấu cho hoạt động xét xử để trở thành các chuyên gia có trình độ cao.

Luật sư, giảng viên có thể làm Thẩm phán TAND Tối cao

Dự thảo Luật bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán, Thẩm phán TAND Tối cao, bao gồm độ tuổi, thâm niên giữ ngạch, phẩm chất đạo đức và tín nhiệm, chất lượng công việc đã hoàn thành.

Việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Thẩm phán TAND Tối cao không chỉ có kiến thức chuyên sâu về pháp luật, thông thạo chuyên môn mà còn phải có kinh nghiệm sống, có tầm hiểu biết rộng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Ngoài các tiêu chuẩn về Thẩm phán hiện có thì dự thảo Luật bổ sung thêm tiêu chuẩn có độ tuổi từ đủ 28 tuổi trở lên; còn với Thẩm phán TAND Tối cao có độ tuổi từ đủ 45 tuổi trở lên, đã là Thẩm phán bậc 6 từ đủ 3 năm trở lên.

Đáng chú ý, người không công tác tại các Tòa án nhưng có uy tín cao trong xã hội, có năng lực xét xử và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của TAND Tối cao theo quy định của pháp luật thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND Tối cao.

Đó là các trường hợp: Người giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương, am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao; chuyên gia, luật sư, giảng viên đại học, nhà khoa học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Tuy nhiên, với trường hợp này, số lượng thẩm phán TAND Tối cao được tuyển chọn, bổ nhiệm tối đa 2 người.

Luật Tổ chức TAND hiện hành quy định nhiệm kỳ đầu của các Thẩm phán là 5 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.

Tại dự thảo Luật, TAND Tối cao đề xuất đổi mới theo hướng Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 5 năm, Thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Riêng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ làm việc đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Thẩm phán được điều động để làm nhiệm vụ khác trong hệ thống tòa án, khi quay lại làm Thẩm phán thì không phải trải qua kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán quốc gia và được xếp vào bậc tương ứng. Nhiệm kỳ của Thẩm phán đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Thẩm phán nào không đủ điều kiện được bổ nhiệm lại thì được bố trí công tác khác phù hợp; trường hợp có nguyện vọng và đủ điều kiện tiếp tục làm Thẩm phán thì phải trải qua kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán quốc gia. Nhiệm kỳ của Thẩm phán được tính là nhiệm kỳ đầu.