Xuất khẩu gạo dường như đang trở thành sân chơi của các ông lớn, có ưu thế trên thị trường, đủ khả năng áp đặt các điều kiện bất lợi cho các chủ thể khác, đặc biệt là nông dân.

Mập mờ về thực hiện giá sàn xuất khẩu gạo

Giá hướng dẫn hay còn được gọi là giá sàn xuất khẩu được nêu trong Nghị định 109/2011/NĐ-CP, được xác định và thông báo theo hướng dẫn của Hiệp hội Lượng thực Việt Nam (VFA) dựa trên diễn biến của thị trường trong nước cũng như thế giới. Các DN, theo đó, cần đăng ký xuất khẩu gạo không được dưới giá sàn xuất khẩu quy định.

Việc tính toán giá sàn xuất khẩu là cực kỳ khó khăn, bởi bản chất biến động của thị trường là luôn vận động và biến đổi. VFA cũng đã phải điều chỉnh khá nhiều lần giá sàn xuất khẩu gạo, ví dụ năm 2011 là 8 lần. Sự thay đổi của giá sàn nhiều lần và không dự kiến được trong một khoảng thời gian ngắn có thể gây nên tâm lý bất an cho các doanh nghiệp kinh doanh. Xu hướng này tạo nên một môi trường kinh doanh rủi ro và hướng các doanh nghiệp đến những tính toán kinh doanh rất ngắn hạn thay vì dám mạo hiểm cho các quyết định kinh doanh dài hạn.

Trên thực tế, việc thực hiện chính sách giá sàn xuất khẩu gạo của Việt Nam còn thiếu minh bạch, dẫn đến việc cạnh tranh không lạnh mạnh.

Nhiều thời điểm (ví dụ 2-4/2011; 01-8/2012), giá gạo 5%, 25% tấm của Việt Nam theo FAO tính toán trên thực tế được xuất khẩu với giá thấp hơn giá sàn xuất khẩu hai loại gạo tương ứng mà VFA công bố, thậm chí có thời điểm, ví dụ tháng 3/2012 thấp hơn trên 70 USD/tấn đối với gạo 5% tấm. Có thể tồn tại, mặc dù không lớn, sự khác biệt về quy chuẩn FAO dùng để tính toán giá xuất khẩu gạo 5%, 25% tấm và quy chuẩn VFA công bố về giá sàn xuất khẩu hai loại gạo này cho các DN. Điều này khiến chúng tôi nghi ngờ rằng quy chế giá sàn công bố bởi VFA trên thực tế không điều tiết được các giao dịch của DN, và có thể vẫn có DN chào giá xuất khẩu thấp hơn giá sàn.

Các doanh nghiệp phát triển các giống lúa chất lượng cao có thể không quan tâm nhiều tới vấn đề này. Tuy nhiên sự mập mờ về thông tin có thể dẫn tới những mập mờ về cạnh tranh. Minh bạch những vấn đề này là một cam kết quan trọng để các DN cạnh tranh bình đẳng và trên hết là tạo ra tính ổn định cho các khoản đầu tư của DN.

{keywords}
Gạo vẫn sẽ là mặt hàng xuất khẩu chính của VN

Xuất khẩu gạo chất lượng cao vẫn chỉ là thứ yếu

Nghị định 109/2011/NĐ-CP năm 2011 và sau đó là Quyết định 6139/QĐ-BCT năm 2013 đưa ra những quy định về điều kiện trở thành một DN xuất khẩu gạo đó là: (i) có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và (ii) có ít nhất một cơ sở xay, xát gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.

Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nông dân, sản xuất ra các sản phẩm có thương hiệu nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn trên sẽ không được xuất khẩu gạo. Ví dụ như Công ty Viễn Phú Việt Nam, với thương hiệu gạo đặc sản Hoa Sữa, không thể chủ động tiếp cận thị trường mà phải ủy thác qua các công ty lớn đủ điều kiện xuất khẩu gạo. Với bao công sức xây dựng thương hiệu, DN này liên tục phải ngồi trên đống lửa, không phải do bài toán đầu ra, cũng không phải bài toán giá, mà đó là bài toán “giấy phép” [2].

Khi đã có Giy chng nhn Kinh doanh XK go, đ duy trì hot đng XK go, DN còn phi đáp ng thành tích xuất khẩu gạo tối thiểu 10.000 tấn gạo/năm, theo Quyết định 6139/QĐ-BCT của Bộ Công Thương. Điều này thể hiện tư tưởng chú trng số lượng hơn là chất lượng XK. Các DN xuất khẩu gạo chất lượng cao càng bị làm khó khi phải có một vùng nguyên liệu đủ lớn để thực hiện điều này. Trong khi đó, việc xuất khẩu gạo chất lượng thấp sẽ dễ dàng thực hiện hơn khi DN chỉ cần thu mua đủ số lượng từ các thương lái.

Xuất khẩu gạo dường như đang trở thành sân chơi của các ông lớn, có ưu thế trên thị trường, đủ khả năng áp đặt các điều kiện bất lợi cho các chủ thể khác, đặc biệt là nông dân. Chúng ta chưa thể biết được các ông lớn này có gia tăng hiệu quả của ngành lúa gạo hay không vì tiêu chuẩn liên kết với nông dân sản xuất cũng chỉ là tiêu chuẩn “ưu tiên”, mà các DN này không nhất thiết phải tuân thủ.

Nhìn chung, Nghị đinh 109/2011/NĐ-CP ban hành với mục đích giảm thiểu các DN không đủ năng lực xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, điều này lại khiến việc xuất khẩu gạo chất lượng cao, vốn có khối lượng xuất khẩu tương đối ít, trở nên vô cùng khó khăn. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng cần có một cơ chế đặc thù để DN được phép xuất khẩu các loại gạo có thương hiệu.

Do đó, việc quy hoạch ổn định số lượng, đảm bảo tối đa 150 thương nhân xuất khẩu gạo cũng như quy định duy trì thành tích xuất khẩu 10.000 tấn gạo/năm trong quyết định 6139/QĐ-BCT  nên được xem xét hủy bỏ. Con số “cứng” này chỉ khiến cho các DN  “tránh xa” việc sản xuất và xuất khẩu gạo chất lượng cao ra thị trường thế giới.

Thử hình dung ngành lúa gạo được “cởi trói”, cho phép tất các các DN có thương hiệu gạo đều được quyền xuất khẩu, thì sẽ ngày càng thấy nhiều DN VN tham gia vào phân đoạn gạo chất lượng, len lỏi vào các thị trường ngách. Uy tín và hiệu quả của ngành lúa gạo Việt Nam, từ đó, sẽ càng được nâng cao. Một thị trường chỉ lành mạnh khi có nhiều người chơi với các sản phẩm khác nhau được phép gia nhập.

“Thắt” đầu ra của Doanh nghiệp

Không chỉ vấn đề về “giấy phép”, chính sách xuất khẩu gạo của Việt Nam còn tạo ra nhiều “bó buộc” khác về đầu ra cho DN tư nhân.

Thông tư 44/2010/TT-BCT, hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị định 109/2010/NĐ-CP, quy định thương nhân không được giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo, hoặc để bên mua tái xuất gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung (hợp đồng giao dịch chính phủ - chính phủ); trừ khi được Bộ Công Thương xem xét chấp thuận bằng văn bản. Như vậy, kinh doanh xuất khẩu gạo của nhiều DN tư nhân chỉ được phép vào các thị trường nhỏ hoặc mới, trong khi các thị trường lớn, với các đối tác lớn, có thỏa thuận cấp Chính phủ thì được quản lý chặt theo quy chế tập trung.

Theo phân tích của FAO (2006), sản phẩm gạo thường được xuất khẩu sang các nước lân cận do tính đặc trưng về khẩu vị cũng như chi phí vận chuyển. Trong khi đó, các hợp đồng G2G lại đã được ký kết với các đối tác lớn ở một số nước lân cận Việt Nam như Philippines, Indonesia hay Malaysia… Tức là, thị trường xuất khẩu của các hợp đồng thương mại đã bị “hẹp” cửa đi rất nhiều, khiến đầu tư vào lúa gạo lại càng trở nên rủi ro.

Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc, các DNNN nên nhường lại sân chơi thương mại cho các DN tư nhân ngày càng năng động. DNNN chỉ nên tập trung vào các hoạt động dự trữ lúa gạo, đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Bởi các DN tư nhân, bằng sự nhạy bén của mình, sẽ “bắt được” các tín hiệu thị trường nhanh hơn so với các DNNN, đặc biệt là tín hiệu của các thị trường gạo có chất lượng. Họ cũng chính là mắt xích quan trọng trong quá trình liên kết chuỗi với nông dân, đưa các thương hiệu gạo của Việt Nam ra sân chơi quốc tế.

Thổi vào trong DN tư nhân những luồng sinh khí mới, một môi trường đầu tư ổn định và chính sách thân thiện với thị trường, đó là cách tốt nhất và bền vững nhất khi xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Sự bất ổn trong môi trường đầu tư, thể chế đang bó buộc tính năng động của DN trong quá trình tìm kiếm đầu ra xuất khẩu cho sản phẩm. Và còn khá nhiều vấn đề về chính sách vẫn ngày đêm đang làm chùn bước DN khi xây dựng thương hiệu gạo, liên kết với nông dân, mà tất cả dường như đều bắt nguồn từ ý niệm về một cơ chế đã lỗi thời cần được thay đổi - cơ chế quản lý hành chính tập trung.

Thay đổi chính sách là cả một quá trình gian nan, nhưng đã đến lúc các bên liên quan cần bắt tay vào thực hiện để tạo sự đột phá. Nếu như ngành lúa gạo cách đây 30 năm đã khơi mào cho Đổi mới lần 1, chúng tôi tin rằng, những thay đổi trong chính sách và cơ chế để giúp ngành này trở nên thị trường hoá hơn có thể sẽ là tiếng pháo báo hiệu cho “Đổi mới lần 2”. Và người được hưởng lợi nhiều nhất, cũng như Đổi mới lần 1, sẽ là người nông dân.

Nguyễn Quang Thái – Nguyễn Khắc Giang

(Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – VEPR

------------------

[i] Khi đưa ra giá sàn gạo xuất khẩu, VFA đưa ra giá FOB với mẫu đóng gói 50 kg. 

[1] Thương hiệu gạo Việt: 30 năm vẫn loay hoay, Báo Tiên Phong, 04/05/2015.

[2] 'Bể' hợp đồng xuất gạo vì chưa được cấp phép, Cổng thông tin điện tử Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, 18/09/2015