- Họ không muốn tiếp dân vì sợ trách nhiệm, vì ngại đối mặt với dân, coi thường dân hay vì năng lực lãnh đạo yếu kém?
Trên diễn đàn Quốc hội vừa mới đây, số liệu báo cáo về giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018 khiến không ít người giật mình. Theo đó, tỷ lệ chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp công dân định kỳ chỉ đạt bình quân 48% so với quy định, trong số đó phổ biến là ủy quyền cho cấp phó, nhiều tỉnh hoàn toàn trắng về số liệu như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bình Định, Cần Thơ, Cao Bằng… Có những tỉnh tỷ lệ tiếp dân của chủ tịch so với quy định là 0% như: Bắc Giang, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Phú Yên. [1]
Về việc tiếp công dân, khoản 5 điều 12, Luật Tiếp công dân ghi rõ: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 01 ngày trong 01 tháng và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18 của Luật này”.
Như vậy, trừ trường hợp đột xuất, một năm người đứng đầu UBND cấp tỉnh thành ít nhất phải có 12 ngày trực tiếp gặp và lắng nghe nguyện vọng của dân. Vậy mà, tính bình quân cả nước, số ngày tiếp dân chỉ suýt soát 50%, nghĩa là có đến 6 tháng/năm lãnh đạo xa dân. Đấy là chưa nói đến việc chủ tịch một số tỉnh không tiếp dân ngày nào hoặc ủy quyền cho cấp phó.
Luật quy định như vậy là tạo cơ hội cũng như ràng buộc trách nhiệm để lãnh đạo gặp gỡ, gần gũi dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân, kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề nảy sinh trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình. Lẽ ra, chuyện gần dân, đi sâu đi sát quần chúng nhân dân là đương nhiên đối với người đảng viên, người cán bộ cách mạng.
Điều lệ Đảng cũng đã quy định: “Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân…” (Khoản 3, điều 2, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam).
Gần nửa thế kỷ trước, chẳng cần phải chế tài bằng luật pháp, cán bộ, đảng viên vẫn tự giác đến với dân với phương châm 3 cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân. Trong con mắt người dân, cán bộ, đảng viên lúc đó thật gần gũi, giản dị mà tấm gương tiêu biểu nhất là lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Khiếu kiện đất đai ở Thủ Thiêm kéo dài gần 20 năm qua đã trở thành điểm nóng. Ảnh: Văn Châu |
Bây giờ thì, thật hiếm hoi hình ảnh người cán bộ lãnh đạo xắn quần lội ruộng cùng nông dân hay xuống cơ sở, sâu sát nơi ăn chốn ở, đời sống của người dân.
Chúng ta học Bác nhưng trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên còn không ít những người chỉ học trên lý thuyết còn thực tế thì xa dân, lên mặt với dân. Miệng nói phục vụ nhân dân, nhưng trong lòng lại chỉ muốn nhân dân phục vụ mình.
Tư tưởng dân vận của Hồ Chí Minh gói gọn trong mấy chữ: Trọng dân, gần dân, hiểu dân và học dân… Chỉ có điều có cán bộ học thì thuộc nhưng thực hành lại… kém, đến nỗi phải dùng chế tài bằng luật pháp về việc tiếp dân mà vẫn cứ lơ là.
Khi đã luật hóa việc tiếp công dân thì phải hiểu, không đơn thuần là chuyện lãnh đạo gặp gỡ lắng nghe dân mà còn là trách nhiệm thực thi luật pháp. Không tiếp dân tức là không chấp hành quy định của pháp luật. Nếu không ý thức được điều đó, năm nay chỉ đạt 48%, năm sau sẽ còn bao nhiêu?
Một số lãnh đạo ngành, địa phương viện dẫn lý do bận nên không sắp xếp được lịch tiếp công dân. Đấy chỉ là ngụy biện, với những cán bộ như thế, câu khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp & pháp luật” vẫn chỉ là khẩu hiệu treo tường mà thôi. Họ không muốn tiếp dân vì sợ trách nhiệm, vì ngại đối mặt với dân, coi thường dân hay vì năng lực lãnh đạo yếu kém?
Cái sảy nảy cái ung! Từ một việc nhỏ dân khiếu kiện, không lo giải quyết rốt ráo mà cứ lẩn tránh, đùn đẩy thì càng khiến vấn đề thêm phức tạp; kẻ nhũng nhiễu có cơ hội lấn tới, niềm tin của nhân dân bị xói mòn.
Nhiều vụ việc khiếu kiện vượt cấp, kéo dài hàng năm là những bài học đắt giá trong đó có nguyên nhân xuất phát từ việc coi thường quy định tiếp công dân của lãnh đạo từ cơ sở đến Trung ương.
Xin nêu một vụ việc điển hình, đang rất nóng là vụ khiếu kiện đất đai ở Thủ Thiêm kéo dài gần 20 năm qua. Giá như ngay từ ban đầu, chính quyền thành tâm thì vụ việc chắc chắn sẽ không quá phức tạp như bây giờ và tiêu cực cũng sẽ không có cơ hội phình to.
Dù muộn màng nhưng lãnh đạo đương nhiệm của TP. HCM đã biết lắng nghe. Nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân Thủ Thiêm gần đây của Chủ tịch thành phố đã giúp lãnh đạo tìm giải pháp, từng bước tháo gỡ mớ bòng bong do những người tiền nhiệm để lại.
Bởi thế, việc lãnh đạo không chịu tiếp công dân, hoặc tiếp chiếu lệ cho xong chuyện đừng nghĩ đơn giản chỉ là việc hành chính sự vụ hằng ngày. Đã có luật quy định pháp luật mà lãnh đạo vi phạm thì liệu có đủ tư cách ngồi trên ghế quyền lực nữa không?
Và, xin nhắc lại lời đại biểu Vũ Trọng Kim trao đổi với báo chí: “Nếu một năm mà anh không thực hiện được việc đó thì anh phải rời ghế đi. Công việc của anh là công việc với dân mà anh không làm được thì nên nghỉ.”!
Nguyễn Duy Xuân
-----
[1]. Nhiều chủ tịch tỉnh ít tiếp dân, Người Lao động, 15/11/2018.
[2] 'Chủ tịch mà không tiếp dân thì nên nghỉ đi', Tuổi trẻ online, 14/11/2018.
Cảnh báo những kẻ lươn lẹo, “sống giả” chui vào vị trí lãnh đạo
Một trong những biểu hiện tinh vi nhất của những kẻ cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch” là thái độ “sống giả”.
Khởi tố cựu lãnh đạo Đà Nẵng và chuyện ‘mồi ngon’ đất vàng
Nếu tình trạng tham nhũng đất đai không được kiểm soát, nhà nước không chỉ mất đi nguồn thu ngân sách, mà còn cả niềm tin của nhiều công dân.
Cán bộ lãnh đạo: Trong sạch và không lợi ích nhóm?
Một khi từng cá nhân thừa quyền lực, giàu tiền bạc, dư lòng tham câu kết hình thành “sâu bầy” bòn rút nguồn lực quốc gia, thì sự nguy hại tăng gấp bội.
Không phải cứ viết lên trán chữ 'cộng sản' là được dân yêu
Sẽ không còn những cán bộ lãnh đạo chỉ biết ra rả rao giảng đạo đức mà hành động khác hẳn? Đó là kì vọng lớn của nhân dân.
Chuyện cán bộ cấp cao giàu nhờ bán chổi chít, nuôi lợn, nuôi gà
Câu chuyện đang được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay là 2 nữ cán bộ cấp cao đã nhiều lần thiếu trung thực trong việc kê khai tài sản, lạm dụng chức quyền ký các quyết định có lợi cho bản thân.