Hành trình từ Hà Nội qua cầu Tân Đệ (Thái Bình) chỉ với 100km đường nhưng có tới 4 trạm thu phí bủa vây với tổng mức thu lên đến 150.000 đồng, cao hơn cả tiền xăng xe. Đó là nghịch lý của thu phí BOT hiện nay.

Đánh giá 5 năm đầu tư hạ tầng giao thông BOT, BT, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho hay, chủ trương xã hội hoá, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải là cần thiết trong tình trạng ngân sách nhà nước hạn hẹp.

Trong 5 năm qua, đã huy động được hơn 185.000 tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường BOT, nhờ đó các đường như quốc lộ 1, quốc lộ 5 chất lượng tốt, đảm bảo an toàn giao thông. Bên cạnh đó, hiện cả nước đã có trên 700km đường cao tốc, tạo sự đột phá phát triển kinh tế xã hội.

{keywords}

Ảnh minh hoạ.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng chỉ ra 4 bất cập của các tuyến đường BOT:

Thứ nhất, đặt trạm thu phí không đúng vị trí. Ví dụ như trạm thu phí số 1 và số 2 trên đường quốc lộ số 5. Theo quy định thu phí đường bộ, hai trạm này phải giải thể từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn duy trì để hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng. Đến nay, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã đưa vào khai thác nhưng vẫn thu phí.

Hoặc trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài, Long Xuyên - Cần Thơ cũng gây nhiều bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, trạm thu phí quá gần nhau, dày đặc, manh mún, người dân và doanh nghiệp không có quyền lựa chọn.

Ví dụ: Tuyến đường Hà Nội - Thái Bình dài 100km phải đi qua 4 trạm, hết 7-8 lít xăng tương đương với khoảng 120.000 đồng nhưng tiền phí một lượt lên đến 150.000 đồng. Tiền phí cao hơn cả tiền xăng xe làm đảo lộn chi phí vận tải.

Thứ ba, thu phí tiền mặt vẫn thiếu minh bạch, xảy ra tình trạng thu thì tắc mà thả thì tiếc. Điều này thể hiện rõ ở cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Theo quy định, ùn tắc 1km phải mở cửa cho người dân qua nhưng hiện nay không ai mở, gây bức xúc cho doanh nghiệp vận tải.

Thứ tư, vẫn còn tình trạng phí chồng phí như tuyến Hà Nội - Thái Bình. Liền tù tì 4 trạm thu phí.

Từ những bất cập trên, ông Nguyễn Văn Thanh kiến nghị nhanh chóng khắc phục càng sớm càng tốt. Việc khắc phục này theo ông Thanh cũng không quá khó và tốn tiền.

- Công khai minh bạch tại các trạm thu phí BOT như chủ đầu tư tên gì, đoạn đường tư đâu đến đây, mức đầu tư sau khi kiểm toán, lộ trình và thời gian thu phí bao nhiêu năm để người sử dụng đường giám sát.

- Cần kiểm soát tổng mức đầu tư, giám sát thi công chất lượng. Hiện nay, đầu tư dự án BOT ở Việt Nam vẫn rất cao gồm nhiều lí do. Chẳng hạn như đầu tư xây dựng đường quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy giải phóng mặt bằng chiếm 20% tổng mức đầu tư, phí dự phòng 20%, lãi suất ngân hàng 10%...

Cần phải giám sát chặt để giảm đầu tư, hoặc nhà nước cũng nên hỗ trợ về lãi suất ngân hàng, giải phóng mặt bằng để tổng mức đầu tư giảm, thu phí đường bộ giảm theo để giảm sức chịu đựng của người dân.

- Nhanh chóng áp dụng thu phí không dừng, công khai thu minh bạch, giao cho một công ty thu.

- Mặt đường xuống cấp phải dừng thu phí bao nhiêu ngày, thậm chí tước quyền thu phí nếu chủ đầu tư không bảo trì đúng quy định.

- Xử lý nghiêm các trạm thu phí không tuân theo sự chỉ đạo của Nhà nước về tăng phí như vậy có nghĩa là trên bảo dưới không nghe, làm cho giới vận tải rất bức xúc.

"Phó Thủ tướng vừa tuyên bố không tăng phí BOT trong thời gian này thế mà trạm Mỹ Lộc vẫn cứ tăng đó là trên bảo dưới không nghe. Chúng tôi chia sẻ với nhà đầu tư nhưng chúng tôi cũng đang chịu bảng giá phí cao khiến cước vận tải tăng. Trong khi giá cước xăng dầu cũng vừa tăng theo. Khi giá xăng dầu giảm, người dân nói chúng tôi móc túi người tiêu dùng nhưng giá BOT vẫn cao thế thì giảm làm sao", ông Thanh bức xúc.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2011-2015, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án, gồm 58 dự án BOT (tổng mức đầu tư 170.355 tỷ đồng) và 4 dự án BT (tổng mức đầu tư 16.305 tỷ đồng).

(Theo Trí Thức Trẻ)