Các công ty bảo hiểm cho hay, đã tiếp nhận hàng nghìn yêu cầu bồi thường bao gồm các thiệt hại về nhà cửa, phương tiện, cơ sở sản xuất và con người sau cơn bão số 3 (Yagi) và nhanh chóng kích hoạt hệ thống đánh giá thiệt hại, xử lý yêu cầu bồi thường. Tổng mức khiếu nại tổn thất lên tới gần chục nghìn tỷ đồng.
Trong đó, CTCP PVI (HNX-PVI) công bố ước tính tổng mức khiếu nại tổn thất do cơn bão Yagi đến ngày 23/9 là hơn 3.000 tỷ đồng, tăng khoảng 1.000 tỷ đồng so với thời điểm cập nhật vào sáng 11/9.
Tính đến ngày 23/9, Bảo hiểm PVI đã ghi nhận 751 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xe cơ giới và con người. PVI bắt đầu tiến hành tạm ứng chi trả cho những khách hàng bị tổn thất tài sản với số tiền là 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đánh giá tổn thất lần này là không dễ dàng, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, do sức tàn phá quá khủng khiếp của cơn bão.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVI không giảm nhiều. Cổ phiếu này từ mức 47.000 đồng hôm 6/9 (trước khi cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam ngày 7/9) xuống mức 45.000 đồng/cp như hiện tại.
Sở dĩ cổ phiếu PVI giảm không nhiều được cho là do đại gia bảo hiểm Đức HDI Global SE đã đăng ký mua thêm 2,95 triệu cổ phiếu ngay sau cơn bão (12/9) và thực hiện giao dịch mua hơn 2,775 triệu cổ phiếu (18/9).
Nếu tính theo giá giao dịch bình quân của cổ phiếu PVI trong phiên 18/9 là 45.000 đồng thì hãng bảo hiểm của Đức đã chi gần 125 tỷ đồng cho thương vụ tăng thêm sở hữu tại PVI.
Với giao dịch này, HDI Global SE nâng tổng số cổ phần nắm giữ tại PVI lên hơn 99,15 triệu đơn vị, tương đương 42,33%.
Bên cạnh đó, cổ đông có liên quan là Funderburk Lighthouse Limited vẫn nắm giữ hơn 29,5 triệu cổ phần, tương đương 12,61%. Tổng cộng, nhóm đại gia bảo hiểm Đức nắm gần 128,7 triệu cổ phần PVI, tương đương 54,94%. Trước đó, hôm 9/9, HDI Global SE đã mua 161.600 cổ phiếu PVI.
Công ty HDI Global SE được biết đến là doanh nghiệp do Tập đoàn Bảo hiểm Talanx của Đức sở hữu 100% vốn điều lệ. HDI Global SE hiện nắm giữ cổ phần chi phối tại PVI Holdings - công ty nắm giữ 100% cổ phần Bảo hiểm PVI.
Sau khoảng một tuần giảm khá mạnh sau bão Yagi, cổ phiếu nhóm ngành bảo hiểm đã hồi phục, mức giảm so với trước bão chỉ còn khoảng 3-7%.
Trước bão, hôm 6/9, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt ở mức 44.800 đồng/cp và tới 26/9 mã này ở mức 43.300 đồng/cp, tương đương mức giảm 3,3%. BVH ước tính bồi thường tổn thất do bão Yagi tới ngày 18/9 là 955 tỷ đồng.
Cổ phiếu PTI của Bảo hiểm Bưu điện ghi nhận 5 phiên tăng và 3 phiên đứng giá trong 10 phiên gần đây. Cổ phiếu này còn tăng so với trước bão, tính tới 26/9 có giá 32.500 đồng/cp so với mức 30.600 đồng/cp hôm 6/9.
Có thể thấy, mức thiệt hại do bão là nặng nề. Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng có các khoản dự phòng khá lớn. Tính tới cuối quý II/2024, PVI có dự phòng gần 15.900 tỷ đồng, trong đó dự phòng bồi thường hơn 6.903 tỷ đồng và dự phòng chi phí chưa được hưởng 8.519 tỷ đồng.
Bảo hiểm Bưu điện (PTI) ước tính tới 12/9 tiền bồi thường là 200 tỷ đồng. Con số này không lớn so với dự phòng của doanh nghiệp này. Tính tới cuối quý II/2024, PTI có dự phòng hơn 4.082 tỷ đồng, trong đó dự phòng bồi thường là gần 1.424 tỷ đồng.
Trong khoảng năm rưỡi qua, các doanh nghiệp ngành bảo hiểm gặp nhiều khó khăn. Bảo hiểm nhân thọ sụt giảm lợi nhuận do doanh số sụt giảm khi các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư không còn dễ bán như trước. Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ đầu năm 2023 và Thông tư 67 từ cuối năm ngoái đưa ra chính sách chặt chẽ hơn, chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Bảo hiểm phi nhân thọ cũng phục hồi chậm khi ngành bảo hiểm đang hứng chịu định kiến tiêu cực từ xã hội, sau những ồn ào trong hơn một năm qua trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ.
Tuy nhiên, trong quý II/2024, một số doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận sự hồi phục khá tích cực. Lợi nhuận của PVI 6 tháng đầu năm tăng hơn 40% so cùng kỳ. Bảo hiểm BIC cũng có mức tăng trưởng tương tự. Còn PTI quý II/2024 ghi nhận mức tăng lợi nhuận gần 8%.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn được đánh giá có triển vọng tích cực và hút mạnh vốn ngoại. Trong khi nhiều thị trường bảo hiểm quốc tế như tại Đức đã không còn tăng trưởng nữa thì bảo hiểm Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn do kinh tế ở thời kỳ đầu phát triển.
Hiện ở PVI, các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ tỷ lệ cổ phần áp đảo, với khoảng 56%. Còn tại Bảo Việt, Sumitomo Life nắm hơn 22%, một số quỹ khác nắm khoảng 1,6%...