Kiệt sức
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết, khảo sát gần đây của Hiệp hội chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp đã trở lại trạng thái bình thường, 9% vượt qua những khó khăn bước đầu,... Số doanh nghiệp khó khăn và rất khó khăn vẫn chiếm tới 84%, nguyên nhân chủ yếu do thiếu vốn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, bị thu hẹp thị trường, cắt giảm lao động vì khó khăn...
Cuộc khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tác động của Covid-19 mới đây cũng cho thấy, hơn 68% doanh nghiệp bị giảm doanh thu, gần 50% thiếu hụt dòng tiền. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đối diện với khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào (28,6%), khó khăn duy trì sản xuất đơn hàng đã ký (23,1%)...
Còn theo khảo sát lần thứ ba do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tiến hành giữa tháng 8/2020, sau khi đợt dịch thứ hai bùng phát trở lại, sức khoẻ doanh nghiệp thêm “kiệt quệ". 20% số DN phải dừng hoạt động, 76% không cân đối được thu chi, 2% đã giải thể và chỉ 2% tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Những gói hỗ trợ tới đây cần hướng tới củng cố niềm tin, tạo động lực cho doanh nghiệp |
Trong khi đó, các gói hỗ trợ dường như ngoài tầm với của hầu hết các doanh nghiệp. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, có tới 76% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của nhà nước. Chỉ có 10% doanh nghiệp đã được ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay, 5% doanh nghiệp được tạm ngừng đóng quỹ hưu trí, chưa có doanh nghiệp nào được vay gói lãi suất 0% để trả lương người lao động.
VCCI đánh giá các gói an sinh xã hội thực hiện chậm, mới chỉ đạt 20-25% kế hoạch. Còn gói tiền tệ - tín dụng (giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất,... ) đạt được trên 50%. Như vậy, nhiều doanh nghiệp chưa được hỗ trợ kịp thời.
Các doanh nghiệp phàn nàn, nhiều gói hỗ trợ đưa ra những tiêu chí bất hợp lý như không có nợ xấu, phải trả 50% bảo hiểm, phải chứng minh hết tiền... vì vậy nằm ngoài tầm với của họ. Chẳng hạn như gói cho vay lãi suất 0% để trả lương người lao động, lo thủ tục để vay được gói này còn khó hơn vay ngân hàng bình thường.
Chờ đợi gói giải cứu mới
Còn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy 9 tháng đầu năm 2020 có tới 78.306 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, có 38.629 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm 2019, cao hơn gấp 3,7 lần so với mức tăng trung bình 21,9% của giai đoạn 2015-2019. Tuy số lượng doanh nghiệp đã hoàn tất giải thể, hoặc chờ giải thể không lớn hơn nhiều so với năm trước, nhưng việc có quá nhiều doanh nghiệp đang ở trạng thái “ngủ đông” cho thấy sự ảnh hưởng lớn và dai dẳng của đại dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Hầu hết doanh nghiệp vẫn đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid 19. |
Đây là thời điểm các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ, để có thể tồn tại và vượt qua khó khăn. Trước thông tin Chính phủ đang tính toán cho gói hỗ trợ đợt 2, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần ban hành sớm cùng những giải pháp hiệu quả. Những gói hỗ trợ tới đây cần hướng tới củng cố niềm tin, tạo động lực cho doanh nghiệp và quá trình làm chính sách phải thực sự đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu.
Ngày càng nhiều kiến nghị, đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp vay, với lãi suất từ 0-3% để vượt qua khó khăn do đại dịch. Chính phủ có thể phát hành trái phiếu với kỳ hạn 5-10 năm để hút tiền về, sau đó cho các doanh nghiệp vay lại đúng bằng lãi suất phát hành. Bởi hiện nay, nhiều đợt phát hành trái phiếu Chính phủ, lãi suất còn dưới 2%/năm. Trong đó, đối tượng mua trái phiếu Chính phủ nhiều nhất, vẫn là các ngân hàng thương mại, do tăng trưởng tín dụng còn thấp, thanh khoản dồi dào.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại và sớm xây dựng một số chính sách, gói hỗ trợ bổ sung (giai đoạn 2) giúp người dân, doanh nghiệp vượt khó với quy mô 2,5% GDP nữa.
Nhiều chuyên gia cũng đề xuất gói hỗ trợ thuế thứ 2, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho tất cả các doanh nghiệp và giảm 50% thuế giá trị gia tăng để kích cầu tiêu dùng.
Theo các chuyên gia kinh tế, điều quan trọng nhất hiện nay không hẳn là tăng trưởng GDP bao nhiêu, giữ bội chi ngân sách thế nào mà phải đảm bảo sự tồn tại của lực lượng doanh nghiệp, đang chịu tổn hại nặng nề vì dịch bệnh. Nếu doanh nghiệp “chết” hàng loạt thì khó khăn vô cùng, hệ lụy là tỷ lệ thất nghiệp gia tăng gây áp lực lớn cho xã hội.
Bộ Tài chính nhận định, mặc dù thu ngân sách năm 2020 giảm so với dự toán nhưng dư địa tài khoá lớn, khả năng bù đắp và đặc biệt bù đắp tăng chi cho đầu tư phát triển và phòng chống dịch hoàn toàn có dư địa.
Trần Thủy