Thủ tục hành chính vẫn là nỗi ám ảnh của DN. Môi trường kinh doanh vẫn còn khoảng xa so với Singapore, Malaysia, Thái Lan và mục tiêu ASEAN 4. DN trong nước yếu, song nhìn vào bộ máy, ông Trần Đình Thiên nhắc đến thực trạng đông người hưởng lương, “họp lu bù là phổ biến và là bệnh nan y”.
Nỗi sợ của doanh nghiệp
“DN sợ nhất tầm 10-11h đêm có quan chức gọi đến nhà hàng để thanh toán tiền ăn”, TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ như vậy để nói về tệ nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN của một bộ phận cán bộ quản lý tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy”, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 15/11.
Ý kiến của ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, cũng là vấn đề nhiều đại biểu đề cập, ngoài những vấn đề đã được nói suốt cả chục năm nay về động lực tăng trưởng như tăng trưởng theo chiều sâu, chú ý chất lượng tăng trưởng, đào tạo nhân lực, tăng năng suất,...
Môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN. |
Là người sát sao với hơi thở của DN, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng rút lời gan ruột khi tường thuật lại những gì DN phản ánh về môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Bà Phạm Chi Lan kể: Khi hỏi DN, họ đều trả lời đã thấy nỗ lực xóa bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho DN nhưng mới chỉ ở tầm Chính phủ. Còn về đến bộ, ngành địa phương nỗ lực ấy giảm đi nhiều.
“Nỗ lực của các nơi vẫn là giữ lại các điều kiện kinh doanh mà Chính phủ yêu cầu bãi bỏ, hơn là bãi bỏ bớt các điều kiện bất cập, bất hợp lý cho DN”, bà Lan nhấn mạnh đến 2 từ “nỗ lực” trong ngoặc kép.
“Mối quan tâm của DN không phải là mất thời gian đi chiến đấu với bộ máy để đỡ khó khăn cho mình, mà họ chỉ muốn chiến đấu với các đối thủ cạnh tranh, tận dụng thời cơ hội nhập, công nghệ mang lại,... ”, bà Lan bộc bạch. “Cho nên, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là vô cùng bức bách ở Việt Nam, cần quan tâm nhiều thời gian tới”.
Nhấn mạnh thủ tục hành chính vẫn là nỗi ám ảnh của DN, cần phải cải cách thể chế kinh tế gắn với tài chính công và hành chính công, TS. Trần Du Lịch chia sẻ: Mỹ có nhiều giấy phép con nhưng không phiền hà vì bộ máy hành chính tạo mọi điều kiện để người dân thực thi pháp luật. Không thực thi thì chế tài cực nghiêm.
“Bộ máy của ta để vi phạm, rồi xử lý kiểu gãi ngứa, xây nhà trái phép, ô nhiễm môi trường phạt cho tồn tại.... ”, ông Trần Du Lịch nói.
Cán bộ thích "quản"
Trong bài trình bày dài, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhắc đến môi trường kinh doanh với sức khỏe DN.
Ông Trần Đình Thiên nhắc lại câu chuyện của GS. Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản. GS Ohno từng kể rằng khi trở lại Việt Nam sau 5 năm, ông thấy các bạn Việt Nam vẫn đang say sưa tranh luận về những vấn đề của 5 năm trước. Nếu Kenichi Ohno trở lại sau 10 năm nữa thì chắc vẫn thấy như vậy. |
Ông Thiên nhận định: Thể trạng của khu vực kinh tế trong nước vẫn yếu, hầu hết các DN chưa hồi phục lại được mức trước khủng hoảng.
Tỷ lệ DN có đóng thuế thu nhập doanh nghiệp trên tổng số DN hoạt động giảm mạnh: từ 60-70% năm 2010 giảm xuống còn trên 30% năm 2015-2016.
Tỷ lệ lợi nhuận trước thuế so với tài sản cố định và đầu tư dài hạn của các DN có xu hướng giảm đối với tất cả các thành phần: năm 2010 tỷ lệ này của DN FDI, DNNN và DN ngoài Nhà nước tương ứng là 16%, 7% và 5% thì năm 2015 giảm xuống còn 12%, 3% và 4%.
Theo ông Thiên, trong 4 động cơ tăng trưởng của Việt Nam (kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, nông nghiệp và FDI), chỉ có khu vực FDI “ăn nên làm ra” nhờ tận dụng được những lợi thế của nền kinh tế Việt Nam, ít bị trói buộc bởi các thể chế, chính sách của Việt Nam và hạn chế được những tác động tiêu cực.
DN trong nước yếu, song khi nhìn vào bộ máy, ông Thiên nhắc đến thực trạng đông người hưởng lương, “họp lu bù là phổ biến và là bệnh nan y”.
Chính phủ đang muốn tinh giản biên chế. |
Theo đó, dân số 93 triệu người phải “nuôi” 2,8 triệu công chức, viên chức + hưu trí + người hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách. Tổng cộng là 7,5 triệu người. Tính toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương từ ngân sách lên tới 11 triệu người (11,5% dân số).
Cán bộ đông, mỗi bộ ở Việt Nam có 5-7 thứ trưởng, trong khi các nước phát triển, bộ chỉ có một, thậm chí không có thứ trưởng mà công việc vẫn chạy trơn tru. Vấn đề là ở thể chế vận hành.
“Khác Việt Nam, các bộ của họ không can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất mà chỉ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách. Cơ chế “bộ chủ quản” ở Việt Nam còn nặng, cán bộ thích “chủ quản” hơn là xây dựng thể chế”, ông Thiên nhận xét.
Thế nên, khi Ngân hàng Thế giới xếp hạng hiệu lực quản lý nhà nước của Việt Nam thì trong ASEAN Việt Nam hơn được Lào, Campuchia,... còn thua xa Singapore, Brunei, Thái Lan, Philippines, Indonesia.
Dù ghi nhận sự cải thiện nhất định của môi trường kinh doanh, song TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, vẫn quan ngại vì còn xa so với Singapore, Malaysia, Thái Lan và mục tiêu ASEAN 4. Riêng về năng lực cạnh tranh Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong ASEAN.
Vì vậy, theo TS Nguyễn Đình Cung, cần làm cho hoạt động kinh doanh tự do hơn, thuận lợi hơn, an toàn hơn, rủi ro giảm và chi phí giảm; tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh hiện có cả về quy mô và cường độ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng việc phát triển nhanh, bền vững là chủ trương rõ ràng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và là mệnh lệnh của cuộc sống để rút ngắn khoảng cách với các nước khác trên thế giới. Theo đó, tăng trưởng nhanh và bền vững dựa trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, hội nhập kinh tế quốc tế và ngược lại, tăng trưởng nhanh và bền vững sẽ tăng cường ổn định vĩ mô, hội nhập quốc tế. Về mặt xã hội, tăng trưởng nhanh, bền vững phải bảo đảm tăng trưởng bao trùm, toàn diện vì con người. “Nếu không huy động đông đảo người dân tham gia đóng góp cho tăng trưởng thì sự tăng trưởng sẽ không thành công và thành quả của tăng trưởng không được chia sẻ tới các tầng lớp nhân dân thì tăng trưởng sẽ không có ý nghĩa gì, không bảo đảm được mục tiêu không một ai bị bỏ lại phía sau”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. |
Lương Bằng