Thông tin về kết quả hoạt động của ngành TT&TT trong tháng 4/2023, Bộ TT&TT cho biết, trong tháng qua, doanh thu toàn ngành ước đạt 313.475 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 4/2023 ước đạt 1.139.333 tỷ đồng.

Nộp ngân sách nhà nước trong tháng 4/2023 ước đạt 8.172 tỷ đồng, tăng trưởng 3% so với tháng trước đó và giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 4/2023 ước đạt 31.302 tỷ đồng, tăng trưởng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Viễn thông vẫn đang là 1 trong những lĩnh vực đóng góp doanh thu lớn cho ngành TT&TT.

Thời gian vừa qua, các lĩnh vực quản lý của Bộ TT&TT đều thu được những kết quả tích cực. Đơn cử như, với viễn thông, ước tính đến hết tháng 4, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 76,68%, tăng 6,68% so với cùng kỳ năm ngoái; số thuê bao băng rộng cố định đạt 21,86 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 22 thuê bao/100 dân), tăng 8,76% so với cùng kỳ năm ngoái; số thuê bao băng rộng di động đạt 85,5 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 86 thuê bao/100 dân), tăng 9,34% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Về chuyển đổi số quốc gia và Chính phủ số, tính đến cuối tháng 4/2023, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp toàn trình đã là trên 84,1%, tăng hơn 7% so với thời điểm hết tháng 3. 

Hai chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến gồm tỷ lệ về dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ online toàn trình trên tổng số hồ sơ của các dịch vụ công trực tuyến toàn trình lần lượt đạt 51,3 và 54,8%. Mục tiêu của 2 chỉ tiêu quan trọng này trong năm 2023 là 80% và 60%.

Hay trong lĩnh vực báo chí truyền thông, tháng 4 vừa qua, Bộ TT&TT đã ra mắt nền tảng quảng bá Việt Nam bằng nhiều thứ tiếng tại địa chỉ vietnam.vn. Đây là nền tảng tổng hợp thông tin từ trên 100 cơ quan báo chí lớn, 63 cổng thông tin của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các nguồn dữ liệu của nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nhằm cập nhật, cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, đa chiều về Việt Nam. Nền tảng này được kỳ vọng sẽ đóng góp hiệu quả vào công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại của đất nước trong thời gian tới.

Về phương hướng hoạt động tháng 5, Bộ TT&TT đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm như: Hoàn thiện dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), trình Chính phủ Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi.

Cũng trong tháng 5 này, Bộ TT&TT sẽ phê duyệt kết quả đấu giá băng tần 2.3GHz cho thông tin di động IMT; phát hành bộ tem bưu chính Nhà sàn Bác Hồ trong khu di tích Phủ Chủ tịch; ra mắt nền tảng Hỗ trợ xây dựng và quản lý tuân thủ cấp độ an toàn hệ thống thông tin.

Tiếp tục chấn chỉnh, xử lý báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin điện tử tổng hợp, báo hoá mạng xã hội và biểu hiện tư nhân hoá báo chí; thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra chống báo hóa trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và quản lý quảng cáo xuyên biên giới giai đoạn 2; tổ chức đoàn kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.

Đồng thời, triển khai xây dựng báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Báo chí để chuẩn bị cho công tác Lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí. Tổ chức “Hội thảo về triển khai Chương trình xuất bản sách nhà nước đặt hàng và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững”.