Đối với giới phê bình văn học, việc tạo ra một lý thuyết đầy đủ, hấp dẫn, giải thích tường tận ý nghĩa, vai trò của việc đọc tiểu thuyết là điều quan trọng. Nhiều học giả uy tín đã cố gắng thực hiện.

Tuy nhiên, Wasington Post cho rằng đa số dự án như vậy có xu hướng phán xét, mang màu sắc nghiên cứu chuyên sâu, tạo ra các tranh luận học thuật trong giới phê bình thay vì gợi mở cho độc giả.

Trái lại, Joseph Epstein đặt ra vấn đề gần gũi hơn nhiều. Biên tập viên lâu năm của tạp chí American Scholar, đồng thời là một nhà phê bình văn học cần mẫn, giới thiệu một quyển sách mới, ngắn gọn nhưng hấp dẫn và mang theo kỳ vọng của tác giả: The Novel, Who Needs It?.

Bìa sách 'The Novel, Who Needs It?'. Ảnh: Encounter Books.

“Đọc các quyển tiểu thuyết hay sẽ đánh thức tâm trí theo cách mà không thứ gì khác có thể làm được”, tác giả nhận định, đồng thời nhắc sơ lược một số lý thuyết nổi tiếng về vấn đề này.

Joseph Epstein cũng cho rằng không có hình thức nào khám phá sâu vào bí ẩn bên trong bản chất con người như tiểu thuyết. “Điều mà tiểu thuyết làm tốt hơn bất kỳ hình thức nào khác là cho phép người đọc khám phá nội tâm hay bí mật, cuộc sống của các nhân vật”, ông viết.

Xuyên suốt quyển sách, tác giả chỉ ra sự khác biệt khi đọc tiểu thuyết so với nội dung khác. Ông mô tả cách hoạt động của trí óc con người khi tiếp nhận tiểu thuyết.

Theo Joseph Epstein, một số tiểu thuyết nhất định chỉ phù hợp với độ tuổi nào đó. Có những tiểu thuyết cần đọc trước độ tuổi 20, trong khi số khác không nên đọc sớm hơn 40 tuổi.

Tiểu thuyết cho phép người đọc khám phá nội tâm hay bí mật, cuộc sống của các nhân vật. Ảnh: iStock.

Tác giả The Novel, Who Needs It? cũng cho rằng kiến thức có được từ việc đọc tiểu thuyết khác biệt với mọi loại kiến thức còn lại. Chủ đề của các tiểu thuyết hư cấu xuất sắc chính là sự tồn tại của con người, trong thế giới đa dạng và hỗn loạn của nó. Tiểu thuyết thôi thúc độc giả đặt nghi vấn đối với những điều mà người khác xem như là sự thật.

Điều đó được chứng minh bằng thực tế rất nhiều triết gia, nhà khoa học xã hội, luật gia và những nhà trí thức quan trọng khác là độc giả trung thành của tiểu thuyết, trong số đó có Oliver Wendell Holmes, Michael Oakeshott, Edward Shils và Clifford Geertz.

Bên cạnh đó, The Novel, Who Needs It? cũng đề cập việc các yếu tố hiện đại ảnh hưởng đến chất lượng của các tiểu thuyết ra mắt gần đây. Một số vấn đề nổi bật gồm sự bùng nổ của hình thức đọc trực tuyến, mở rộng chương trình sáng tạo nội dung hay việc phổ biến tư duy chữa lành.

Nguyễn Hiếu (Theo Wasington Post, Encounter Books)