NDT rớt khỏi đỉnh 17 tháng

Trong phiên giao dịch đầu tuần, đồng USD bất ngờ hồi phục mạnh trong khi Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc quay đầu giảm nhanh. Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh cả chính quyền ông Donald Trump và Bắc Kinh có những thay đổi về chính sách.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra đề xuất gói kích thích kinh tế 1.800 tỷ USD trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, nhích gần hơn tới mức 2.200 tỷ USD của Đảng Dân chủ.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương (NHTW) Trung Quốc PBOC đưa ra quyết định nới lỏng các quy định giao dịch đồng Nhân dân tệ (NDT), khiến đồng tiền này rơi mạnh khỏi đỉnh 17 tháng.

Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc suy yếu ngay sau khi PBOC cho biết họ sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tài chính khi tiến hành một số giao dịch ngoại hối kỳ hạn. Cụ thể, PBOC cắt giảm tỷ lệ dự trữ rủi ro ngoại hối cho các hợp đồng kỳ hạn từ 20% xuống 0%. Đây là tín hiệu cho thấy, Bắc Kinh muốn làm chậm quá trình tăng giá của đồng tiền này, vốn đã lên mức cao nhất trong 1,5 năm qua vào cuối tuần trước.

{keywords}
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc biến động mạnh theo các chính sách của Bắc Kinh.

Động thái của PBOC được đánh giá là nhằm ổn định đồng NDT sau khi đồng tiền này tăng tới 6,6% kể từ tháng 5 cho tới cuối tuần trước lên mức 6,69 NDT đổi 1 đồng USD. Trong bước tiếp theo, nhiều khả năng PBOC sẽ tiếp tục duy trì sự linh hoạt của tỷ giá hối đoái đồng NDT và ổn định kỳ vọng của thị trường.

Dù vậy, cú đảo chiều chính sách này có thể chỉ trong ngắn hạn khi mà ông Donald Trump đang gặp khó trong cuộc bầu cử tại Mỹ. Một đồng USD tăng giá và đồng NDT giảm giá là điều ông chủ Nhà Trắng không hề mong muốn.

Trước đó, Trung Quốc đã có một sự thay đổi lớn về chính sách, đảo chiều và trở lại hỗ trợ sức mạnh của đồng NDT để đối đầu với Mỹ về dài hạn trong bối cảnh cuộc chiến Mỹ - Trung ngày càng leo thang và ông Donald Trump không ngừng ra đòn nhắm vào Bắc Kinh.

Nhiều nhận định cho rằng, Trung Quốc để đồng NDT tăng giá trong vài tháng qua khi mà chủ tịch nước này Tập Cận Bình muốn xây dựng một nền kinh tế tự chủ hơn. Một đồng NDT mạnh giúp hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn và kích thích tiêu dùng vốn vẫn còn yếu ở thị trường nội địa, qua đó đẩy mạnh tốc độ hồi phục của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Trên Bloomberg, ngân hàng DBS và Mizuho cho rằng, chính sách duy trì một đồng NDT mạnh đánh dấu một sự thay đổi lớn từ tư duy giữ đồng NDT yếu để thúc đẩy xuất khẩu trước đây của giới lãnh đạo Trung Quốc.

Bắc Kinh tính quyền lực mềm về dài hạn

Đồng NDT tăng trong vài tháng qua còn do tăng trưởng của Trung Quốc đang tốt hơn nhiều so với Mỹ và phần còn lại của thế giới, cũng như chênh lệch lãi suất có lợi cho Trung Quốc. Về trung và dài hạn, đồng NDT được dự báo sẽ vẫn còn nguyên vẹn về triển vọng tốt đẹp.

Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất và cam kết giữ ở gần mức 0% trong vài ba năm tới, NHTƯ Trung Quốc đã đảo ngược phần lớn sự sụt giảm của lãi suất ngắn hạn. Điều này có nghĩa là lợi suất kho bạc Trung Quốc được thiết lập cao hơn so với các thị trường lớn khác, giúp thu hút các nhà đầu tư vào trái phiếu chính phủ Trung Quốc, dẫn đến dòng tiền đổ vào đồng NDT.

Đồng NDT tăng giá cùng với sự đi lên của chứng khoán Trung Quốc. Vốn hóa thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm 12/10 vượt mức 10 nghìn tỷ USD lần đầu tiên kể từ năm 2015, sau vụ sụp đổ kỷ lục thổi bay một nửa giá trị thị trường và khiến hàng triệu nhà đầu tư thua lỗ.

{keywords}
Mỹ-Trung cạnh tranh vị thế số 1 trên thế giới.

Chứng khoán Trung Quốc đã có thêm 3.300 tỷ USD vốn hóa kể từ mức thấp vào tháng 3 nhờ vào các chính sách khuyến khích giao dịch của Bắc Kinh, hàng loạt cổ phiếu niêm yết mới với các quy định được nới lỏng.

Sự phục hồi của đồng USD trong phiên đầu tuần được dự báo chỉ trong ngắn hạn, về dài hạn vẫn trong xu hướng đi xuống. Goldman Sachs thậm chí còn cho rằng, đồng USD có thể giảm xuống mức thấp nhất ghi nhận năm 2018 khi ông Joe Biden bỏ xa ông Donald Trump trong các cuộc thăm dò tại Mỹ.

Còn đồng NDT, mặc dù giảm giá sau chính sách mới của Trung Quốc nhưng nhìn chung vẫn trong xu hướng tăng giá, với 3,9% trong quý III. Đây được xem là chiến lược dài hạn của Trung Quốc, theo một số chuyên gia trên Bloomberg, sẽ giúp Trung Quốc thoát dần khỏi đồng USD và tối ưu hóa khả năng phân bổ nguồn lực của chính quyền nước này.

Một đồng NDT mạnh hơn có thể kích thích nhập khẩu và giúp thị trường tiêu dùng nội địa mở rộng thêm. Chính quyền Bắc Kinh không chịu nhiều áp lực hạ giá đồng NDT, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu hiện đóng vai trò thứ yếu trong tăng trưởng.

Trên CNBC, Morgan Stanley nhận định 10 năm tới sức ảnh hưởng của NDT sẽ ngày một gia tăng trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa thị trường tài chính rộng hơn và xúc tiến các động thái giảm thiểu lệ thuộc vào USD.

Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh nỗ lực để tung ra một loại tiền kỹ thuật số có chủ quyền, nâng tầm nó như một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính độc lập trong kỷ nguyên kỹ thuật số, nhất là trong bối cảnh PBOC đưa ra một chiến lược kinh tế hướng nội mới - lưu thông kép - để hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai.

PBOC đã đang chạy các thử nghiệm liên quan đến hệ thống Thanh toán điện tử tiền tệ kỹ thuật số (DCEP) ở 4 thành phố: Tô Châu, Xiongan, Thâm Quyến và Thành Đô đề nhằm thay thế tiền mặt, duy trì sự kiểm soát của chính phủ đối với tiền tệ và tạo ra nhiều kịch bản ứng dụng bán lẻ nhỏ nhất có thể.

Tuy nhiên, khả năng đồng NDT vươn lên cạnh tranh ngang ngửa với đồng USD còn là điều xa vời. Trên CNBC, chuyên gia tài chính của Citibank đánh giá đồng NDT khó trở thành kênh trú ẩn an toàn thay thế đồng USD vì chưa đáp ứng được những yêu cầu cần thiết. Các “tài sản trú ẩn an toàn” có một số đặc tính nhất định, trong đó có giá trị lâu dài, tính thanh khoản và khả năng tiếp cận thị trường tài chính địa phương.

M. Hà