Một cơ quan mà chuyên viên chỉ vỏn vẹn gần 1/5 quân số, còn lại đều là "sếp", hoặc sếp thật hoặc "sếp hàm"!

Thời tôi còn là sinh viên đại học (đầu những năm 70 của thế kỷ trước), có lần GS Văn học Hoàng Xuân Nhị đến giảng bài, lớp chúng tôi kháo nhau thày Nhị có tiêu chuẩn xe ô tô riêng, nhưng thày không sử dụng. Tính thày vốn như vậy, dù là trí thức, sống ở Pháp nhiều năm rồi theo tiếng gọi của Bác Hồ mà về nước. Nhân chuyện này, tôi đã tìm hiểu về cái "Hàm" trong chức danh công chức nước ta.

Lúc đó, chúng ta có những chức danh được phiên ngang, đại loại như trong ngành Ngoại giao thì có thêm "Quốc vụ khanh”, phiên ngang hàm cỡ Bộ trưởng; "Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao" phiên ngang là hàm Thứ trưởng, cũng do đòi hỏi của công việc khi đi đàm phán hoặc tiếp khách.

Khi đất nước còn chế độ bao cấp, Đảng và Nhà nước từng có chính sách khá đặc biệt. Đó là với ai có học hàm giáo sư thì được cấp ô tô con, sổ mua nhu yếu phẩm (bìa B) và căn hộ khoảng 75 m2, cùng bậc lương là 160 đồng (tiền Việt Nam được phát hành từ 1958). Tóm lại, chế độ này cũng không khác gì chế độ của một quan chức có cấp hàm thứ trưởng.

{keywords}

Trong phiên chất vấn trước Quốc hội 17/11, bộ trưởng nội vụ Nguyễn Thái Bình bị "truy" về việc phong hàm vụ trưởng, vụ phó...  Ảnh: Thế Dũng/ TBKTSG

Sau năm1954, chúng ta rất thiếu các nhà khoa học giỏi. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm chuyện vận động trí thức ở nước ngoài trở về dựng xây Tổ quốc. Số giáo sư hồi đó chỉ đếm trong mười đầu ngón tay hoặc nhỉnh hơn chút xíu, không nhiều như bây giờ, nên cũng không đến mức khó xử. Thêm nữa, có những giáo sư, khi được gợi ý mời làm thứ trưởng, họ lại từ chối. Để hài hoà và cũng là "chiêu hiền đãi sĩ", mới có chính sách trên.

Song , dù vậy, cũng không ai gọi các Giáo sư là có" hàm" thứ trưởng, vì đó chỉ là cách tính chế độ đãi ngộ.

Lạm dụng, “hàm” liệu còn uy?

Mới đây, trên VietnamNet, thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đánh giá, "làm việc với lãnh đạo họ cần có vị thế nên việc phong hàm là cần thiết". Điều này không khó hiểu. Song cách làm như hiện nay lại đang lạm dụng quá mức.

Một vụ thuộc cơ quan Trung ương, nhân sự khoảng 30 thì chuyên viên chỉ có… 6 người. Còn lại là 1 vụ trưởng, 2 phó vụ trưởng hàm vụ trưởng điều hành vụ, 2 phó vụ trưởng (đúng chức danh). Tiếp đến là 2 vị cũng "hàm vụ trưởng" và khoảng 15-16 vị "hàm vụ phó". Nhìn danh sách mà hoa mắt!

Nếu nhẩm tính, tiền phụ cấp trách nhiệm (hệ số 1,0 với hàm vụ trưởng; hệ số 0,8 với hàm phó vụ trưởng), mỗi năm Nhà nước phải chi tiền tỷ cho một đơn vị có khoảng ba chục người.

Thật khó giải thích chuyện này nếu mô hình đó ngày một nhân lên. Đó là chưa nói sự mất thiêng của một cơ quan mà chuyên viên thì chỉ bằng gần 1/5 quân số (nghĩa là sếp gấp khoảng 4 lần chuyên viên), còn lại đều là "sếp", hoặc sếp thật hoặc "sếp hàm". Liệu công việc ở đó sẽ ra sao?

Hiệu quả thế nào? Có lần đứng ra tổ chức sự kiện, tôi nhắc anh em ra hỏi kỹ khách mời để giới thiệu cho trọng thị, có vị đọc cẩn thận từng chữ, và không quên nhắc "Ban tổ chức nhớ giới thiệu cho đủ nhé!". Chức danh vị nọ yêu cầu là: "Đồng chí N.V.X, Chuyên viên cao cấp bậc..., phó Vụ trưởng, hàm Vụ trưởng Vụ B, Ban A ..." Cũng may hôm ấy, trường hợp như vị quan chức nọ chỉ có... 3 người, chứ không riêng màn giới thiệu cũng ngốn kha khá thời gian.

Được biết, Đảng, Nhà nước chưa hề có văn bản chính thức nào hướng dẫn việc phong chức danh "Hàm" trừ ngành Ngoại giao đã được phép thực hiện dăm chục năm nay. Tại phiên chất vấn mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình khi bị truy đến cùng đã thừa nhận thực tế này. Nó đồng nghĩa với việc, nếu nơi nào "vận dụng" tức là đã và đang làm sai nguyên tắc, không được tự ý làm tiếp kể từ nay, chờ cho chủ trương.

Có lẽ đã đến lúc Bộ Nội vụ khẩn trương trình Chính phủ quy chế bổ nhiệm cấp "hàm" nói trên. Và dù còn đang trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo văn bản hướng dẫn, thì cũng không nên lạm dụng. Bởi làm như thế, liệu "cái uy của cấp hàm" chính danh có "thiêng"?

Quốc Phong