Theo tờ Guardian, vào năm 1958, dưới cái tên “Nghiên cứu về các chuyến bay Mặt Trăng”, Lực lượng Không quân Mỹ đã bí mật vạch ra kế hoạch bắn một quả bom hạt nhân lên Mặt Trăng.

Giới chuyên gia quân sự cho rằng, mục đích của dự án này để Mỹ vượt qua Liên Xô trong cuộc đua vũ trụ sau khi Nga phóng thành công Sputnik. Nghe có vẻ phi lý, nhưng Dự án A119 là có thật và được giải mật vào năm 2000 với những chi tiết đáng kinh ngạc.

Cuộc đua không gian và ý tưởng bắn tên lửa hạt nhân lên Mặt Trăng

Vào những năm 1950, cuộc đối đầu trong Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đã diễn ra trên một số chiến trường. Cả hai siêu cường toàn cầu đều đang phô trương sức mạnh hạt nhân. Năm 1945, Mỹ cho nổ quả bom hạt nhân đầu tiên trong lịch sử. Không mất nhiều thời gian để Liên Xô bắt kịp, họ đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên vào năm 1949.

Vào đầu những năm 1950, công nghệ hạt nhân đã phát triển. Năm 1952, Mỹ thử nghiệm quả bom khinh khí đầu tiên hay còn gọi là bom nhiệt hạch. So với những quả bom nguyên tử trước đó, những quả bom khinh khí này mạnh gấp hàng trăm lần.

Năm 1955, Liên Xô một lần nữa bắt kịp, cho nổ vũ khí nhiệt hạch đầu tiên. Trong thập kỷ đầu tiên của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, Liên Xô đã tụt lại phía sau Mỹ. Nhưng điều đó đã thay đổi với cuộc chạy đua vào không gian.

Trong suốt những năm 1950, Mỹ và Liên Xô đã thử nghiệm bom hạt nhân, bao gồm cả cuộc thử nghiệm dưới nước năm 1958. Ảnh: AP

Năm 1957, Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo. Được gọi là Sputnik, vệ tinh này tạo ra một làn sóng chấn động khắp thế giới và Mỹ “giật mình” khi thấy bị tụt lại phía sau trong cuộc đua. Vì vậy, Mỹ đã đưa ra một kế hoạch tuyệt mật, táo bạo từ năm 1958 để chiếm lại vị trí dẫn đầu.

Kế hoạch đằng sau Dự án A119

Trong những tháng sau khi Nga phóng Sputnik, Không quân Mỹ đã mở một dự án mới. Với cái tên mơ hồ là “Nghiên cứu về các chuyến bay Mặt Trăng”, Dự án A119 thực chất là về việc cho nổ một quả bom hạt nhân trên bề mặt Mặt Trăng.

Ông Leonard Reiffel, một trong những nhà khoa học tham gia dự án cho biết: “Ngay trước khi khởi động Dự án A119, Lực lượng Không quân đã liên hệ với các nhà khoa học hàng đầu để hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu một quả bom hạt nhân phát nổ trên Mặt Trăng”.

“Lực lượng Không quân muốn đảm bảo rằng một vụ nổ hạt nhân trên Mặt Trăng sẽ được nhìn thấy từ Trái đất. Toàn bộ mục đích của Dự án A119 là cho thế giới thấy rằng Mỹ đi trước Liên Xô”, ông Reiffel cho biết thêm.

Nhóm làm việc trong Dự án A119 quyết định bắn quả bom vào ranh giới giữa hai vùng tối và sáng của Mặt Trăng.

Ông Reiffel giải thích: “Vụ nổ rõ ràng là tốt nhất ở phần tối của Mặt trăng và lý thuyết là nếu quả bom phát nổ ở rìa Mặt Trăng, đám mây hình nấm sẽ được chiếu sáng bởi mặt trời”.

Khi Dự án A119 được công khai vào năm 2000, nhà sử học hạt nhân người Anh David Lowry đã chỉ trích nặng nề kế hoạch này. Nhưng các nhà khoa học cũng nhìn thấy một mặt khác, đó là vụ nổ có ​​thể tiết lộ điều gì đó về Mặt Trăng hoặc cấu trúc bên trong Mặt Trăng.

Ông Reiffel nói vào năm 2000: “Rõ ràng mục đích chính của vụ nổ được cho là quảng bá về khả năng của Mỹ. Không quân muốn có một đám mây hình nấm lớn đến mức có thể nhìn thấy từ Trái đất”.

Tài liệu mật dày 200 trang vạch ra kế hoạch "tấn công" Mặt Trăng của Lực lượng Không quân. Ảnh: AP

Điều gì sẽ xảy ra nếu Không quân thực hiện Dự án A119? Dự án gần như chắc chắn sẽ đưa cuộc chạy đua vào không gian theo một hướng rất khác. Thay vì chạy đua để đưa con người lên Mặt Trăng, các đối thủ trong Chiến tranh Lạnh tiếp tục cuộc cạnh tranh hạt nhân.

Cuối cùng, Dự án A119 đã không xảy ra. Và ngày nay, kế hoạch tấn công Mặt Trăng nghe có vẻ hết sức “ảo tưởng”. Nhưng trong sự cuồng loạn của Chiến tranh Lạnh, Dự án A119 đã có nhiều người ủng hộ. May mắn thay, Mỹ cuối cùng quyết định tập trung vào du hành vũ trụ có người lái thay vì "tấn công" Mặt Trăng bằng vũ khí hạt nhân.

Thanh Thảo