Những ngày gần đây, dư luận xôn xao vụ việc về một thầy hiệu trưởng do quá áp lực chuyện đảm bảo chỉ tiêu 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế nên đã gọi tên những học sinh chưa đóng tiền. Phụ huynh vì giận dữ vác dao vào trường...

Vụ việc mang đến nhiều bàn luận trái chiều khi người cha bị lên án vì hành xử hung hăng, còn nhà trường bị chê trách vì ứng xử kém tế nhị.

VietNamNet giới thiệu bài viết của độc giả Yến Anh - một giáo viên THCS - chia sẻ tâm tư sau câu chuyện đau lòng vừa qua (nội dung thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả). 

Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hà Tĩnh) - tâm điểm chú ý những ngày qua sau vụ việc phụ huynh vác dao xông vào trường ép hiệu trưởng quỳ xin lỗi

Bản thân tôi là giáo viên cảm thấy rất chạnh lòng. Dẫu rất đồng cảm với nhà trường, nhưng câu chuyện trên đã gióng lên một hồi chuông báo động về tình hình lạm dụng sức lao động của giáo viên. 

Hằng năm, nhà trường phải thu rất nhiều khoản phí khác nhau như BHYT, tiền bán sách vở, đồng phục... Khối lượng công việc lớn nhưng nhân sự lại có hạn. Do đó, mỗi giáo viên chủ nhiệm đành đứng ra gánh gồng phần việc của nhân viên thu ngân cho các loại dịch vụ trong nhà trường. Đây là vấn nạn rất lớn của ngành giáo dục, là nguyên nhân làm mất vị thế của người thầy.

Bản thân tôi là giáo viên dạy cấp hai. Từ sáng sớm, tôi tất bật ra khỏi nhà để kịp giờ vào lớp. Hết một ngày dạy học, về nhà lại phải tất bật chấm bài, viết báo cáo, sổ sách, giáo án, chuẩn bị dự giờ... Cuối tuần, thay vì được nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình, tôi phải cố gắng hoàn thành hết mọi nhiệm vụ. Cũng bởi việc nào cũng gấp, ngày hôm nay giao mà ngày mai đã phải nộp. 

Đó là chưa kể nhiều hoạt động phong trào, họp tổ chuyên môn, họp hội đồng trường… diễn ra thường kỳ, đòi hỏi giáo viên phải tham gia đầy đủ. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm còn phải kiêm nhiệm vô số công việc từ phổ biến công tác phòng cháy chữa cháy, các kế hoạch chương trình tuyên truyền chấp hành luật an toàn giao thông, phòng chống HIV-AIDS, sổ sách giấy tờ công đoàn… đến kiểm tra, nhắc nhở việc học sinh đóng BHYT, học phí, phong trào thi đua của lớp…

Công việc giáo viên cứ ngỡ là nhàn nhã nhưng kỳ thực lại vô cùng vất vả. 

Đáng buồn hơn là việc thu phí trở thành tiêu chí thi đua quan trọng ở nhiều trường học. Nếu không hoàn thành nghĩa vụ do nhà trường đề ra, giáo viên sẽ bị nhắc nhở, thậm chí răn đe trước hội đồng sư phạm. 

Một số thầy cô có lòng tự trọng nghề nghiệp, giàu tình thương với học trò đôi khi sẽ không hoàn thành nhiệm vụ thu phí. Tôi đã từng chứng kiến đồng nghiệp vì cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của phụ huynh trong lớp nên chấp nhận bị phê bình, hạ bậc thi đua. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ dũng cảm để làm như thế. Có nhiều thầy cô vì áp lực nhà trường giao, sợ hạ bậc thi đua, phải dùng đủ kiểu thúc ép phụ huynh và học sinh để đạt được chỉ tiêu thu đủ.

Và đương nhiên, trong một số trường hợp, giáo viên phải nhận lại từ phụ huynh thái độ thiếu tôn trọng, hoặc phản ứng thái quá, cứ như thể chính giáo viên là người đặt ra các khoản thu đó. Cũng đã có trường hợp giáo viên thu tiền học sinh xong, do chưa đủ để nộp cho tài vụ nên để trong cặp sách mang về nhà. Trên đường đi thì không may bị cướp giật, tiền bị mất mà không biết kêu ai, phải lặng lẽ lấy lương ra bù.

Đáng lưu tâm nhất là do kiêm nhiệm vị trí “thủ quỹ” bất đắc dĩ này nên đại đa số giáo viên đều phải cắt xén chút thời gian trong sinh hoạt chủ nhiệm. Thậm chí, trong giờ dạy, giáo viên còn tranh thủ để căn đôn đốc học sinh nộp tiền. 

Bản thân giáo viên chúng tôi chẳng ai muốn phải dành quá nhiều thời gian cho các thủ tục ngoài lề như thế. Giá như thời gian đó giáo viên và học sinh có thể dành để trò chuyện, tâm tình thì hay biết mấy. Chẳng có giáo viên nào mong muốn học sinh rỉ tai nhau nói về thầy cô như những người thực dụng, chỉ biết có tiền. Giáo viên ai chẳng đau xót khi biết học trò do không đủ tiền đóng, lặng lẽ nghỉ học vì ngại tiếp xúc với thầy cô. 

Vẫn biết rằng khi giao cho giáo viên thu các loại phí, nhà trường có những lí do bất khả kháng như nhân sự tài vụ ít, hoặc do giáo viên ở gần học sinh hơn nên đôn đốc dễ dàng hơn. Nhưng dễ cho nhà trường mà làm khó cho thầy cô thì không nên.

Càng buồn hơn, tình trạng này đã kéo dài rất nhiều năm. Nếu hỏi chúng tôi mong muốn điều gì nhất, câu trả lời được chọn đầu tiên không phải là tăng lương mà là hãy để giáo viên làm đúng, làm tốt công việc chuyên môn mà chúng tôi được đào tạo.

Thiết nghĩ, đã đến lúc ngành giáo dục nên giảm áp lực lên giáo viên, trong đó có việc ôm đồm những khoản thu hộ cho nhà trường, nhằm hạn chế những tổn hại tinh thần cho chúng tôi. 

Yến Anh