Ngày 27/5, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), một trong những vấn đề được đại biểu đặc biệt quan tâm là điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ 20 năm đóng.

Theo dự thảo luật, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Với phương án 1, người tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 7/2025 thì không được rút một lần. Còn phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Để tránh gây sốc về chính sách đối với người lao động, đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TPHCM) đề nghị cơ quan soạn thảo luật đưa ra lộ trình phù hợp khi thực hiện các phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Bởi theo đại biểu, nếu người lao động ồ ạt đi rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động.

Đối với 2 phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu đoàn TPHCM cho rằng, phương án 1 có lợi hơn cho người lao động. Theo bà Yến, nếu phương án một được lựa chọn sẽ chấm dứt việc người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.

“Với phương án 1 sẽ đảm bảo công bằng cho người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội. Phương án này cũng sẽ bảo đảm chính sách an sinh cho những người tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian ngắn”, đại biểu Trần Kim Yến nêu.

tran kim yen.jpeg
Đại biểu Trần Kim Yến đề xuất thành lập quỹ cho người lao động vay để giải quyết những khó khăn. Ảnh: QH

Nữ đại biểu đoàn TPHCM cho rằng, phương án 2 mang tính nửa vời, không giải quyết được triệt để vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần trong tương lai. Theo bà Yến, việc cho phép người lao động rút tối đa 50% thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội dẫn đến hệ quả là khi đến tuổi nghỉ hưu, nhiều người sẽ không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng hoặc mức lương hưu sẽ rất thấp, không bảo đảm an sinh tuổi già.

Đại biểu đoàn TPHCM nêu thực tiễn không nhiều người muốn rút khỏi thị trường lao động, khi mà mình đang còn tuổi, còn sức khỏe. Người lao động chỉ rút bảo hiểm xã hội khi không còn lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, trong cuộc sống, có những khó khăn phát sinh, buộc họ phải có một khoản kinh phí để giải quyết những khó khăn trước mắt.

"Bài toán đặt ra là làm thế nào để giữ chân người lao động trong hệ thống an sinh xã hội. Ngoài 2 phương án trên thì có giải pháp nào không? Theo tôi vẫn còn, đó là có một nguồn quỹ nào đó, cho người lao động vay để giải quyết những khó khăn. Khi người lao động đi làm lại, có thu nhập, sẽ trả khoản nợ này. Điều này giống như chúng ta cho sinh viên vay đi học”, đại biểu Trần Kim Yến nêu ý kiến.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TPHCM) cho rằng cả 2 phương án đều có những hạn chế riêng. Bà Hạnh không chọn phương án 2 vì cho rằng chúng ta giữ chân người lao động bằng sự ưu việt và lợi ích của người lao động chứ không phải bằng cách giữ 50% số tiền ít ỏi của người lao động.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng bày tỏ băn khoăn với phương án 1 vì những người đóng bảo hiểm xã hội sau khi luật này có hiệu lực sẽ không còn được lựa chọn bảo hiểm xã hội một lần.

hong hanh.jpeg
Để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề xuất cho người lao động vay không lãi suất. Ảnh: QH

"Nếu chúng ta chưa có phương án tối ưu thì đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành để tránh xáo trộn xã hội và cho người lao động được lựa chọn kể cả việc tham gia bảo hiểm xã hội trước hay sau luật này có hiệu lực”, nữ đại biểu đoàn TPHCM đề xuất.

Để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề xuất chính sách cho người lao động gặp khó khăn vay không lãi suất hoặc lãi rất thấp. Mức vay tối đa bằng số tiền người lao động được hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần, sổ bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm cho khoản vay của người lao động.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đồng tình với phương án cho người lao động vay tiền nếu có nhu cầu thay vì rút bảo hiểm xã hội một lần như đề xuất của đại biểu Trần Kim Yến và đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) chọn phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50%. Với phương án này, người lao động sẽ có nguồn tiền giải quyết các vấn đề trước mắt. Trong khi đó, khi có việc làm, người lao động vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội.

“Phương án này hài hòa cho lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của người lao động. Tôi nghĩ, phương án 2 sẽ đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động, đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động”, đại biểu Lê Thị Thanh Lam nêu quan điểm.

vuong thi huong 2.jpeg
Đại biểu Vương Thị Hương, đoàn Hà Giang. Ảnh: QH

Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) đề xuất lựa chọn phương án 1, vì phương án này cơ bản bảo đảm kế thừa quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành và không tạo ra sự xáo trộn trong xã hội, đồng thời hạn chế được tình trạng một người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần như thời gian qua.

“Phương án 1 sẽ giúp tăng số người được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội từ chính quá trình tích lũy và giảm gánh nặng cho xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước để thực hiện các chính sách, chế độ mang tính chất bảo trợ xã hội”, đại biểu đoàn Hà Giang nói.