Mặc dù các bộ trưởng EU cũng sẽ bàn về cuộc chiến ở Sudan nhưng phần lớn trọng tâm nghị sự của họ sẽ là các cuộc xung đột đang hoành hành ở cửa ngõ phía đông và phía nam của khối, tại Ukraine và Trung Đông.
Trong bối cảnh Nga đang tăng cường không kích cơ sở hạ tầng năng lượng và các mục tiêu khác ở nước láng giềng, các chính phủ EU đang đối mặt áp lực phải cung cấp thêm các hệ thống phòng không như Patriot cho Ukraine. Cho đến nay, Đức là thành viên EU duy nhất tuyên bố sẽ gửi thêm hệ thống Patriot theo đề nghị mới nhất của Kiev.
Kiev và các đồng minh châu Âu cuối tuần trước đã nhận tin vui khi Hạ viện Mỹ thông qua gói viện trợ quân sự mới, trị giá hơn 60 tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại EU Josep Borrell và Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg vẫn thúc giục các nước châu Âu tự tăng cường nỗ lực chuyển giao thêm vũ khí cho Ukraine.
Sau cuộc họp video trực tuyến giữa các bộ trưởng quốc phòng NATO với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 19/4, ông Stoltenberg cho hay, ngoài hệ thống phòng không Patriot, các nước thành viên của liên minh quân sự này có thể gửi cho Kiev các vũ khí khác, bao gồm cả hệ thống SAMP/T của Pháp.
Theo Reuters, các ngoại trưởng EU sẽ cùng các bộ trưởng quốc phòng của khối họp bàn với những người đồng cấp Ukraine hôm 22/4 trước khi chuyển sang thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, vốn khởi phát từ cuộc xung đột Israel – Hamas từ ngày 7/10/2023. Họ dự kiến sẽ tìm cách nhất trí về mức độ trừng phạt tiếp theo đối với Iran, sau vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Tehran vào lãnh thổ Israel rạng sáng 14/4.
EU đã triển khai nhiều lệnh cấm vận Iran, cả vì cáo buộc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và cung cấp UAV cho Nga, bất chấp sự phủ nhận của Tehran. Các nhà lãnh đạo liên minh tuần trước đã tán thành việc sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới chống Iran.
Nhiều nước EU kêu gọi mở rộng trừng phạt quốc gia Hồi giáo cả vì chương trình tên lửa và chuyển giao vũ khí cho các lực lượng ủy nhiệm ở Trung Đông. Theo các nhà ngoại giao, một số nước EU cũng đang thúc đẩy liên minh đưa Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo hùng mạnh của Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, họ vẫn chưa tìm được cơ sở pháp lý cho bước đi như vậy và không chắc tất cả các thành viên EU sẽ ủng hộ động thái đó.
>> Đọc thêm tin tức thế giới trên báo VietNamNet