Dầu khí tăng trở lại

Giá dầu thô tăng mạnh trở lại bất chấp nền kinh tế nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ và khu vực châu Âu (EU) đối mặt với nguy cơ suy thoái khi lạm phát ở mức cao kỷ lục trong 4 thập kỷ qua.

Giá dầu phiên 29/8 tăng thêm hơn 4% sau khi đã tăng mạnh trong tuần trước. Dầu Brent lên trở lại ngưỡng 105 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng lên 97 USD/thùng trong bối cảnh Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) phát tín hiệu cắt giảm sản lượng.

Diễn biến giá dầu tăng là ngược chiều với kỳ vọng của thị trường khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vừa có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị ngân hàng trung ương các nước tại Jackson Hole (Mỹ) hôm 25-26/8, khẳng định lập trường kiên định của Mỹ “không quay xe”, tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt, chấp nhận “một số nỗi đau” cho nền kinh tế Mỹ.

Lãi suất cao khiến nhiều nền kinh tế vốn đã yếu càng trở nên mong manh. Nhu cầu đối với dầu qua đó suy giảm.

Ngân hàng trung ương nhiều nước cũng có xu hướng hành động chính sách tiền tệ tương tự Mỹ.

Giá dầu tăng vọt, gây khó khăn cho nhiều nước.

Bất chấp nguy cơ kinh tế suy yếu, thậm chí suy thoái, giá dầu tăng khi OPEC cùng các nước đối tác, tức nhóm OPEC+, có thể cắt giảm sản lượng.

Trong tuần trước, nước xuất khẩu dầu lớn nhất OPEC - Saudi Arabia đã đề cập đến khả năng cắt giảm sản lượng trong bối cảnh Iran có thể đạt được một thoả thuận hạt nhân mới với phương Tây và tăng mạnh xuất khẩu dầu trở lại. 

Nhiều đánh giá cho rằng, OPEC và đồng minh có thể cắt giảm sản lượng để lập lại sự cân bằng trên thị trường nếu thoả thuận hạt nhân Iran được khôi phục.

Giá khí đốt tăng nhiều lần trong vòng một năm qua, tại châu Âu mức tăng lên tới 6 lần.

Chia sẻ trên Telegram, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Medvedev vừa đưa ra dự báo giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng mạnh, lên khoảng 5.000 USD/nghìn m3 vào cuối năm nay, từ mức 3.500 USD/nghìn m3 như hiện tại khi mà đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 đã bị đình chỉ và đường Nord Stream 1 hoạt động với công suất thấp.

Theo Goldman Sachs, thị trường khí đốt châu Âu vẫn đang rối loạn khi đường ống Nord Stream không biết có nối lại vận hành sau khi bảo trì từ 31/8 hay không. 

Tính tới 26/8, giá khí đốt đã tăng nhiều tuần liên tiếp khi mà các nước ở châu Âu gia sức lấp đầy các kho chứa. Tuy nhiên, ngay cả khi khó chứa đầy, nước Đức có nguy cơ không thể trải qua mùa đông nếu Nga ngừng dòng khí đốt sang nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Đe dọa kinh tế toàn cầu

Nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc nhiều vào giá dầu khí trên thế giới. Cuộc xung đột tại Ukraine đã cùng lúc góp phần tạo ra nhiều cuộc khủng hoảng: năng lượng, lương thực và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việc giá dầu khí tăng sẽ khiến lạm phát tăng cao, gây ra mối lo ngại lớn về sức khoẻ kinh tế thế giới.

Gần đây, giá khí đốt tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu. Tại Mỹ, giá khí đốt lên mức cao nhất 14 năm, trong khi đó giá khí đốt tại thị trường châu Âu lên cao kỷ lục mọi thời đại. So với cùng thời điểm này năm ngoái, giá khí đốt tại châu Âu tăng gấp khoảng 6 lần. Các nước châu Âu đang chạy đua làm đầy dự trữ khí đốt để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới gần, chưa kể nỗi lo Nga sẽ cắt hoàn toàn việc cung cấp khí đốt trong mùa đông này để trả đũa các đòn trừng phạt.

Nhiều đánh giá cho rằng, châu Âu đang rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế với tác động nặng nề từ cuộc khủng hoảng năng lượng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global ở các nước sử dụng đồng euro đã giảm tháng thứ hai liên tiếp.

Với mức giá khí đốt cao kỷ lục như hiện tại, lạm phát tại khu vực châu Âu được dự báo sẽ còn gia tăng. Theo Citigroup, lạm phát ở nước Anh có thể vượt 18% vào đầu năm 2023.

Không chỉ châu Âu, các nước ở các khu vực khác cũng đối mặt với tình trạng giá khí đốt leo thang. Giá cả đầu vào tăng cao, sức cầu tiêu dùng sụt giảm và lãi suất dâng lên,... góp phần nhấn chìm nền kinh tế thế giới.

Tại hội nghị thường niên của giới lãnh đạo ngân hàng trung ương toàn cầu tại Jackson Hole, nhà hoạch định chính sách các nước cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt thách thức lớn nhất trong nhiều thập niên, với mức lạm phát cao sẽ kéo dài dai dẳng và rất khó kiểm soát.

Đại diện IMF cho rằng, thế giới đang ở trong một môi trường mà các cú sốc về nguồn cung sẽ biến động mạnh hơn nhiều hơn so với trước đây và điều đó sẽ tạo ra những đánh đổi tốn kém hơn đối với chính sách tiền tệ.

Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19, cú sốc hàng hóa do cuộc xung đột Nga-Ukraine... đã dẫn đến hạn chế về nguồn cung và giá cả hàng hóa tăng vọt. Lạm phát cao kỷ lục khiến NHTƯ các nước phải quyết liệt thắt chặt để lạm phát không ngấm sâu vào nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ được cho là khó giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn cung. Các nước sẽ buộc phải chấp nhận nỗi đau kinh tế hơn nhiều so với trước để khôi phục sự ổn định giá cả.

Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây cảnh báo, công cụ của ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển, không phù hợp để giải quyết áp lực lạm phát liên quan đến nguồn cung.

Cuộc khủng hoảng năng lượng không chỉ tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới mà còn làm thay đổi trật tự và chính sách của nhiều nước trên thế giới. Trung Quốc và Ấn Độ được đánh giá hưởng lợi từ nguồn dầu khí giá thấp hơn từ Nga, trong khi châu Âu ngày càng khó khăn. Một số nước, trong đó có Nhật, đang quay lại tham vọng hồi sinh điện hạt nhân, vốn một thời gian dài bị tẩy chay do nguy hiểm tới môi trường, con người.

M. Hà