- Về tổng thể, đây là phương thức để sức dân được tiếp cận ngày càng nhiều và đầy đủ với các nguồn tài sản do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, không phải bằng quan hệ bao cấp, xin – cho, mà bằng quan hệ thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
LTS:Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.
Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.
Trong bài viết trước, Đã giải phóng sức dân, cần giải phóng sức Nhà nước, tôi đã nêu những tồn tại và sự cần thiết phải giải phóng sức nhà Nước tương xứng với giải phóng sức dân. Tại phần này và phần sau, tôi xin đề xuất phương thức thực hiện hai cuộc giải phóng này.
Về tổng thể, đây là phương thức để sức dân được tiếp cận ngày càng nhiều và đầy đủ với các nguồn tài sản do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, không phải bằng quan hệ bao cấp, xin – cho, mà bằng quan hệ thị trường theo định hướng XHCN. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả tập trung vào một số loại tài sản quan trọng và thiết yếu.
Giải phóng tài sản đất đai
Đối với đất sản xuất nông nghiệp (SXNN). Phần lớn loại đất trồng cây ngắn ngày này đã được Nhà nước giao quyền sử dụng cho các hộ nông dân theo chế độ bao cấp với 3 hạn chế về hạn điền, hạn thời gian, hạn giới thị trường.
Trong công cuộc Đổi Mới, Việt Nam chủ trương xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Qua 32 năm thực hiện, đã tới lúc bao cấp đối với quyền sử dụng đất SXNN cần được xóa bỏ, đồng thời cho phép thị trường quyền sử dụng đất SXNN được hình thành và hoạt động bình thường như quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản. Theo đó:
Hộ nông dân được giải phóng khỏi 3 hạn chế lâu nay để hoặc là tiếp tục sản xuất theo hướng kinh doanh có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, hoặc là chủ động rút khỏi lĩnh vực này để đầu tư vào lĩnh vực khác có hiệu quả hơn.
Nhà nước được giải phóng khỏi cơ chế bao cấp và những công việc hành chính nhiêu khê, phức tạp phát sinh từ bao cấp về quyền sử dụng đất. Đồng thời Nhà nước có thêm những nguồn thu mới cho ngân sách Nhà nước do sự hoạt động của thị trường quyền sử dụng đất này đem lại. Việc xóa bỏ bao cấp trên đây không loại trừ việc Nhà nước giữ lại quyền có hay không cho phép được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất SXNN sang các loại đất khác.
Đối với rừng và đất rừng. Trên diện tích lãnh thổ Việt Nam, 3/4 là đất đồi núi trên đó có rừng. Khác với quyền sử dụng đất SXNN, quyền sử dụng rừng và đất rừng giao cho hộ gia đình hiện chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số. Tuy nhiên, dù cho mọi gia đình trên địa bàn trung du và miền núi đều được giao rừng và đất rừng để làm lâm nghiệp thì nguồn cầu này vẫn không thấm thía gì so với tổng nguồn cung.
Bởi vậy, đã tới lúc quyền sử dụng rừng và đất rừng cần được giao nhiều hơn cho khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước để tổ chức kinh doanh lâm nghiệp, bao gồm cả trồng rừng, khai thác và chế biến sản phẩm từ rừng. Việc kinh doanh này đã nhiều thập kỷ được giao cho lâm trường quốc doanh thực hiện nhưng đã thất bại bởi cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Nay giao cho doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện với cơ chế thị trường định hướng XHCN thì:
Nhà nước được giải phóng khỏi cơ chế bao cấp và những công việc quản lý khó khăn, đầy tốn kém, hiệu quả thấp cho sự bao cấp này. Mặt khác, Nhà nước trong khi thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư ngoài xã hội để kinh doanh sản phẩm trên đất rừng lại có thêm những nguồn thu mới cho ngân sách.
Đối với khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước, nếu được khuyến khích đầy đủ và có thu nhập không kém so với sản xuất kinh doanh trên đất cây ngắn ngày thì không có lý do nào ngăn cản nổi khu vực này đầu tư vào kinh doanh lâm nghiệp, nơi được coi là “Rừng Vàng”.
Giải phóng tài sản đất đai mang lại lợi ích cho cả Nhà nước và người dân. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng |
Đối với đất ở. Quyền sử dụng đất làm nhà ở đã được Nhà nước bao cấp cho mọi hộ gia đình trong cả nước. Điều này đã hoàn toàn đúng trước đây, nhưng không còn đúng đối với các tầng lớp giàu có và trung lưu đang ngày một tăng lên hiện nay và sau này. Cần xóa bỏ bao cấp đối với các tầng lớp trên, theo đó, thực hiện việc cho thuê đối với đất ở và thu thuế tài sản (nhà ở) đối với người sở hữu từ ngôi nhà thứ hai trở lên.
Khi làm được điều này, Nhà nước được giải phóng khỏi bao cấp về nhà ở và đất ở cho các tầng lớp giàu và trung lưu, đồng thời lại có thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Còn người dân được thỏa mãn khi có quyền sở hữu nhiều căn nhà. Thị trường bất động sản về nhà ở sẽ có bước phát triển mới.
Giải phóng doanh nghiệp nhà nước
Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã trải qua hơn hai thập kỷ tiến hành sắp xếp lại, nhưng chỉ thu được những kết quả hạn hẹp. Đã đến lúc phải giải phóng hệ thống doanh nghiệp này để làm tăng thêm năng lực mới cho nền kinh tế.
Muốn vậy, cần phân hệ thống DNNN thành hai loại. Thứ nhất là những doanh nghiệp nhất thiết phải phát triển với thể chế DNNN (như: sản xuất, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho nhu cầu an ninh, quốc phòng, hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu cho đất nước…). Thứ hai là những doanh nghiệp nhất thiết không phát triển theo thể chế DNNN (bao gồm tất cả các doanh nghiệp không thuộc loại thứ nhất).
Phân loại như trên so với hiện nay sẽ không còn loại trung gian, lưỡng tính, trong đó vừa có vốn và nhân sự Nhà nước, vừa có vốn và nhân sự ngoài Nhà nước.
Đối với loại thứ nhất, vốn và nhân sự đều thuộc Nhà nước, hoạt động chủ yếu là cung ứng những sản phẩm và dịch vụ theo đơn đặt hàng của Nhà nước.
Đối với loại thứ hai, tiến hành xác định giá chuyển nhượng doanh nghiệp theo quan hệ thị trường, công khai bán doanh nghiệp theo phương thức đấu giá, thu hồi vốn cho ngân sách Nhà nước. Đây là một công việc có độ khó khăn, phức tạp rất cao, lại không thể kéo dài nên cần giao cho một tổ chức chuyên nghiệp, có đủ thẩm quyền để ra những quyết định cần thiết và kịp thời về các vấn đề nhằm chuyển nhượng tất cả các doanh nghiệp loại này.
Việc bán DNNN mặc dù đã có chủ trương từ hơn một thập kỷ qua nhưng thực hiện không được bao nhiêu, lý do không chỉ vì quá khó khăn, phức tạp mà còn là vì không thành lập được một tổ chức chuyên biệt như trên. Việc mua bán này nếu không để xảy ra các vụ tham nhũng như đã từng xảy ra thì số vốn thu về ngân sách Nhà nước dù là bao nhiêu (trong khoảng vài triệu tỷ đồng) cũng vẫn là kết quả có thể chấp nhận được.
Bằng việc thực hiện phương thức trên đây, một bộ phận quan trọng của tài sản DNNN được giải phóng, đồng thời làm tăng năng lực sản xuất kinh doanh theo các quan hệ thị trường của khu vực ngoài nhà nước. Việc giải phóng này chẳng khác gì đã “thả hổ về rừng”.
TS. Đinh Đức Sinh
Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: tuanvietnam@vietnamnet.vn
Xem thêm các bài viết khác của Diễn đàn Vì Việt Nam hùng cường đăng tải trên Chuyên trang Tuần Việt Nam/ Báo VietNamNet:
Vì sao Việt Nam tụt hậu?
Câu hỏi đặt ra, tại sao chúng ta không những không đạt được mục tiêu đề ra trong hai chính sách lớn tôi nêu ở đây, mà ngược lại?
Đã giải phóng sức dân, cần giải phóng sức Nhà nước
Việc thực hiện mục tiêu Dân giầu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh đã đặt ra yêu cầu phải giải phóng sức Nhà nước tương xứng với sức dân đã được giải phóng.
“Khát vọng Việt Nam” khi tụt hậu không còn là "nguy cơ”
"Chúng tôi thừa nhận Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều nguy cơ, trong đó nguy cơ bị bỏ lại và rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam là rất lớn”.
Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ kinh tế?
Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không đẩy lùi được “nguy cơ tụt hậu” về kinh tế như đã chỉ ra 30 năm nay và “tụt hậu” cứ đeo đẵng chúng ta?
Khát vọng Việt Nam đang ở đâu?
Để có thể đạt được điều mong ước, khát vọng và quyết tâm làm cho bằng được là điều tiên quyết Việt Nam cần phải có.
Vượt trần thể chế
Nếu không quyết tâm cải cách, chúng ta mãi chỉ là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, không có gì đáng tự hào.