Lời tòa soạn:

Trong khi quỹ đất ngày càng khan hiếm, nhu cầu nhà ở nhiều, nguồn cung trong vài năm qua hạn chế thì tại nhiều TP lớn như Hà Nội, TP.HCM... không ít các dự án chung cư, khu đô thị được đầu tư xây dựng lại rơi vào cảnh chậm tiến độ “đắp chiếu” dở dang. Hàng trăm khách hàng đã đóng tiền vào các dự án trên nhưng chưa thể nhận nhà trong suốt nhiều năm. Tài nguyên đất bị lãng phí, công trình “đắp chiếu” dở sống dở chết làm nhếch nhác bộ mặt đô thị…

Tuyến bài Hồi sinh những dự án nhà ở đắp chiếu của VietNamNet ghi nhận thực tế cũng như ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cơ quan quản lý... với mong muốn tìm lối ra cho những dự án đắp chiếu này.

Tiền đi về đâu?

Bà Dương Thanh Hương, Giám đốc - người đại diện theo pháp luật của CTCP Cư dân SkyGarden Định Công, cho biết, mục tiêu thành lập của công ty đầu năm 2023 là để bảo vệ quyền lợi của nhiều cư dân đã ký hợp đồng góp vốn/mua bán căn hộ tại dự án Tổ hợp thương mại, văn phòng, căn hộ Sky Garden Towers (Sky Garden Định Công) từ năm 2012, 2013 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được nhà.

Dự án này do Công ty TNHH Định Công (Công ty Định Công) làm chủ đầu tư, với 2 thành viên góp vốn là CTCP Thép Vân Thái - Vinashin và Viện Khoa công nghệ tàu thủy.

w sky garden dinh cong vietnamnet 1 1 850.jpg
Toàn cảnh dự án Sky Garden Định Công hoang tàn sau cả thập kỷ “đắp chiếu”. Ảnh: Minh Hoàng

Được khởi công năm 2012, dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào quý III/2014. Theo tiến độ, mỗi khách hàng đã đóng từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng vào dự án Sky Garden Định Công.

Năm 2012, ông Nguyễn Văn Khang đã nộp hơn 1 tỷ đồng, tương đương số tiền góp vốn 50% giá trị hợp đồng để mua căn hộ tại Sky Garden Định Công.

Ký hợp đồng từ tháng 9/2013, ông Nguyễn Văn Đoán đã đóng đến đợt 2 với tổng số tiền gần 800 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Khánh nộp gần 900 triệu đồng để mua căn hộ 1001 toà B của dự án...

Ông Nguyễn Ngọc Quang là khách hàng đã nộp gần 950 triệu đồng vào dự án từ năm 2013 tiết lộ rằng, có khoảng 200 khách hàng đã “chôn tiền” vào dự án với hy vọng có “chốn an cư” như cam kết tại hợp đồng.

Thế nhưng sau thời gian rầm rộ thi công, năm 2013, khi mới xây đến tầng 8 thì dự án dừng lại và bỏ hoang cho đến nay.

Theo phản ánh của khách hàng, đầu năm 2014, sau quá nhiều lần trì hoãn, nhân viên công ty mới cho biết rằng Tổng Giám đốc Hồ Anh Thái đã “mất tích” từ tháng 10/2013.

Thông tin này khiến hàng trăm khách hàng “chết đứng”, còn số tiền hàng trăm tỷ đồng của họ đi đâu khi dự án vẫn triển khai dở dang thì chưa rõ câu trả lời.

“Dù đã gần 10 năm 'đắp chiếu' nhưng Công ty Định Công không có một lời giải thích cho khách hàng. Là doanh nghiệp có cổ phần góp vốn Nhà nước, ông Hồ Anh Thái 'mất tích' nhưng các đơn vị thành viên vẫn phải có trách nhiệm với khách hàng, với dòng tiền trăm tỷ đồng của người dân”, ông Nguyễn Ngọc Quang bức xúc.

Lật mở loạt vấn đề

Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, tháng 3/2011, UBND TP. Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Định Công do ông Hồ Anh Thái làm Chủ tịch Hội đồng thành viên để thực hiện dự án Sky Garden, với tổng số vốn đầu tư dự kiến khoảng 667 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp (vốn tự có) là 133,4 tỷ đồng, còn lại là vốn vay. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2011-2013.

Sau đó 4 tháng, UBND TP có quyết định thu hồi 7.640m2 đất tại số 12, ngõ 115 phố Định Công giao Công ty Định Công để thực hiện dự án.

Theo quyết định này, nguồn gốc đất dự án Sky Garden Định Công do Viện Nghiên cứu thiết kế cơ khí giao thông vận tải (nay là Viện Khoa học công nghệ tàu thuỷ) quản lý sử dụng làm cơ sở sản xuất và làm việc theo giấy phép sử dụng đất được UBND TP cấp từ năm 1991.

Ngày 30/12/2011, Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng dự án cao 28 tầng, 1 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái và 2 tầng hầm.

Sau khi huy động cả trăm tỷ đồng từ khách hàng, tổng giám đốc bỗng mất tích. Đến tháng 12/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Định Công khiến hy vọng của người mua nhà tại dự án Sky Garden Định Công càng đi vào bế tắc.

Cũng phải nói thêm rằng, dù đã thu tiền của khách hàng từ năm 2012, 2013 nhưng đến cuối năm 2022, trong văn bản trả lời công dân, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay Sở không có văn bản nào về việc xác nhận nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án Sky Garden đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản 2014.

W-sky-garden-dinh-cong-3-1.jpg
Xây thô tới tầng thứ 8 thì dự án dừng thi công. Tòa nhà giờ là khối bê tông hoang lạnh, sắt thép hoen rỉ. Ảnh: Minh Hoàng

Liên quan đến việc đăng ký hợp đồng mẫu, cuối năm 2022, Sở Công Thương Hà Nội thông tin, sau khi rà soát, kiểm tra hồ sơ đăng ký hợp đồng mẫu được lưu tại sở, CTCP Báo chí truyền thông M.I.N Group và Công ty TNHH Định Công không đăng ký hợp đồng theo mẫu mua bán căn hộ chung cư tại dự án Sky Garden.

Được biết, đối với việc yêu cầu giải quyết tồn tại của dự án, năm 2019, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản về việc rà soát việc xử lý cơ sở nhà đất số 12, ngõ 115 phố Định Công.

Tháng 4/2020, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu Sở Tài chính khẩn trương thực hiện các nội dung liên quan vấn đề trên.

“Sau khi có phương án xử lý cơ sở nhà, đất, UBND TP sẽ chỉ đạo biện pháp xử lý tiếp theo đối với dự án, đảm bảo đúng quy định của pháp luật” - UBND TP cho biết.

Như vậy, có thể thấy, để đưa ra phương án xử lý đối với dự án Sky Garden cần phải có phương án xử lý cơ sở nhà, đất số 12, ngõ 115 phố Định Công.

Trong khi đó, tại dự án Công ty Định Công còn nợ tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp hơn 159,5 tỷ đồng tính đến hết tháng 5/2021.

Trách nhiệm của các sở, ngành 

Theo tìm hiểu của PV. VietNamNet, tháng 7/2019, Thanh tra TP. Hà Nội đã có báo cáo về kết quả thanh tra tại dự án Sky Garden Định Công. Trong đó, chỉ ra nhiều tồn tại liên quan. 

Cụ thể, tồn tại liên quan đến Sở Quy hoạch - Kiến trúc trong việc chấp thuận quy hoạch mặt bằng và điều chỉnh cục bộ dự án; trách nhiệm của Sở Kế hoạch - Đầu tư trong việc tham mưu năng lực kỹ thuật và quản lý dự án của nhà đầu tư; Sở Tài chính trong việc tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư, năng lực tài chính, cấp giấy chứng nhận đầu tư. 

Tồn tại liên quan đến Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xác định tiền thuê đất đối với diện tích hơn 2.800m2 nằm trong phần diện tích tầng hầm của toà nhà; Cục Thuế Hà Nội trong việc đôn đốc thu tiền sử dụng đất đối với dự án. 

Thanh tra cũng chỉ ra tồn tại của UBND quận Hoàng Mai, Thanh tra xây dựng quận Hoàng Mai và UBND phường Định Công. Trong quá trình chủ đầu tư thi công dự án không có cơ quan nào kiểm tra, chỉ đến khi có đơn thư của các hộ dân về ảnh hưởng của việc thi công gây hư hỏng công trình nhà dân thì UBND phường Định Công mới có biên bản yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công, lúc này công trình đã thi công đến tầng 7. 

Tháng 7/2021, Thanh tra TP tiếp tục có báo cáo UBND TP liên quan đến dự án. Tại báo cáo này, cơ quan thanh tra chỉ ra khó khăn vướng mắc tại dự án khi năm 2013, Công ty Định Công đã xây được 8/28 tầng của hai khối nhà, không kể tầng hầm (dừng thi công từ năm 2013) nhưng công trình xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng. 

Ngoài ra, Công ty Định Công đã huy động vốn của 232 khách hàng. Giấy phép đầu tư của dự án đã hết hạn từ năm 2013. 

Năm 2016, CTCP Thép Vân Thái - Vinashin đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đóng góp (55%) tại Công ty Định Công cho CTCP Báo chí truyền thông M.I.N nhưng Công ty Định Công chưa qua Sở Kế hoạch - Đầu tư hoàn thiện hồ sơ pháp lý của chủ đầu tư dự án, chưa làm các thủ tục pháp lý để xác định người đại diện pháp luật của Công ty Định Công.

Cuối năm 2023, Thanh tra TP có văn bản gửi các sở, ngành liên quan dự thảo nội dung đề xuất các biện pháp xử lý đối với dự án. 

Nhiều khách hàng bày tỏ thất vọng khi các bộ ngành, UBND TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều cuộc họp, nhưng đến nay sau 10 năm, vẫn chưa rõ số phận dự án ra sao.

Người dân bày tỏ mong muốn TP.Hà Nội quan tâm, có cơ chế đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ xử lý các vấn đề tại dự án.

Trao đổi với VietNamNet, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, cho biết, đối với công ty TNHH “có hai thành viên”, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, trốn khỏi nơi cư trú... thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty.

Luật Doanh nghiệp cũng cho phép tòa án có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại tòa án trong một số trường hợp đặc biệt.

Cũng theo ông Tú, để giải quyết vấn đề tại dự án cần sự hỗ trợ, chung tay rất lớn của Nhà nước.

“Ở đây không chỉ là câu chuyện người dân với luật pháp mà chính quyền cần chung tay với người dân. Nếu để họ đối mặt với luật pháp, với cơ chế pháp luật thì dễ bị vướng. Cơ chế giải quyết những việc này là rất phức tạp. Nếu không có sự chung tay thì rất khó giải quyết. Nhà nước hỗ trợ người dân bằng cách tạo ra những hành lang cơ chế xử lý mới, có tính đột phá hơn để giải quyết” - luật sư Trương Anh Tú nói.

Bài 3: Chung cư liên tục ‘vỡ’ tiến độ, dân chật vật chờ chốn an cư