Ông có thể chia sẻ một số kết quả hoạt động của Meta tại thị trường Việt Nam?
Ông Rafael Frankel: Tôi rất vui được có mặt ở Hà Nội ngày hôm nay. Tôi đã đến Việt Nam nhiều lần trong hơn 20 năm. Mỗi lần quay trở lại Việt Nam, tôi luôn rất vui và đắm mình trong sự bận rộn, hứng khởi của người Việt. Người Việt rất chăm chỉ làm ăn, rất kiên cường, quyết tâm với tinh thần khởi nghiệp.
Đối với Meta, 2023 là một năm đầy thú vị. Chúng tôi đã triển khai một số chương trình ở Việt Nam, đặc biệt là việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác về chính phủ số với một số bộ, ngành chức năng.
Đối với số liệu về người sử dụng Facebook tại Việt Nam, tôi không thể chia sẻ do đây là thông tin nội bộ. Tuy nhiên, lượng người sử dụng Facebook tại Việt Nam đang tăng nhanh và là một con số khá lớn. Tần suất sử dụng Facebook của người Việt Nam cũng ở mức cao.
Việt Nam hiện là thị trường đi đầu toàn cầu về việc sử dụng tính năng kinh doanh trong hội thoại trên nền tảng Facebook. Đây là tính năng giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ (SME) có thể kết nối trực tiếp với thị trường mà mình muốn bán sản phẩm, không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực và trên toàn thế giới.
Video ngắn cũng là một tính năng được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng người sử dụng tính năng này ở Việt Nam hiện đang ở mức cao.
Chúng tôi nhìn thấy sự tăng trưởng vượt bậc đối với việc sử dụng Facebook của các doanh nghiệp Việt cho mục đích quảng cáo, bên cạnh đó là cả các tập đoàn quảng cáo lớn. Họ dùng tính năng quảng cáo của Facebook để kết nối trực tiếp với khách hàng.
Với 100 triệu dân, phần lớn trong số đó có thói quen sử dụng mạng xã hội, thị trường Việt Nam có ý nghĩa thế nào đối với chiến lược kinh doanh của Meta?
Ông Rafael Frankel: Meta nhận thức sâu sắc rằng, Chính phủ Việt Nam có sự đầu tư dài hạn đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông. Phát triển kinh tế số và hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, hiện cũng là các ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các công ty công nghệ hàng đầu tại Mỹ nhìn nhận tích cực về thị trường Việt Nam, với tương lai hết sức sáng lạng.
Có thể nói ngắn gọn rằng, Việt Nam không chỉ là thị trường 100 triệu dân đơn thuần mà đây còn là thị trường 100 triệu dân có sự kết nối cao, cộng với dân số trẻ và người dân đầy tính sáng tạo trong kinh doanh.
Thị trường Việt Nam đối với chúng tôi là sự đầu tư dài hạn. Meta luôn tăng cường quan hệ đối tác với các cơ quan ban ngành của chính phủ Việt Nam, với cộng đồng doanh nghiệp và với cộng đồng người sử dụng nói chung.
Hiện có nhiều quảng cáo xuất hiện ở những nội dung không phù hợp trên Facebook. Meta đã và sẽ triển khai các biện pháp nào để xử lý vấn đề này?
Ông Rafael Frankel: Bộ TT&TT là một trong số các cơ quan ban ngành của Việt Nam có cơ chế hợp tác, trao đổi với Meta, đặc biệt là Cục Phát thanh, truyền hình & Thông tin điện tử.
Đối với những nội dung không phù hợp, hiện có một kênh để các cơ quan ban ngành phía Việt Nam có thể trao đổi với Meta. Khi nhận được yêu cầu từ phía cơ quan quản lý Việt Nam, chúng tôi sẽ xem xét và có những biện pháp phù hợp.
Hiện có 3,7 tỷ người dùng các dịch vụ Meta trên toàn thế giới. Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo sự an toàn thương hiệu, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà xuất bản và nhà sáng tạo nội dung nhằm đảm bảo việc đặt nội dung quảng cáo sao cho phù hợp.
Bất cứ nội dung nào được đưa lên Facebook đều phải trải qua kiểm duyệt tự động trước khi trực tuyến. Chúng tôi có nhiều công cụ, kênh và cơ chế khác nhau nhằm đảm bảo an toàn thương hiệu cho khách hàng.
Vì sao có nhiều người sử dụng nhưng Meta vẫn chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam? Meta có ý định mở văn phòng đại diện để hợp tác với chính phủ, doanh nghiệp cũng như chăm sóc khách hàng được tốt hơn không?
Ông Rafael Frankel: Sự cam kết của Meta đối với thị trường Việt Nam là dài hạn. Điều này có thể quan sát được ít nhất trong vòng 5 năm qua, khi mỗi năm đều có sự tăng dần, tăng đều các chương trình đầu tư của chúng tôi, không chỉ làm rộng mà còn làm sâu với tất cả các đối tác, trong đó có các cơ quan ban ngành của chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp SME và cả người dùng.
Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ đối tác này nhằm phục vụ hàng chục triệu người dùng các nền tảng của Meta tại Việt Nam và đối tác khách hàng là các công ty trực tiếp sử dụng dịch vụ quảng cáo trên nền tảng.
Ưu tiên của chúng tôi ở Việt Nam là tăng cường các chương trình hợp tác, xây dựng lòng tin giữa Meta và các đối tác. Chúng tôi sẽ tìm hiểu hơn nữa về môi trường, chính sách tạo điều kiện kinh doanh trên nền tảng số, kinh tế số ở Việt Nam.
Trong đại dịch, Meta đã hợp tác với Bộ Y tế và Cổng thông tin điện tử Chính phủ để đảm bảo những thông tin liên quan đến Covid-19 được đưa tới người sử dụng một cách nhanh và chính xác nhất. Chúng tôi cũng đã hợp tác với Bộ Y tế triển khai chiến dịch kêu gọi người Việt Nam tiêm vắc xin Covid-19.
Đây là minh chứng cho thấy cam kết của Meta ở Việt Nam là vững bền, dài lâu. Chúng tôi sẽ tiếp tục đi theo con đường đó nhằm đảm bảo trách nhiệm của Meta ở Việt Nam, phát triển kinh doanh nhưng cũng hỗ trợ để Việt Nam đạt được các mục tiêu đặt ra về phát triển kinh tế xã hội.
Là một doanh nghiệp xuyên biên giới, vấn đề nộp thuế tại Việt Nam của Meta được thực hiện như thế nào?
Ông Rafael Frankel: Vào năm 2022, Tổng cục Thuế đã chính thức cho ra đời Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Điều này cho phép các công ty, doanh nghiệp có thể nộp thuế dễ dàng, thuận lợi hơn.
Meta là một trong những công ty đi đầu về đăng ký thủ tục với Tổng cục thuế Việt Nam. Chúng tôi đã nộp rất nhiều thuế. Các bạn có thể kiểm tra với Tổng cục Thuế để có dữ liệu chính thức. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Tổng cục Thuế để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ thuế của mình.
Meta có kiến nghị gì về chính sách đối với Việt Nam để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển các dịch vụ nội dung số xuyên biên giới?
Ông Rafael Frankel: Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng vượt bậc trong một khoảng thời gian ngắn. Kết quả đó rất ấn tượng khi so sánh với các quốc gia khác ở cùng thời điểm và cùng mức độ phát triển.
Bài học rút ra là Việt Nam cần duy trì tinh thần cởi mở, đổi mới, cải tổ nhằm tạo điều kiện tốt nhất có thể cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp để họ phát huy sự sáng tạo.
Kinh tế số sẽ là chủ đề chính trong các diễn đàn kinh tế xã hội ở thập kỷ tới. Hơn lúc nào hết, đây là lúc chính phủ Việt Nam cần đưa ra các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài về công nghệ. Việt Nam cũng cần tạo môi trường, chính sách nhằm hỗ trợ tốt nhất có thể cho các công ty Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp SME vốn chiếm 98% cộng đồng doanh nghiệp, để họ có thể đi ra thế giới.
Quá trình đổi mới đã mở ra cánh cửa lớn, tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong 10-20 năm qua, mô hình Internet mở đóng vai trò quan trọng và tạo điều kiện cho việc trung chuyển, chia sẻ dữ liệu qua biên giới không rào cản.
Với các công ty công nghệ như Meta, Google, mô hình phát triển của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự dịch chuyển của dữ liệu xuyên biên giới. Tương tự như vậy, khi các công ty công nghệ Việt Nam lớn mạnh và vươn ra thế giới, họ cũng sẽ phụ thuộc vào dòng chảy dữ liệu này.
Trong các buổi trao đổi với chính phủ Việt Nam, chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng, môi trường, chính sách tạo điều kiện cho phát triển kinh tế số cần phải luôn luôn ở trong mô hình mở.
Người dân Việt Nam luôn xứng đáng được bảo đảm về sự an toàn khi trực tuyến, đảm bảo quyền riêng tư khi tham gia nền tảng mạng xã hội.
Cảm ơn ông!