Trao đổi với PV VietNamNet, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội dành thời gian phân tích nguyên nhân người lao động chọn giải pháp rút bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian qua. Ông Nghĩa cũng nêu giải pháp cho vấn đề này.

Theo ông Phạm Trọng Nghĩa, mỗi năm cả nước có hơn 700.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần và năm sau luôn cao hơn năm trước. Bình quân cứ hơn một người tham gia bảo hiểm xã hội có một người rút 1 lần.

Trong giai đoạn 2016 -2021, có hơn 4 triệu người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Trong đó, có hơn 1,8 triệu là lao động nam, hơn 2,2 triệu là lao động nữ. Số lao động rút bảo hiểm xã hội một lần dưới 40 tuổi là 3,8 triệu chiếm 95%.

Đặc biệt, có đến 99% số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần rơi vào trường hợp không tìm được việc làm trong vòng 12 tháng kể từ ngày chấm dứt quan hệ lao động. Thực tế này cho thấy, khả năng quay trở lại thị trường lao động của họ là rất khó khăn.

- Vì sao người lao động rút bảo hiểm một lần năm sau luôn cao hơn năm trước, thưa ông?

Việc người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có nhiều nguyên nhân. Trong số đó, có thể kể đến như do không có tích lũy để bù đắp thu nhập, người lao động muốn có ngay một khoản để tính toán phương án tạo thu nhập của mình.

Do khả năng kết nối, quay trở lại thị trường lao động của họ là không cao nên người lao động cũng lựa chọn phương án rút bảo hiểm xã hội một lần. Bên cạnh đó, cũng có phần do điều kiện hưởng chế độ hưu trí chưa cao, trong khi điều kiện rút một lần khá thuận lợi.

- Việc rút bảo hiểm xã hội một lần như vậy khiến người lao động gặp phải những thiệt thòi nào?

Việc người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần có tác động về nhiều mặt. Đối với bản thân người lao động, về lâu dài, họ sẽ phải chịu nhiều gánh nặng tài chính như không có lương hưu, không bảo hiểm y tế. Bản thân rất dễ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Đối với xã hội, việc rút bảo hiểm xã hội làm chế độ an sinh xã hội của nước ta không đạt được mục tiêu đề ra. Điều này cũng tạo gánh nặng về xã hội lớn, nhất là khi chúng ta chuyển sang giai đoạn dân số già; đồng thời, gây sức ép lên việc bảo toàn và phát triển Quỹ Bảo hiểm xã hội.

 Tính đến hết tháng 5, số người tham gia BHXH khoảng 17,47 triệu người, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi. Ảnh: Hoàng Hà

- Theo ông, giải pháp nào để người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần nhiều như thời gian vừa qua?

Chúng ta cần tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người lao động, tổ chức công đoàn phải quyết liệt hơn trong vấn đề này. Cơ quan chức năng cũng phải đẩy mạnh việc kết nối, giới thiệu việc làm, nâng cao kỹ năng nghề để người lao động bị mất việc nhanh chóng trở lại thị trường lao động.

Để người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần, chúng ta cũng cần tiếp tục hoàn thiện về pháp luật như điều chỉnh chế độ hưu trí. Trong đó, cần tính đến việc cơ cấu lại Quỹ hưu trí thành 2 phần (phần bắt buộc, không được rút và phần bổ sung, được rút). Bên cạnh đó cần điều chỉnh mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần cũng như điều kiện hưởng.

- Nhiều người cho rằng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội quá dài như hiện nay (20 năm), trong khi mức hưởng thấp, dẫn tới việc nhiều người ‘đuối sức’, nên quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần. Theo ông, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội tới đây có nên rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm của người lao động hay không?

Tôi đồng ý với việc rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Một trong những số nội dung thay đổi chính của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (ngoài 40 tuổi mới bắt đầu tham gia), hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, cũng được hưởng lương hưu hàng tháng. Các trường hợp này trước đây không được hưởng lương hưu.

Việc giảm điều kiện đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm, nhiều người lao động sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng. Định kỳ, mức lương hưu sẽ được Nhà nước điều chỉnh và đồng thời trong thời gian hưởng lương hưu, người tham gia sẽ được Quỹ Bảo hiểm xã hội mua bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, khi giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm có thể dẫn tới lương hưu thấp, khó đảm bảo mức sống tối thiểu bởi tiền lương hưu căn cứ vào mức đóng bảo hiểm xã hội và thời gian đóng (tiền đóng cao, thời gian dài thì lương hưu cao và ngược lại). Đây là điều cần hết sức cân nhắc, có thể điều chỉnh bằng việc nâng mức đóng vào Quỹ hưu trí.

Xin cảm ơn ông!