Sáng 25/12, phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo: “Giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, hội thảo còn góp phần tham gia việc tiến hành tổng kết 40 năm đổi mới và xây dựng dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ 14 của Đảng.

nguyenxuanthang.jpg
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng

Khái quát tình hình đất nước nửa nhiệm kỳ qua, ông Thắng khẳng định: Với ý chí, quyết tâm cao, tinh thần đổi mới sáng tạo, đất nước ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được nhiều thành quả quan trọng, nổi bật, trong đó, có những lĩnh vực trở thành điểm sáng rất đáng khích lệ.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng lưu ý, từ nay đến hết nhiệm kỳ, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, tình hình thế giới, trong nước vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhiều biến động khó dự báo. 

Tạo nền tảng cho giai đoạn bứt phá tiếp theo 

Gợi mở một số vấn đề về định hướng giải pháp tổ chức thực hiện, ông Thắng đề nghị các chuyên gia thảo luận, phân tích kỹ hơn các nhiệm vụ, giải pháp góp phần đảm bảo sự ổn định, cân bằng, các kích hoạt tích cực trên thị trường tiền tệ, bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp; đặc biệt, tìm cách tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. 

Trong đó, tập trung ưu tiên những giải pháp không chỉ nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch mà còn tạo nền tảng cho giai đoạn bứt phá tiếp theo thông qua đẩy mạnh các quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng…

Theo ông Thắng, điểm nhấn nổi bật của nhiệm kỳ 13 là việc ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước. 

Đây là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ về phát triển vùng – một vấn đề có ý nghĩa chiến lược và mang tư duy đổi mới cả về lý luận và thực tiễn, đã được nêu ra từ nhiều năm trước nhưng chưa thực hiện được bao nhiêu. 

Vì vậy, ông Thắng đề nghị các nhà khoa học thảo luận, làm rõ hơn các biện pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế hoạt động để các Hội đồng Vùng có thẩm quyền thực chất, tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn, khắc phục tư duy cục bộ, thiếu phối hợp trong triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng...

Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ

Ngoài ra, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng lưu ý đến việc bảo đảm an sinh xã hội, chấn hưng văn hoá, phát triển con người Việt Nam; hoàn thiện thể chế phát triển bền vững, trọng tâm là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Nhắc đến Nghị định số 73/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, ông Thắng lưu ý, điều quan trọng nữa là phải có những cơ chế thật cụ thể để có thể đưa nghị định này vào thực tiễn cuộc sống, thật sự khuyến khích và bảo vệ được những cán bộ tài năng, sáng tạo trong việc thực hiện chức trách, thẩm quyền được giao.

Một nội dung nữa cũng được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh là tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. 

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, thúc đẩy việc giới thiệu, lựa chọn, bố trí cán bộ có đức, có tài, có tâm, liêm chính, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo các cấp của hệ thống chính trị. 

Thực hiện có hiệu quả việc kết hợp giữa đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, hoàn thiện cơ chế, luật pháp, chính sách để cán bộ “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”…

Nhiều bộ trưởng hiện nay đã qua bí thư cấp tỉnh

Nhiều bộ trưởng hiện nay đã qua bí thư cấp tỉnh

Trao đổi với VietNamNet, đại diện Ban Tổ chức Trung ương cho biết, hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 Trung ương khóa 12, đến nay cả nước có 40 bí thư tỉnh ủy, thành ủy; 29 chủ tịch tỉnh không phải là người địa phương.