Đó là thông tin Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh khi trao đổi với báo chí về việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU).
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta, gồm Luật Thủy sản 2017 và 2 nghị định, 9 thông tư đã điều kiện để gỡ thẻ vàng. Song, vẫn cần điều chỉnh và sửa Nghị định 42, Nghị định 26 để bám sát thực tiễn hơn.
Việc sửa đổi này Bộ đã trình Chính phủ sau thời gian chuẩn bị. Tới đây, sẽ có ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần 2 và sẽ được Chính phủ thông qua.
Vấn đề giám sát và quản lý đội tàu cá là một trong những cảnh báo đặc biệt được EC đưa ra với thủy sản Việt Nam.
Hiện nay, tổng số lượng tàu cá ở nước ta là 86.820 chiếc, trong đó tàu trên 15m có khoảng hơn 30.000 chiếc. Theo ông Tiến, sau một thời gian dài nỗ lực triển khai, đã có 93,7% tàu cá được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) và kết nối trên hệ thống thông tin chung.
Song, Thứ trưởng thừa nhận vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Trong khi đó, EC khẳng định còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì không thể gỡ thẻ vàng IUU.
Báo cáo cho thấy, từ tháng 10/2022, sau đợt thanh tra lần thứ 3 của Đoàn Thanh tra EC đến nay đã xảy ra 27 tàu cá, 132 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Còn tính từ đầu năm 2023 đến nay, chỉ có 14 tàu, 84 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Con số này giảm mạnh so với năm 2022.
Thế nhưng, để gỡ được thẻ vàng IUU, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mong cả hệ thống chính trị, các tỉnh, thành phố vào cuộc quyết liệt để từ nay đến tháng 10/2023 sẽ không còn tàu vi phạm nữa.
Còn nếu tiếp diễn vấn đề vi phạm vùng biển nước ngoài, rất có thể thuỷ sản Việt Nam bị EC cảnh báo thẻ đỏ IUU.
Ngoài ra, công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác trong nước, đặc biệt là nhập khẩu còn nhiều tồn tại, bất cập, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của EC. Khi thanh tra lần thứ 3, EC vẫn phát hiện những việc thực hiện truy xuất nguồn gốc ở một số địa phương chưa thực hiện chuẩn. Quá trình Bộ NN-PTNT đi kiểm tra thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng này.
“Vấn đề xử lý vi phạm hành chính cũng nằm trong cảnh báo của EC”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin. Ông cho biết, Nghị định 42, Chính phủ đã trình lên Thường vụ Quốc hội đồng ý cho bổ sung 6 thiết bị để chúng ta xử lý vi phạm hành chính, gần như là phạt nguội, chắc chắn sẽ có hiệu lực, hiệu quả.
Cùng với đó, bổ sung cảnh sát biển là lực lượng được quyền xử lý vi phạm hành chính. Chủ tàu và thuyền trưởng đều là đối tượng phải chịu trách nhiệm thay cho quy định trước đây chỉ có chủ tàu.
Trước đó, Bộ NN-PTNT cũng triển khai loạt giải pháp chống khai thác IUU để gỡ thẻ vàng IUU trong đợt thanh tra lần thứ 4 của EC dự kiến vào tháng 10/2023.
Cụ thể, Bộ yêu cầu các địa phương thực hiện các tập trung cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển; đặc biệt tại vùng biển giáp ranh, chồng lấn, chưa phân định giữa Việt Nam và các nước có biển liên quan, các khu vực tập trung nhiều tàu cá hoạt động khai thác hải sản và tại các đảo, cửa sông, cửa lạch, bãi ngang tiềm ẩn nguy cơ các tàu không đăng ký, không có giấy phép khai thác, không lắp thiết bị VMS.
Điều tra, xác minh, xử phạt 100% các trường hợp tàu cá ngắt kết nối thiết bị VMS trên 10 ngày, ngắt kết nối thường xuyên khi khai thác trên biển, vượt ranh giới trên biển.
Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến. Nếu để xảy ra các trường hợp tàu cá không đủ điều kiện vẫn được xác nhận xuất, nhập bến tham gia hoạt động khai thác thủy sản thì chỉ huy đơn vị đó chịu trách.
Điều tra, xử phạt triệt để các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; trường hợp đủ căn cứ tiến hành điều tra, truy tố theo quy định pháp luật.
Bộ NN-PTNT yêu cầu thực hiện nghiêm vấn đề truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu, đặc biệt nhập khẩu bằng tàu container. Nghiêm cấm các chủ nậu, vựa, cơ sở, doanh nghiệp thu mua sản phẩm thủy sản khai thác từ tàu cá vi phạm IUU.
Nếu phát hiện, thu hồi hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với các doanh nghiệp, đưa ra khỏi danh sách cảng cá chỉ định có đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác vi phạm các quy định về IUU; trường hợp đủ căn cứ xử lý hình sự, điều tra truy tố.